Một học sĩ người Hán vào thế kỷ thứ 18 sau khi bị cơn gió thổi tung trang sách đã viết câu thơ, đại ý “cơn gió thanh khiết kia tuy không biết chữ mà sao cứ thích lật sách?”. Câu thơ nghe có vẻ vô hại nhưng học sĩ này đã bị chính quyền nhà Thanh cai trị Trung Quốc (TQ) lúc bấy giờ, xử tử vào năm 1730 với tội tuyên truyền suy nghĩ nổi loạn.
Nhà Thanh cai trị người Hán luôn có mặc cảm rằng họ chỉ là giống man di, nên bất cứ thứ gì đụng chạm đến nỗi tự ti này đều có thể trở thành trọng tội. Vô số những nhà thơ khác đã phải mất mạng trong giai đoạn thanh trừng văn học của chính quyền Mãn Thanh. Sự hoang tưởng tuy có vẻ quá đáng, nhưng lại phản ánh một thực tế rõ ràng của vương triều này.
Nhà Thanh, cũng như mọi triều đại khác, luôn gặp khó khăn trong việc cai trị đất nước TQ rộng lớn. Việc này càng khó hơn khi dân số Mãn Thanh lại ít hơn rất nhiều so với người Hán đang bị cai trị. Các cuộc nổi loạn của người Hán thường xuyên nổ ra, và được đoàn kết bằng sự tự hào về nên văn minh lâu đời của dân tộc Hán. Cuối cùng nhà Thanh cũng đã sụp đổ trước cuộc cách mạng của người Hán vào năm 1911, thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa. Nhà nước này sau đó cũng nhanh chóng bị chia rẽ và quyền lực trung ương chỉ được khôi phục lại sau khi đảng Cộng sản TQ lên nắm quyền vào năm 1949.
Căn bệnh "hoang tưởng" từ đời nhà Thanh nay một lần nữa được tái diễn khi ông Tập Cận Bình đang cố ép một loạt những cải cách lên những địa phương mà chính quyền nơi đó ngày càng thể hiện thái độ không khuất phục. Kể từ năm 2012, Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương đảng cộng sản TQ (CCDI), cơ quan tối cao về chống tham nhũng của đảng cộng sản Trung Quốc đã điều tra và trừng trị vài trăm ngàn quan chức. Chiến dịch chống tham nhũng dự định sẽ kết thúc trước Đại hội đảng lần thứ 19 vào năm 2017.
Trên thực tế, đây là công cụ để ông Tập Cận Bình triệt tiêu các đối thủ chính trị, cũng như hệ thống điều hành “tập trung dân chủ” của TQ, được thiết lập vào năm 1978 vốn để tránh việc tập trung quyền lực vào cá nhân duy nhất. Nhưng cách hành xử của chính quyền TQ trong thời gian qua cho thấy một sự bất an đang ngày càng lớn mạnh. Từ tháng 2.2016, bộ máy kiểm duyệt của TQ đã có những phản ứng hết sức thái quá trước bất kỳ một sai sót nào của truyền thông. Điều này cho thấy nội bộ chính quyền TQ đang diễn ra một cuộc đấu đá chính trị căng thẳng nhất trong vài thập niên gần đây.
Trước khi diễn ra Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc hồi tháng 3, ông Tập Cận Bình đã thực hiện một loạt chuyến thăm các hãng truyền thông lớn nhất TQ. Trong các chuyến thăm này, ông Tập yêu cầu các tờ báo tuyên bố trung thành tuyệt đối với đảng. Điều ấy cũng đồng nghĩa là trung thành với ông, vì trước đó ông tự tuyên bố là “hạt nhân của đảng”. Sau đó chỉ vài ngày, CCDI tiến hành một loạt điều tra chống tham nhũng nhắm vào cơ quan tuyên truyền trung ương và cơ quan kiểm duyệt tối cao của chính quyền. Thông điệp được đưa ra rất rõ ràng, Chủ tịch Tập yêu cầu các cơ quan báo chí TQ, vốn đã bị kiểm soát chặt chẽ, phải càng vâng lệnh hơn nữa.
