Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng chiến thắng của lãnh tụ phong trào “Tiến lên” là một sự ngẫu nhiên và cực kỳ may mắn.
Báo The Washington Post ( Mỹ) giật tít: “Lãnh đạo nước Pháp trẻ nhất từ thời Napoleon Bonapart”. Bài báo cho rằng, con đường chính trị của ông Macron quả là khó hình dung: Mới chỉ cách đây 3 năm, còn chưa có ai biết đến tên tuổi ông. Vị cựu Bộ trưởng Kinh tế còn chưa bao giờ đảm nhiệm một chức vụ được bầu. Ông trở thành tổng thống hoàn toàn do sự may mắn cá nhân và do bối cảnh chính trị trong nước. Cả hai Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa, luôn chia nhau vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước trong suốt 60 năm qua, hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đó chính là thời cơ có một không hai của một ứng viên đứng ngoài hệ thống. Ông Macron hiểu rõ rằng, xã hội Pháp hiện tại không còn lựa chọn ứng viên theo tiêu chí tả hay hữu mà là người ủng hộ một đất nước mở cửa hay đóng cửa. Ông lựa chọn mở cửa, trong khi đối thủ của ông chọn phương án ngược lại. Và người dân đã chọn ông!
Theo báo The New York Times, Emmanuel Macron đã không đưa ra nhiều lời hứa hẹn vội vàng. Ông đấu tranh cho quyền lợi của người tỵ nạn, ủng hộ duy trì đông tiền chung châu Âu, thuyết phục người dân Pháp, rằng đất nước sẽ không thể thịnh vượng nếu từ chối toàn cầu hóa. Chiến thắng của chính trị gia trẻ tuổi là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ chủ nghĩa dân túy không có nhiều sức nặng tại châu Âu. Người dân Pháp lựa chọn Macron vì họ muốn có sự thay đổi, nhưng lại sợ có các nhà lãnh đạo làm thay đổi chính sách hoàn toàn như ở Mỹ hay Anh.
Tạp chí Times nhận xét, những ngày sắp tới sẽ là thời gian khó khăn với ông Macron. Nước Pháp đang bị sa vào những vấn đề mà không ai có thể giải quyết nổi trong nhiều năm qua. Đầu tiên phải kể đếntỷ lệ thất nghiệp cao: Vào năm 2002 khi đồng Euro được ra mắt, tỷ lệ thất nghiệp của cả 2 nước này đều dưới 8%. Hiện nay, tỷ lệ này ở Đức là dưới 4% trong khi của Pháp là gần 10%. Cứ 4 người trẻ dưới 25 tuổi hiện nay ở Pháp thì có 1 người thất nghiệp và tỷ lệ tăng trưởng thất nghiệp trong giới trẻ vào năm 2016 tại Pháp lên đến 85%.
Vấn đề chống lại đe dọa khủng bố luôn là mối ưu tiên hàng đầu của các tổng thống Pháp. Tiếp theo là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhắt kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai liên quan đến dòng người tỵ nạn. Từ những vấn đề trên mà người dân Pháp hiện có thái độ rất khác nhau đối với liên minh châu Âu - đó cũng là một thách thức lớn đối với tân Tổng thống.
Bây giờ ông Macron phái thống nhất xã hội Pháp mà không có đảng phái chính trị nào. Bản thân phong trào “Tiến lên” của ông cũng chỉ mới được thành lập 3 năm trước và cũng không có nhiều thành viên. Công việc của tân Tổng thống là phải thành lập được liên minh để chiếm đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng Sáu tới. Đó sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.