Chuyện người bước ra ánh sáng
“Những nỗi đau triệu đô” không phải là tên một bộ phim, mà là chủ đề mà một nhóm doanh nhân trẻ Hà Nội đã chọn cho Đêm đoàn viên trong những ngày cuối cùng của năm Giáp Ngọ, để chia sẻ chuyện của người “vừa chui ra từ đống đổ nát”, để cùng bắt đầu một năm Ất Mùi thành công hơn. Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Bắc Việt là người khởi xướng hoạt động này và cũng là một trong các nhân vật mang đến một nỗi đau.
Chuyện của Thép Bắc Việt nhiều người biết, bởi đây là doanh nghiệp niêm yết. Cho đến quý III/2014, Thép Bắc Việt vẫn có tên trong danh sách doanh nghiệp báo lỗ của sàn HNX trong 6 quý liên tiếp. Đối với Bắc Việt, mục tiêu doanh thu 245,89 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2013, lợi nhuận trước thuế 2,42 tỷ đồng mà Đại hội cổ đông năm 2014 đã thông qua có thể vẫn đang ở trên sườn dốc.
“Chúng tôi vẫn vừa kinh doanh vừa cơ cấu lại nợ. Giá phải trả rất lớn, nhưng tôi coi đó là tài sản mà nếu không trải qua không thể có được”, ông Vương lần đầu chia sẻ về chuỗi ngày lao đao và cho biết, tài sản mà ông nhắc tới tương ứng với khoản nợ có thể chôn vùi cả sự nghiệp và giấc mơ của một doanh nhân trẻ muốn xây dựng thương hiệu Việt trong ngành thép.
Cũng may, năm 2013 là thời điểm ngân hàng có cơ chế cơ cấu lại nợ, đồng thời 4 thương hiệu lớn trong ngành thép của Nhật Bản là Nippon Steel & Sumikin Metal, Sumitomo Corp, Kyoei Steel và Sumisho Handbai đồng ý bắt tay với Bắc Việt để thành lập liên doanh sản xuất ống thép. Nhờ đó, ông Vương có được khoản tín dụng cần thiết để cấu trúc lại hệ thống, cắt đi những phần dư thừa, tập trung nguồn lực cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ và cơ khí xuất khẩu mà Bắc Việt đã có thương hiệu từ trước… Cuối năm 2014, Bắc Việt được Samsung Việt Nam ghi nhận là một trong 5 nhà thầu tốt nhất. Đây là kết quả của kỳ kiểm tra 6 tháng 1 lần của Samsung với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu tại Việt Nam.
“Khi nói được về thất bại có nghĩa là tôi đã bình tâm và tin rằng, mình đang đi đúng hướng, dù vẫn còn yếu ớt như người mới ốm dậy. Nhưng tôi sẵn sàng kể ‘nỗi đau triệu đô’ của mình để đừng ai dẫm lại vết xe đổ này, để mọi người biết rằng, có những thất bại của doanh nghiệp Việt lại có nguồn gốc sâu xa từ một quyết sách của Tổng thống Mỹ hay sự chuyển dịch dòng đầu tư trên thế giới. Năm 2006, chúng tôi đã nghe nói về điều này khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Người học được, hành được thì thắng, kẻ thờ ơ thì thua, kẻ không học mà vẫn ổn là may. Giờ thì may mắn còn lại rất ít”, ông Vương sốt ruột khi nhắc tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN với nỗi lo lớn về cách kinh doanh của những người vẫn nghĩ rằng, ao tù sẽ không lo bão biển, rằng tổn thất xã hội sẽ rất lớn khi số lượng doanh nghiệp đóng cửa vì yếu và vì cả lý do không biết vì sao đóng cửa... cứ tiếp tục tăng lên.
Tự hiệu triệu thay đổi
Ý tưởng bắt tay với một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng của ông Vương để tận dụng thế mạnh của chuỗi phân phối sẵn có của đối tác và năng lực sản xuất hàng của Bắc Việt đã đổ bể. Đối tác mà ông Vương nhắm tới đều là những thương hiệu đang lên của Việt Nam và những người theo ông Vương chia sẻ là rất hiểu thời cuộc. Vì vậy, thất bại này có thể bởi họ không muốn thay đổi cách đã làm nên thành công vài năm qua.
“Tôi phải thay đổi. Tôi muốn kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi vì cuộc chơi mới, luật chơi mới sẽ loại những người không đạt chuẩn mới”, ông Vương thẳng thắn. Nhìn AEC, rồi TPP, nếu vẫn cách cũ, cứ “tự mình làm, tự mình hưởng theo kiểu được ăn cả” có thể khiến nhiều doanh nghiệp không những khó tận dụng được cơ hội của hội nhập, thậm chí có thể sẽ chết vì “bão biển đã đổ vào ao”.
Để đạt chuẩn AEC, ông Vương đang tính bài tìm người thay chính mình và đó sẽ là ngoại binh. Ông Vương đã có giám đốc nhà máy là người Nhật, nhưng tới đây, ông muốn tìm cả vị trí CEO và những vị trí lãnh đạo cấp cao. Làm trong ngành sản xuất, thầu phụ này mới hiểu rằng, vai trò của người giao dịch trực tiếp với các khách hàng quan trọng như thế nào. Đối tượng ông Vương đang nhắm đến là các CEO đến từ Singapore. Họ có thể đầu quân cho Bắc Việt từ cuối năm 2015 mà không bị cản trở bởi giới hạn nào khi AEC mở cửa.
