Nước cờ chiến lược của Alibaba: rót 4 tỷ USD thâu tóm trang web video

Alibaba bỏ ra 4 tỷ USD để thâu tóm Youku - trang web video hàng đầu Trung Quốc, cho thấy ý đồ bành trướng nội dung sang lĩnh vực video của hãng.
Nước cờ chiến lược của Alibaba: rót 4 tỷ USD thâu tóm trang web video

Youku và trang web anh em Tudou - được sáp nhập từ năm 2012 - có 900 triệu lượt xem/ngày, tăng gấp 3 lần so với 18 tháng trước. Công ty này cũng đang sở hữu 15 triệu người dùng. Có thể thấy, sau khi thâu tóm Youku, Alibaba sẽ có thêm số người dùng khá lớn. Tuy nhiên, chiến lược của hãng thương mại điện tử (TMĐT) khổng lồ không chỉ là gia tăng số người biết đến mình.

Dưới đây là 5 lý do khiến Alibaba quyết định rót số tiền lớn cho nước cờ chiến lược này.

1. Bán nội dung số

Alibaba là công ty TMĐT lớn nhất Trung Quốc, với 2 trang web Taobao và Tmall chiếm lĩnh thị trường mua sắm trực tuyến. Hãng có 367 triệu khách hàng đã chi tiêu 109 triệu USD trong khoảng tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Hầu hết khách hàng tiếp cận sản phẩm qua mail quảng cáo, ở các mặt hàng tiêu dùng, vé xem phim, vé máy bay và các dịch vụ trực tuyến.

Alibaba hiểu rằng những sản phẩm kỹ thuật số sẽ sớm trở thành một loại hàng hóa phổ biến và công ty cần sớm sở hữu những sản phẩm này. Trong đó, giải trí kỹ thuật số sẽ là một mặt hàng quan trọng.

Trong quá khứ, Alibaba từng thất bại trong việc bán các ứng dụng và điện thoại. Tuy nhiên, những lãnh đạo của công ty đang tỏ ra họ không muốn tiếp tục bỏ lỡ cơ hội “đón sóng” trong sự bùng nổ nội dung số tiếp theo.

2. Alibaba muốn “bao sân” tất cả sản phẩm TMĐT

Tham vọng của gã khổng lồ là thống lĩnh mọi sản phẩm của TMĐT. Đó là lý do Alibaba đã rót hàng tỷ USD vào các dịch vụ kết nối tại Trung Quốc. Công ty có cổ phần trong Didi Kuaidi – một startup gọi taxi theo yêu cầu và đang phát triển rộng lớn hơn với dịch vụ vận chuyển khác, có khả năng cạnh tranh với Uber.

Ngoài ra, TMĐT còn phát triển mạnh ở các lĩnh vực như giao thức ăn, bán máy móc, dịch vụ massage… Tất cả đều sẽ được mang đến tận cửa nhà khách hàng chỉ sau vài thao tác trên các ứng dụng di động. Nhận thấy điều này, Alibaba đã đổ 1 tỷ USD vào phát triển các ứng dụng di động để cung cấp sản phẩm tốt hơn, trước khi làn sóng startup bắt đầu phát triển hàng loạt ứng dụng trong lĩnh vực này. Đó cũng chính là lý do Alibaba thâu tóm trang web video lớn nhất Trung Quốc.

3. TV đang chết dần

Điều đang xảy ra tại Mỹ và các nước phát triển thì cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc: TV đang chết dần. Amber Wu – quản lý việc phát triển kinh doanh trên website nói với Tech in Asia, “Nhà tôi không có lấy một chiếc TV”. Mỗi ngày, Amber Wu mất 1 – 4 tiếng để xem video trực tuyến.

Giới trẻ Trung Quốc chủ yếu xem các bộ phim sitcom của Mỹ hay phim online, phim truyền hình của Trung Quốc, Hàn Quốc. Họ hầu như không xem các chương trình trên truyền hình. “Bởi vì chúng miễn phí, hấp dẫn, ít quảng cáo và nhất là không bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát nội dung”, Amber Wu giải thích. Đài truyền hình đã trở nên rất ù lì, cũ kỹ với người Trung Quốc hiện đại.

Do đó, có một cuộc chiến mãnh liệt giữa các trang web khi các công ty tranh nhau để mua độc quyền các chương trình hấp dẫn nhằm giữ chân người dùng.

4. TV sẽ trở thành một kênh mua hàng TMĐT

Alibaba từ năm 2013 đã có tham vọng phát triển hệ điều hành, các dịch vụ trên smart TV. Khách hàng có thể mua các sản phẩm của Taobao, thanh toán các hóa đơn bằng dịch vụ Alipay của Alibaba. Đồng thời, người dùng cũng sẽ sử dụng Alipay để mua những chương trình video trực tuyến chất lượng cao.

Trong khi hầu hết các chương trình trên smart TV của Alibaba đều miễn phí thì công ty này vừa cho ra mắt dịch vụ video thu phí đầu tiên tại Trung Quốc, tương tự kênh Netflix hay HBO. Dịch vụ mang tên TBO, với giá 6,1 USD/tháng xem không giới hạn hoặc 57,3 USD/12 tháng.

Chương trình TV sẽ chết. Tuy nhiên, chiếc TV vẫn sẽ được sử dụng trong gia đình Trung Quốc theo một cách khác. “Chúng tôi tin rằng phòng khách là một kênh bán hàng rất quan trọng”, Daniel Zhang - CEO Alibaba cho biết.

5. Lợi nhuận từ những bộ phim bom tấn

Alibaba có một xưởng phim tên là Alibaba Pictures. Dù chưa thực sự đi vào sản xuất, hãng phim của Alibaba đã có những ký kết hợp tác quan trọng với Paramount Pictures. Công ty cũng tham gia quảng bá, bán vé các bộ phim bom tấn của Tom Cruise tại Trung Quốc.

Khi sở hữu Youku, Alibaba sở hữu một lượng người dùng lớn cho những nội dung riêng của hãng, cũng như một nền tảng vững chắc để kiếm thêm lợi nhuận từ phim ảnh, quảng cáo pre-roll (quảng cáo trước khi phát nội dung chính thức của video), theo dõi các đơn hàng. Ngay trước khi thâu tóm Youku, Jack Ma đã sớm khẳng định tham vọng của Alibaba: Công ty giải trí lớn nhất thế giới.

Thương vụ giữa Alibaba và YouKu hoàn tất sẽ là cột mốc mới trong việc củng cố sức mạnh của Alibaba, như là một trụ cột quan trọng trong bộ tứ website quyền lực nhất Trung Quốc, bao gồm: Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi. Ở Trung Quốc, video đã thực sự trở thành một sản phẩm TMĐT khi nhiều ông lớn đã đầu tư vào những kênh riêng của mình như Tencent hay Baidu.

Theo DNSG