Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra thực tế và nhiều hướng giải quyết bất cập của ngành game Việt hiện nay tại Diễn đàn Quốc gia ngành Game Việt năm 2023 được tổ chức vào sáng nay (31/10). Đây là một sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, NIC cùng Game for Good Foundation (GfG) phối hợp tổ chức.
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử thẳng thắn nêu quan điểm về sự phát triển của ngành game Việt Nam, cho rằng sở dĩ ngành có nhiều tiềm năng nhưng không phát triển đúng mức vì đang vấp phải nhiều lực cản "không đáng có".
Theo phân tích của Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, lực cản đầu tiên là ngành game đang bị phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành game.
"Có nghịch lý là người Việt Nam sản xuất game cho nước ngoài chơi, nhưng người Việt lại đi mua game nước ngoài về để chơi. Thực tế này dẫn tới việc có tới 88% game phát hành ở Việt Nam là của nước ngoài" và theo ông Tự Do, đó cũng là nguyên nhân mà nhiều nhân tài, kỹ sư của Việt Nam đang "ẩn mình vào bóng tối, không xuất hình, lộ diện".
Cho rằng một bộ phận xã hội vẫn nhìn nhận ngành game như một tệ nạn, nên đã nhìn nhận ngành với nhiều định kiến. Nhưng thực tế, ngành game phù hợp để đẩy mạnh phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có thể dễ dàng thu ngoại tệ khi sản xuất game và phát hành trên các nền tảng xuyên biên giới. Cùng với đó là mâu thuẫn trong nội tại ngành, khi bản thân những người đi học ngành game còn tâm lý e ngại vì định kiến xã hội. Do đó, ngành game luôn ở trạng thái thiếu hụt nhân lực.
Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cho rằng, khoảng 1 năm gần đây, đã xuất hiện các tín hiệu tích cực khi bắt đầu các lực cản trên đã vỡ dần, có nhiều tín hiệu tích cực cho ngành game.
Để thúc đẩy ngành game phát triển trong tương lai gần, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng cơ chế để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong ngành. Bộ sẽ hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất game và phát hành game.
Cùng với việc hỗ trợ kết nối các nhà sản xuất game trong nước với các doanh nghiệp game nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các nhà sản xuất game trong nước, kêu gọi các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam.
Đào tạo ngành hẹp cho ngành game gần giống đào tạo bậc đại học về nghệ thuật
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến tại VNG (VNGGames) cho rằng các doanh nghiệp, các studios game Việt Nam đã có nhiều thành công mặc dù còn tương đối tự phát, ông Thắng cho rằng điều này chứng tỏ tiềm năng của các doanh nghiệp là rất rõ ràng.
Trước câu hỏi cộng đồng các nhà phát triển và kinh doanh game ở Việt Nam cần gì để ngành này có thể phát triển mạnh mẽ, đại diện VNGGames thẳng thắn rằng: câu trả lời đương nhiên sẽ là các chính sách đồng bộ hỗ trợ về tài chính, các ưu đãi, chương trình giáo dục và đào tạo bài bản... Đây đều là những điều kiện cần thiết để ngành game phát huy hết tiềm năng, "nhưng theo tôi vẫn chưa phải là điều kiện đủ" - ông Thắng nói.
Ông Thắng dẫn thực tế của các nước khu vực Đông Nam Á và cho rằng những quốc gia top đầu về ngành này như Singapore, Malaysia, Thái Lan đều có điểm chung là xã hội nước họ nhìn nhận game là một ngành nghề đúng nghĩa. Ví dụ, như Singapore họ gắn ngành game với ngành du lịch, Hiệp hội game Singapore được 3 cơ quan chính phủ hậu thuẫn là Tổng cục du lịch, Cơ quan Phát triển Truyền thông và Cục Doanh nghiệp Singapore. Indonesia thì sử dụng 1 phần thuế VAT thu từ game để tái đầu tư cho ngành này và cho phép các studio game nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Thực tế trên cho thấy, các nước trong khu vực công nhận cho ngành game, coi game là một ngành kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế số. Đây là điều rất cần thiết để có chiến lược quản lý và lộ trình phát triển phù hợp.
Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý đã bước đầu công nhận và đồng hành và coi game là ngành kinh tế, tuy còn non trẻ nhưng rất giàu tiềm năng. Đó là cơ sở để từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên ngành.
Tuy vậy, sếp VNGGames thẳng thắn chỉ ra thực tế khó khăn về nhân lực ngành. Hiện, chỉ có 1 số trường, nhất là các trường ĐH quốc tế như RMIT hay đại học Anh quốc (BUV) đã có các ngành và chuyên ngành về thiết kế game, thiết kế đồ hoạ cho game,... nhưng vẫn chưa phổ biến và còn lại là các khoá học ngắn hạn. Nguồn nhân lực dành cho ngành game hiện nay thường là từ các “ngành gần" như CNTT, thiết kế đồ hoạ,... Việt Nam hiện vẫn chưa có mã ngành đào tạo bậc đại học cho ngành game.
Lấy ví dụ, vì là tuyển dụng từ “ngành gần" nên chúng ta có 1 đội ngũ nhân lực tương đối tốt cho các vị trí lập trình game, game artist,... nhưng game designer - nhà thiết kế game (khác với thiết kế đồ hoạ) thì còn rất thiếu, vì không có trường lớp đào tạo. Vị trí này gồm nhiều chuyên ngành hẹp bên trong, cần được đào tạo bài bản, vì nó bao gồm cả yếu tố công nghệ, yếu tố văn hoá, lịch sử, nắm bắt nhu cầu, tâm lý người dùng,... để có thể có 1 kịch bản game tốt. Mảng này gần giống với đào tạo bậc đại học về nghệ thuật.
Như vậy, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến VNG cho rằng, trước khi cần các hỗ trợ về chính sách, về thuế, về tài chính,... thì sự nhìn nhận đúng về giá trị của ngành game từ các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội là đặc biệt quan trọng, trong đó Cơ quan quản lý có vai trò đầu tàu, dẫn dắt.
"Game là sản phẩm sáng tạo trên môi trường số, ngoài yếu tố kinh tế, giải trí, góp phần quảng bá văn hoá của quốc gia,... thì còn có yếu tố văn hoá rất rõ ràng. Việc kiểm soát yếu tố văn hóa thông qua phê duyệt nội dung kịch bản theo tôi là cần thiết để mang đến những sản phẩm chất lượng cho người dùng Việt Nam" - ông Lã Xuân Thắng nói.
Và khi đã có sự công nhận của xã hội, của cơ quan quản lý, có nguồn nhân lực thực chiến, chuyên môn cao, tiếp cận xu hướng phát triển công nghệ chung trên thế giới... thì chắc chắn Việt Nam sẽ có những sản phẩm tốt và đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, để ngành game trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế số.
Cần hệ sinh thái đa dạng cho ngành game
Ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, với dư địa phát triển trong 10 năm qua, ngành game Việt tuy có vài doanh nghiệp game phát triển nhanh nhưng toàn ngành vẫn còn có nhiều hạn chế. Việt Nam chưa hình thành hệ sinh thái game thực sự, các công ty chưa tận dụng lợi thế hợp tác cùng nhau, các kỹ sư công nghệ giỏi làm game còn thiếu kinh nghiệm, chưa tiếp cận đông đảo người dùng.
Các công ty phát hành chưa tìm được game Việt chất lượng. Nếu đánh giá chất lượng sản phẩm trên nhiều tiêu chí, chúng ta còn khoảng cách xa so với nhóm hàng đầu thế giới.
Cùng góc nhìn với lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, lãnh đạo VNGGames, ông Huy cho rằng, để ngành game Việt thực sự trở thành ngành công nghiệp giá trị cao và có sức cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế lớn chúng ta cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng quốc tế và hệ sinh thái đa dạng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.
Mặc dù đối diện với nhiều thách thức, nhưng ngành game Việt mang lại doanh thu rất đáng tự hào, đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á. Hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với ngành game. Hệ sinh thái game Việt cũng từng bước có tên tuổi dẫn đầu như: VNG, Amanotes, VTC và cả những tên tuổi tầm cỡ quốc tế như Amanotes./.