Nội bộ NATO bất đồng xung quanh vấn đề coi Trung Quốc là "thách thức có tính hệ thống"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, việc định vị Trung Quốc thế nào dường như là một vấn đề đau đầu, bộc lộ sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ liên minh quân sự này.  
Với việc NATO coi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống", quan hệ hai bên sẽ trở nên đối đầu (Ảnh: Deutsche Welle).
Với việc NATO coi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống", quan hệ hai bên sẽ trở nên đối đầu (Ảnh: Deutsche Welle).

Có tin NATO sẽ công bố văn kiện chiến lược mới nhất trong 10 năm qua, lần đầu tiên đề cập đến “những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc”, nhưng định vị Trung Quốc thế nào? Ý tưởng của Anh, Mỹ dường như rất khác với Đức và Pháp.

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 28/6, tại hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này, NATO dự kiến ​​sẽ công bố tài liệu "khái niệm chiến lược" mới đầu tiên trong một thập kỷ, trong đó lần đầu tiên đề cập đến Trung Quốc. Một nhà ngoại giao NATO nói với Reuters rằng các nước thành viên đã bộc lộ bất đồng về cách mô tả Trung Quốc và quan hệ Trung-Nga trong tài liệu như thế nào.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha trong hai ngày 29 và 30/6. Hội nghị thượng đỉnh NATO và hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức diễn ra trùng nhau với trọng tâm là cuộc khủng hoảng Ukraine, thách thức của Trung Quốc và việc quan hệ Trung-Nga ngày càng đi vào chiều sâu.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bỉ rằng thách thức mà Trung Quốc đặt ra sẽ lần đầu tiên được đề cập trong tài liệu chiến lược của NATO. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng phát biểu với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh G7, tiết lộ văn kiện chiến lược của NATO sẽ nói về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra theo một cách chưa từng có".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: thách thức mà Trung Quốc đặt ra sẽ lần đầu tiên được đề cập trong tài liệu chiến lược của NATO (Ảnh: AP).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: thách thức mà Trung Quốc đặt ra sẽ lần đầu tiên được đề cập trong tài liệu chiến lược của NATO (Ảnh: AP).

Tài liệu được gọi là "Khái niệm chiến lược" là một văn bản phác thảo các ưu tiên của NATO trong 10 năm tới. Phiên bản trước đó, phát hành năm 2010, không đề cập đến Trung Quốc và coi Nga là "đối tác". Theo Bloomberg, những từ ngữ như vậy sẽ bị loại bỏ trong tài liệu lần này.

Xác định vị trí của Trung Quốc như thế nào?

Một quan chức Mỹ hôm Chủ nhật (27/7) cho biết, ông tin rằng tài liệu khái niệm chiến lược mới sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ sử dụng ngôn từ "mạnh mẽ" đối với Trung Quốc, nhưng do cuộc đàm phán đang diễn ra nên vẫn có những biến số.

Một nhà ngoại giao NATO nói với Reuters rằng Mỹ và Anh đang thúc đẩy NATO dùng những lời lẽ mạnh mẽ hơn chống lại Bắc Kinh để phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của họ về tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và khả năng Trung Quốc Đại Lục tấn công Đài Loan; thế nhưng Pháp và Đức lại cho rằng cần sử dụng lời lẽ có mức độ và thận trọng hơn nên do vấn đề đầu tư của châu Âu ở Trung Quốc.

Theo các nguồn tin của ReutersBloomberg, một phương án thỏa hiệp đang được thảo luận trong nội bộ NATO. Theo phương án này, Trung Quốc sẽ được coi là một "thách thức có tính hệ thống" nhưng cũng đồng thời được coi là "sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi" với Bắc Kinh để duy trì sự cân bằng.

Với việc đưa Trung Quốc vào văn kiện chiến lược, lần đầu tiên NATO coi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống" (Ảnh: China.com).

Với việc đưa Trung Quốc vào văn kiện chiến lược, lần đầu tiên NATO coi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống" (Ảnh: China.com).

Hãng Bloomberg, trích dẫn nguồn tin của những người quen thuộc với vấn đề này, cho biết NATO sẽ không coi Trung Quốc là "đối thủ" và dự kiến tài liệu này ​​sẽ nêu bật mối quan ngại về Trung Quốc trong các lĩnh vực như an ninh mạng và thông tin sai lệch, kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng và tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Ngoài ra, một nhà ngoại giao NATO cũng nói với Reuters rằng các nhà đàm phán cũng đang điều chỉnh cách mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga; Cộng hòa Séc và Hungary phản đối mạnh mẽ việc sử dụng từ “strategic convergence” (hội tụ chiến lược) để xác định quan hệ Trung-Nga.

Trước những ý kiến của phương Tây cho rằng Trung Quốc gây nên mối đe dọa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng mục đích duy nhất của phương Tây là kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc và duy trì quyền bá chủ của Mỹ.

“Tham vọng toàn cầu” của Trung Quốc

“Nga xâm lược Ukraine” và Trung Quốc được cho sẽ là những chủ đề trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh NATO. Reuters chỉ ra rằng cách dùng ngôn từ của Anh và Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây. Vương quốc Anh gần đây đã mô tả Nga là "mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng" và coi Trung Quốc là "sự thách thức chiến lược"; Lầu Năm Góc, trong báo cáo thường niên mới nhất gửi tới Quốc hội Mỹ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "ứng phó với quân đội ngày càng mạnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và những thách thức do tham vọng toàn cầu của họ đặt ra”.

Reuters cho biết các nước Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO do Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược mới nhất của NATO. Một quan chức cho biết điều này nhằm thể hiện rằng ngay cả khi NATO tập trung vào Ukraine, họ sẽ không "rời bỏ vấn đề Trung Quốc."

Nhiều nước NATO cảnh giác với tham vọng của Trung Quốc thể hiện qua sáng kiến "“Vành đai, con đường”.

Nhiều nước NATO cảnh giác với tham vọng của Trung Quốc thể hiện qua sáng kiến "“Vành đai, con đường”.

Một quan chức châu Âu đồng ý, nói rằng "NATO không thể bỏ qua Trung Quốc". Ông nói: “Châu Âu có chút lạc hậu trong việc nhận ra điều này, nhưng với tình hình ở Hồng Kông, chắc chắn đã có sự thay đổi trong quan điểm.”

Một quan chức châu Âu khác nói: “Chúng ta đã cố gắng xây dựng một kỷ nguyên nhân ái và khuyến khích Trung Quốc, và kết quả đã xuất hiện Chủ tịch Tập”. Ông lưu ý rằng các nhà phê bình phương Tây cho rằng ông Tập Cận Bình đã “đưa Bắc Kinh đi theo con đường độc đoán hơn ở trong nước và đường lối có tính xâm lược ở ngoài nước". Ông này nói: “Vì vậy tôi cho rằng hầu hết mọi người đều nhận thấy (bây giờ) cần phải có một cách tiếp cận khác."

Đối với mối quan hệ Trung-Nga, một quan chức giấu tên nói với Bloomberg rằng các đồng minh đã nhận thấy sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc ngày càng nhiều khi hai bên công bố "quan hệ đối tác không giới hạn" và các quan chức Trung Quốc lan truyền “thông tin sai lệch” của Nga về cuộc xung đột Nga-Ukraine; cho rằng cần phải bắt đầu giải quyết vấn đề này.