Những rủi ro toàn cầu trong năm 2015

Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 15/1, mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của thế giới trong 10 năm tiếp theo đến từ các nguy cơ xung đột quốc tế.
Tốc độ băng tan ở Greenland, lãnh địa băng lớn thứ hai trên thế giới sau Nam Cực, có thể nhanh hơn dự đoán. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tốc độ băng tan ở Greenland, lãnh địa băng lớn thứ hai trên thế giới sau Nam Cực, có thể nhanh hơn dự đoán. Ảnh: AFP/TTXVN.

Xét theo khía cạnh khả năng có thể xảy ra, các chuyên gia đã xếp 10 nguy cơ hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới lần lượt là: Nguy cơ xung đột quốc tế; Thời tiết cực đoan; Thất bại của hệ thống quản trị quốc gia; Khủng hoảng hay sự sụp đổ nhà nước; Thất nghiệp hay bán thất nghiệp; Thảm họa thiên tai; Thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu; Khủng hoảng nguồn nước; Gian lận hay đánh cắp dữ liệu; Các vụ tấn công mạng.

Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh tác động tiềm tàng trong thập kỷ tới, các chuyên gia đã đưa nguy cơ khủng hoảng nguồn nước lên vị trí hàng đầu và có một số thay đổi về xếp hạng thứ tự cùng với một số rủi ro khác như: Tình trạng lây lan nhanh chóng các bệnh truyền nhiễm; Các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt; Cú sốc giá năng lượng; Các cuộc khủng hoảng tài chính...

Với 28 rủi ro toàn cầu mà được đánh giá trong năm 2015 có thể nhóm lại thành năm loại: kinh tế, môi trường, địa chính trị, xã hội và công nghệ. Vai trò của địa chính trị ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015 khi chiếm tới ba trong tốp 10 rủi ro hàng đầu có thể xảy ra, và hai trong số 10 rủi ro hàng đầu xét theo khía cạnh tác động tiềm tàng.

Khủng hoảng Ukraine đã kéo dài từ cuối năm 2013 đến nay. Ảnh: AFP/TTXVN.
Khủng hoảng Ukraine đã kéo dài từ cuối năm 2013 đến nay. Ảnh: AFP/TTXVN.

Bên cạnh những rủi ro về xã hội, điểm đáng chú ý trong tốp những rủi ro hàng đầu trong năm nay là sự hiện diện nhiều hơn của những rủi ro về môi trường, thậm chí còn nhiều hơn so với các rủi ro kinh tế. Đây là kết quả của sự gia tăng đáng kể những đánh giá tiêu cực của các chuyên gia đối với việc chuẩn bị trên thực tế để ứng phó với các thách thức như thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, những lo ngại về rủi ro kinh tế kinh niên như tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc các cuộc khủng hoảng tài chính vẫn tương tự như năm ngoái mà không hề suy giảm.

Margareta Drzeniek-Hanouz, nhà kinh tế trưởng của WEF, nhận xét: Hai mươi lăm năm sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, thế giới một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ xung đột lớn giữa các quốc gia. Hiện nay các phương tiện để tiến hành cuộc xung đột như vậy nhiều hơn bao giờ hết, có thể là thông qua tấn công mạng, cạnh tranh các nguồn lực hay biện pháp trừng phạt kinh tế và các công cụ khác.

Giải quyết tất cả nguy cơ xung đột và tìm cách đưa thế giới vào con đường hợp tác, chứ không phải cạnh tranh, nên là ưu tiên cho các nhà lãnh đạo trong năm 2015.

Ngoài việc đánh giá khả năng và tác động tiềm năng của những rủi ro trên thế giới, Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2015 còn xem xét các mối liên kết giữa những rủi ro, cũng như cách tương tác với xu hướng hình thành các nguy cơ ngắn hạn và trung hạn.

Báo cáo còn đưa ra các phân tích của ba khía cạnh cụ thể nổi lên từ các mối quan hệ liên kết bao gồm: Sự tương tác giữa các yếu tố địa chính trị và kinh tế; Các rủi ro liên quan đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng mà không có kế hoạch ở các nước đang phát triển; Sự xuất hiện của các công nghệ mới nổi.

Theo: TTXVN