Ông Lương Hoài Nam: Bamboo Airways không có ý định nộp đơn phá sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo CEO Lương Hoài Nam, ngoài khoản đầu tư của Sacombank, Bamboo Airways sẽ tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ tài chính khác. Hãng cũng nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi không có ý định nộp đơn xin phá sản. Các chủ nợ của chúng tôi đều muốn Bamboo Airways tiếp tục kinh doanh”, ông Lương Hoài Nam - CEO Bamboo Airways - khẳng định như vậy trong buổi phỏng vấn với Bloomberg hôm 27/11.

Cụ thể, theo ông Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - chủ nợ lớn nhất của Bamboo Airways - đang tìm cách đầu tư và giúp tái cấu trúc hãng hàng không này. Ông cho biết, Sacombank có thể nắm giữ tối đa 11% cổ phần Bamboo Airways nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể (nếu có thể xảy ra) của thương vụ này.

Theo SSI Research, tính đến hết quý 2/2023, dư nợ tín dụng của Bamboo Airways tại Sacombank là 3.000 tỉ đồng.

Ý định đầu tư vào Bamboo Airways của Sacombank được ông Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT Bamboo Airways, đồng thời là Thành viên HĐQT Sacombank - tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (EGM 2023) lần 3 của Bamboo Airways vào trung tuần tháng 9.

Tuy nhiên, theo ông Tuệ, Sacombank là một tổ chức tín dụng nên việc đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Do đó, ngân hàng này phải xúc tiến các thủ tục, xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.

Theo Luật các Tổ chức tín dụng, mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Trước đó, hồi tháng 5, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã CK: NVB) đã lấy ý kiến cổ đông về việc bán 203 triệu cổ phần Bamboo Airways. Số cổ phần này từng tương đương với 11% vốn Bamboo Airways, trước khi hãng hàng không này tăng vốn điều lệ từ 18.500 tỉ đồng lên 26.220 tỉ đồng vào ngày 10/5/2023.

Luong Hoai Nam 1.jpg
Ông Lương Hoài Nam - CEO Bamboo Airways (Ảnh: Linh Pham/Bloomberg).

Dẫn lời trên Bloomberg, CEO Bamboo Airways cho hay, sau khoản đầu tư của Sacombank, hãng cũng sẽ tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như: vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, để củng cố chỗ đứng vững chắc hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, kế hoạch tài chính đang xây dựng cho Bamboo Airways giai đoạn 2024-2028 nên có thêm các nhà đầu tư nội địa. Tuy vậy, hãng cũng đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh cắt giảm chuyến bay, Bamboo Airways đã chấm dứt hợp đồng với các phi công nước ngoài và hướng tới cắt giảm khoảng 60% chi phí lao động.

Trước đây, hãng khai thác 66 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế nhưng hiện chỉ bay thuê chuyến quốc tế và 16 đường bay địa phương. Bamboo Airways đã trả lại 19 chiếc máy bay (bao gồm 3 chiếc Boeing 787) cho các công ty cho thuê máy bay.

Như vậy, công ty này chỉ còn 11 chiếc máy bay của Airbus SA và Embraer SA. Để cải thiện tính hiệu quả, Bamboo Airways dự định chỉ dùng máy bay Airbus và cũng đặt mục tiêu tăng số lượng máy bay lên 30 chiếc trong vòng 3-4 năm tới.

“Chúng tôi cần hành khách tin tưởng vào tương lai của Bamboo Airways. Chúng tôi cần thuyết phục các nhà đầu tư, cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng tin tưởng vào tương lai của chúng tôi”, CEO Bamboo Airways nhấn mạnh./.