Có vẻ như chính quyền TQ đang thực hiện phương châm “tuy ta có thể bị hoang tưởng, nhưng điều này không có nghĩa là ta thực sự không có đối thủ”. Trong lịch sử TQ, những người chống đối chính quyền thường sử dụng thơ văn trào phúng, phúng dụ và tận dụng những từ đồng âm hay từ địa phương để đưa ra những thông điệp ngầm phản đối hoặc để liên kết những cá nhân có cùng suy nghĩ với nhau. Cho đến khi nào truyền thống này còn tồn tại, tầng lớp cai trị TQ, đặc biệt là những ai cảm thấy bất an khi ngồi trên chiếc ghế quyền lực, sẽ luôn tìm cách dập tắt những đòn tấn công “trá hình” này.
Khi có bất kỳ một vụ “lỡ lời” nào xảy ra trên báo chí, chính quyền TQ cho thấy gần như không thể phân định được rằng đây chỉ là sai sót vô hại, hoặc có thể là một động thái mờ ám hơn. Việc chính quyền TQ liên tục ra tay trừng trị những sai sót tưởng chừng như vô hại trong thời gian gần đây cho thấy bộ máy cầm quyền đang ra sức săn lùng cho ra một mối đe dọa lớn, nghiêm trọng hơn nhiều so với sự bất mãn của một số nhà báo.
Gần đây xuất hiện vụ lá thư nặc danh yêu cầu Tập Cận Bình từ chức đăng trên một trang tin tức có liên quan đến cơ quan tuyên truyền tại Tân Cương. Thư được ký tên “những thành viên trung thành của đảng Cộng sản” nhanh chóng bị dẹp khỏi trang và những người có liên quan đến trang tin tức này ngay lập tức bị bắt để điều tra. Mặc dù không thể biết rõ tác giả thực sự của bức thư, tuy nhiên có thể hiểu được rằng chỉ có những cá nhân có điều kiện tiếp cận với nguồn thông tin mới có thể viết ra những dòng chữ này và đăng lên mạng.
Một đoạn trong thư nói ông Tập đã “từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ thông qua cơ chế Ủy ban Thường vụ đảng Cộng sản Trung Quốc” cho thấy có thể thư được viết bởi những phe nhóm trong nội bộ tầng lớp cai trị đang bị tước mất tiếng nói bởi những hành động thanh trừng của ông Tập. Nhìn chung, lá thư này có thể được xem như là một tuyên bố chống đối trực tiếp, cho thấy vẫn còn tồn tại của một số thành phần đối lập trong giới cầm quyền TQ mà chiến dịch chống tham nhũng kéo dài 3 năm qua không thể nhổ tận gốc. Đây đồng thời cũng là một đòn tấn công táo bạo nhất nhắm vào Chủ tịch Tập, chỉ trích không những các chính sách mà ông đề ra, mà còn nhắm vào các nguyên tắc cốt lõi trong cách lãnh đạo của ông.
Tập Cận Bình cũng như đối thủ của ông đều hiểu quá rõ rằng để tranh được quyền lực, trước tiên phải làm mất uy tín những người đang nắm quyền, đồng thời thiết lập những liên minh đủ mạnh để thâu tóm những vị trí lãnh đạo chủ chốt. Cách này đã được Tập Cận Bình, cũng như đối thủ lúc trước của ông là cựu chính trị gia Bạc Hy Lai, sử dụng để leo lên các nấc thang chính trị. Căn bệnh "hoang tưởng" ngày càng nặng của người đứng đầu bộ máy chính trị TQ cho thấy ông đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng lớn mạnh.
Việc siết chặt bộ máy truyền thông TQ chỉ là một phần trong chiến dịch thanh trừng của Tập Cận Bình. Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch này rất đơn giản: Chủ tịch Tập yêu cầu sự “trung thành tuyệt đối” của tất cả các nhánh trong bộ máy chính quyền, từ đảng cho tới quân đội, theo như chính lời ông nói. Tuy nhiên, các hình thức phản kháng đã liên tiếp diễn ra đến từ trong nội bộ chính quyền, báo chí và ngay cả người lao động bị sa thải, cho thấy vị Tổng bí thư còn lâu mới có được sự trung thành tuyệt đối.
Sự phản kháng ngày càng lớn mạnh này đến từ thành phần thuộc tầng lớp cai trị bị tước mất những đặc quyền trước đây, đến từ giới truyền thông bị tước mất quyền tự do ngôn luận vốn ít ỏi, và đến từ thành phần lao động bị mất việc cho rằng nền kinh tế trước đây từng cho họ một cuộc sống ổn định giờ không còn hữu hiệu. Nói tóm gọn, sự chống đối đến từ những tầng lớp người dân TQ cho rằng đất nướccủa họ không còn được tốt như lúc trước.