“Tôi rất buồn khi phải thừa nhận, nhân sự Việt Nam rất thiếu kỹ năng để đảm trách được các vị trí này. Chúng tôi có thể giải các bài toán công nghệ của Samsung hay Canon, giải được những đòi hỏi rất cao của Samsung về bảo vệ quyền lợi của người lao động hay các quy trình hỗ trợ sản xuất…, nhưng nhân sự thì không”, ông Vương trăn trở.
Là người đã thuê CEO ngoại binh từ khá lâu, cũng là người có mặt trong HĐQT của nhiều tập đoàn lớn ở nước ngoài, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái còn nổi danh với quan điểm phải đủ khỏe để ra điều kiện với những người lớn.
Vài năm trước, khi khởi đầu kế hoạch bắt tay với đối tác Nhật Bản để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi, Phú Thái đã đặt điều kiện tiên quyết là họ sẽ nắm chi phối trong liên doanh. Cho dù kết thúc của kế hoạch này không như mong đợi, nhưng ông Đoàn cho biết, ông chủ động trên bàn đàm phán với các đối tác có bề dày hơn Phú Thái cả về kinh nghiệm, vốn và thương hiệu.
Trong năm nay, ông Đoàn vừa tiết lộ kế hoạch liên kết với một đối tác Nhật với tỷ lệ vốn phía Nhật chỉ khoảng 19%. Lần này, Phú Thái cũng là người ra điều kiện, đó là đưa sản phẩm của Công ty cổ phần Thời trang Kowil Việt Nam tới các nước ASEAN và Nhật qua hệ thống hiện có của đối tác. Như vậy, ngoài chuỗi hơn 1.000 cửa hàng trên cả nước, các sản phẩm của Kowil đang sẵn sàng vươn xa.
“Để nối được với tàu 5 sao, thuyền của ta phải đạt ít nhất 3 sao, đủ minh bạch để đối tác hiểu mình là ai thì mới có cơ đến gần họ, bắt tay với họ. Nếu cứ thuyền thúng vớt rau, vớt cỏ trong ao mà không tìm cách kết bè thì không thể ra biển được”, ông Đoàn tâm sự.
Phải thừa nhận thực tế, dù doanh nhân Việt Nam đã ngộ ra rất nhiều điều sau giai đoạn khó khăn, nhưng chưa đủ, vì điều kiện và môi trường kinh doanh đã khác trước. Vẫn có những doanh nhân mê xe mạ vàng, nói đến tiền là phải trăm tỷ, nghìn tỷ, nói đến đất là cả nghìn héc-ta… Có doanh nghiệp mới sinh ra thuê phòng ốc sang trọng, xe hoành tráng rồi… hết vốn. Nhiều người vẫn huyễn hoặc và ảo tưởng vào bề dày quan hệ. Nếu hội nhập sâu với tâm thế đó, thì doanh nghiệp Việt tự đẩy mình ra ngoài sân chơi chung.
Cũng không thể không nhắc đến môi trường kinh doanh vẫn còn đâu đó hậu thuẫn cho kiểu kinh doanh ăn xổi, chụp giựt, doanh nghiệp làm thật thua thiệt hơn người tận dụng cơ chế. Nhưng điều ông Đoàn lo ngại hơn cả là tâm lý ăn xổi, kiếm tiền nhanh đã thấm rất nhanh vào những người mới và đang có kế hoạch khởi nghiệp.
“Tôi đang dành nhiều thời gian hơn cho các buổi làm việc với các sinh viên và những người trẻ khởi nghiệp. Có lần, kế hoạch là 2 tiếng, nhưng chúng tôi đã ngồi với nhau 5 tiếng. Nhiều bạn trẻ có suy nghĩ không ổn về một dự án khởi nghiệp, rất sơ sài, nhiều mộng mơ, thiếu thực tế, nhưng họ lại tin thế là đủ. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng tôi phải hỗ trợ họ vì họ trẻ, có kiến thức và cần thực tế từ những người đi trước. Nếu họ đi nhầm, lãng phí xã hội vô cùng lớn. Nếu họ đi đúng, nền kinh tế sẽ mạnh thêm nhờ đoàn thuyền đạt chuẩn”, ông Đoàn lý giải sự nhiệt tình của ông trong các chương trình khởi nghiệp.
Đặc biệt, mới đây nhất, khi khởi động chương trình khởi nghiệp năm 2015 vào giữa tháng 1/2015, ông Đoàn, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình, đã cam kết bám sát với các thí sinh ngay từ đầu để có ngay dự án đủ điều kiện nhận được sự đầu tư ban đầu của Hội đồng.
“Tôi đã chia sẻ thông tin này và rất mừng là đang được nhiều người ủng hộ. Họ đã nhắc tới lời khuyên của tân Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ông Philipp Roesler, khi chỉ ra điểm mạnh cơ bản của Việt Nam là thế hệ trẻ, rằng, hãy dành hết tiền của mình, cả tiền ngân sách và của xã hội, để đầu tư vào giới trẻ vì đó là tương lai của Việt Nam. Ông ấy nói đúng”, ông Đoàn cho biết.
Vĩ thanh
Tôi muốn gọi những doanh nhân này là những người đang bước ra ánh sáng. Cách đây vài năm, rất khó thuyết phục họ chia sẻ thực chuyện kinh doanh, nhất lại là những thất bại, trên truyền thông. Câu trả lời thường là muốn yên ổn làm ăn. Giờ mọi việc đã khác. Sau những vấp váp, thăng trầm của chính mình, họ lớn lên và muốn đồng nghiệp cùng lớn lên, thay vì tư duy “được ăn cả”. Khi những doanh nhân đi trước sẵn sàng bước ra ánh sáng, sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm..., môi trường cạnh tranh đang có thêm yếu tố nhân văn.
Theo Đầu tư