Nữ tướng quyền lực đứng sau các thương vụ tỷ đô của Vietjet Air

Gần như kín tiếng, người phụ nữ này chỉ xuất hiện khi hãng hàng không của bà ký kết các thương vụ hàng tỷ đô la mua máy bay...
Nữ tướng "bí ẩn" của Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nữ tướng "bí ẩn" của Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Những hành khách bình dân, họ có thể là nông dân, công chức, người thu nhập thấp, bất cứ ai cũng có thể bước lên các hành trình của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Người kiến tạo ra các "hành trình giá rẻ đó" lại là một phụ nữ kín tiếng, còn rất trẻ, sinh năm 1970. 

Bà là Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air. Bà Thảo là Cử nhân Kinh tế chuyên ngành Tài chính tín dụng tại Học viện thương mại  Matxcova; Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế Quốc dân Matcova và Tiến sỹ học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế- Liên bang Nga.

Vai trò được gây chú ý nhất của bà là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT- HDBank và Tổng giám đốc Vietjet Air.

Ngoài các chức trách nói trên, hiện nay bà Thảo đã và đang tham gia quản trị nhiều công ty lớn khác tại Việt Nam và nước ngoài như cổ đông sáng lập Sovico Holdings, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phú Gia, Chủ tịch Công ty Địa Ốc Phú Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Sovico Ltd., (Liên bang Nga),  …

Vợ chồng bà Thảo là một trong những người tham gia sáng lập 2 ngân hàng lớn ở Việt Nam là VIB và Techcombank.

Tháng 9/2013, bà Phương Thảo và ông Thanh Hùng cùng lúc được báo chí và dư luận quan tâm, sau khi thông tin thương vụ mua, thuê 100 máy bay của hãng Airbus được “rò” ra.

Hợp đồng mua bán này gồm 63 chiếc, trong đó có 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.

Giá trị hợp đồng lần đầu tiên được công bố: 63 chiếc máy bay trị giá 6,4 tỷ USD. Tính cả số máy bay thuê và các quyền lợi khác, số tiền phải thanh toán là 9,1 tỷ USD.

Tháng 11/2014, chiếc máy bay đầu tiên của hợp đồng này đã được giao cho Vietjet Air. Đáng chú ý, đây là chiếc máy bay đầu tiên của Vietjet Air mang biểu tượng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đây cũng là đại diện cho những đầu mối tài trợ, thu xếp vốn cho Vietjet Air thực hiện gói hợp đồng trên.

Mới đây nhất, ngày 10/11/2015, bên lề triển lãm Hàng không Quốc tế Dubai Airshow 2015, hãng hàng không Vietjet Air và tập đoàn Airbus tiếp tục ký hợp đồng đặt mua thêm 30 máy bay A321.

Hợp đồng trị giá 3,6 tỉ USD bao gồm 9 máy bay sử dụng động cơ hiện tại A321 ceo và 21 chiếc A321 neo sử dụng động cơ thế hệ mới của Airbus. Thời gian bàn giao dự kiến sẽ từ năm 2016-2020.

Đại diện Airbus và Vietjet Air trong buổi ký kết hôm 10/11 vừa qua.

CEO của Vietjet Air cho biết: “Hợp đồng ngày hôm nay nằm trong chiến lược phát triển và mở rộng cả thị trường nội địa lẫn quốc tế của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một hãng hàng không trẻ trung, năng động hàng đầu Việt Nam và châu Á”.

Liên tiếp những thương vụ tỷ đô với Airbus của VietjetAir đã gây chấn động ngành hàng không không chỉ trong nước mà cả quốc tế và nó được xem như một cú bứt phá mạnh mẽ muốn vươn rộng hơn ra các thị trường quốc tế của hãng hàng không giá rẻ mới vài năm tuổi đời này.

Theo ANTT