Nhà kinh tế học Albert O.Hirschman từng phân tích có 3 cách mà những cá nhân hay nhóm sẽ thực hiện khi đối mặt với tình trạng đi xuống của chất lượng cuộc sống xung quanh: thoát ly, lên tiếng, và trung thành. Thứ nhất, họ có thể thoát ly, từ chối tham gia vào những gì đang diễn ra và tự tìm đến những gì khác tốt đẹp hơn. Kế đến, họ cũng có thể lên tiếng than phiền, phản đối và thực hiện những hành động cụ thể để thay đổi thực trạng. Và lựa chọn cuối cùng, họ có thể tiếp tục trung thành với đường lối đã được đề ra và mong cho mọi chuyện sẽ được tốt đẹp hơn trong tương lai. Trong mắt Tập Cận Bình, cách duy nhất để củng cố quyền lực là dẹp bỏ 2 lựa chọn đầu tiên là thoát ly và lên tiếng, chỉ còn chừa lại lựa chọn duy nhất là phải trung thành tuyệt đối với ông.
Ngày nay tại TQ, lựa chọn “thoát ly” khỏi chế độ đang ngày càng bị thu hẹp. Chính quyền của Tập Cận Bình đã nhiều lần chứng tỏ rằng không nơi nào là thực sự an toàn, nằm ngoài tầm với của lực lượng an ninh TQ. Vào năm 2014, Bắc Kinh thực hiện 2 chiến dịch để truy lùng các cá nhân đối lập đang tị nạn tại nước ngoài đồng thời phong tỏa tài sản của họ. Cảnh sát chìm do chính quyền TQ cài vào Thái Lan đã thực hiện ít nhất 2 vụ “xử lý” người tị nạn tại đây. Ngoài ra theo một số thông tin, một người đối lập đang tị nạn tại Mỹ cũng bị ám sát hụt. Trong trường hợp không tìm ra người đối lập ở nước ngoài, chính quyền TQ sẽ quay sang “hành hạ” gia đình của họ trong nước.
Kế đến, ông Tập Cận Bình cũng đang dần triệt tiêu nguyên tắc “tập trung dân chủ”, vốn cho phép những phe cánh đối lập được quyền có được tiếng nói nhất định trong các chính sách của đảng và chính quyền. Phương thức này trước đó được Đặng Tiểu Bình, vị lãnh đạo thiên về cải cách, đề ra nhằm lấy được sự ủng hộ của các phe đối lập. Tuy nhiên, Tập Cận Bình lại không có cách dễ dàng nào để có thể lấy được sự ủng hộ của đối thủ, nên đơn giản nhất là thu hẹp cơ chế này, nếu không muốn nói là dẹp bỏ hẳn.
Tập Cận Bình muốn lấy được sự trung thành tuyệt đối của mọi tầng lớp nhân dân TQ bằng cách dẹp bỏ 2 lựa chọn “thoát ly” và “lên tiếng”. Tuy nhiên khó khăn nằm ở chỗ ông ta chỉ thành công nhất trong việc ngăn ngừa “thoát ly”, nhưng lại tỏ ra khá vụng về khi phải đối mặt với những tiếng nói phản kháng. Việc này đã dẫn đến sự lớn mạnh của phe đối lập, đang ngày lộ diện rõ trước thềm Đại hội thứ 19.
Phương thuốc mà Tập Cận Bình đưa ra để cứu chữa nền kinh tế trì trệ của TQ bằng cách tập trung quyền lực vào một cá nhân, trên thực tế lại khiến tạo ra thêm nhiều phe cánh. Bất kỳ một nhóm chống đối nào được tạo ra trong tương lai cũng sẽ nguy hiểm hơn cho Chủ tịch Tập so với những đối thủ tồn tại sẵn trước khi ông lên nắm quyền. Nếu thất bại trong việc kiểm soát những rạn nứt trong nội bộ đảng cộng sản TQ, khả năng gìn giữ một chính quyền trung ương lớn mạnh là dường như không thể. Và cũng như lịch sử của nhà Thanh trước đó, một khi kiểm soát thất bại, sẽ cần nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm để khôi phục lại một chính quyền trung ương hiệu quả.
Theo Fobers, Một thế giới