Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số…
Để đạt được mục tiêu chiến lược này cần phải có những bước đột phá trong cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong lẫn ngoài Đảng. Mà muốn có những bước đột phá thì cần phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, như yêu cầu của Tổng bí thư Tô Lâm.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng bí thư yêu cầu: “Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ”. Đồng thời, người đứng đầu Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Trung ương tán thành các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng; thống nhất giao Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh để kịp thời ban hành”.
Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định: “Chỉ có đột phá về mặt thể chế, thủ tục hành chính thông thoáng, con người quản lý phải thông minh mới đem lại nhiều lợi thế tốt nhất để giải quyết các bài toán chuyển đổi công nghiệp, thúc đẩy hiệu quả tiến trình xây dựng và phát triển đất nước” (tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024, ngày 25/9/2024).
Với quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng và Chính phủ như vậy, công cuộc đổi mới nói chung và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của chúng ta nhất định thành công.
Trước khi đưa ra những giải pháp cụ thể, chúng ta cùng nhìn lại bức tranh tổng thể của chiến lược thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài của chúng ta từ khi thành lập nước (năm 1945) đến nay.
Có thể nói trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài, nhất là nhân tài ngoài Đảng thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật dùng người với những lựa chọn, quyết định táo bạo mà sáng suốt. Chính phủ do Người đứng đầu luôn quy tụ rất nhiều nhân sỹ, nhân tài ngoài Đảng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh tổng hợp để bảo vệ thắng lợi cách mạng mới giành được.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động, thu hút được rất nhiều quan lại của Triều đình nhà Nguyễn, của Chính phủ Trần Trọng Kim đi theo cách mạng, như Thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại, Ngự tiền Văn phòng Đổng lý (của Vua Bảo Đại) Phạm Khắc Hòe, Tham tri Đặng Văn Hướng, Tổng trưởng Thanh niên Phan Anh, cựu Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định...
Bác còn bổ nhiệm nhiều bộ trưởng không phải là đảng viên, như Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền...
Sau hòa bình lập lại (năm 1954), trong Chính phủ vẫn còn nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng, như Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp (rồi Bộ trưởng Bộ Nông trường); Trần Đăng Khoa, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính (rồi Bộ trưởng Bộ Thủy lợi- Kiến trúc, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội).C
Bên cạnh việc lựa chọn nhân tài tham gia Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bố trí các nhân tài ngoài Đảng giữ các vị trí lãnh đạo, phụ trách chuyên môn của ngành y tế, giáo dục, luật pháp… gồm những tên tuổi lớn như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ...
Năm 1975, nước nhà thống nhất, giang sơn thu về một mối, việc xây dựng đất nước còn chồng chất khó khăn, rất cần những người giỏi chuyên môn, những nhân tài ngoài Đảng cùng tham gia xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Với cương vị là Chủ tịch, sau đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút và trọng dụng nhân sĩ, trí thức, nhân tài ngoài Đảng cùng tham gia công cuộc kiến thiết và xây dựng thành phố đông dân nhất cả nước.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và tài mưu lược của ông, hàng loạt những những nhân sĩ, trí thức tài năng, thậm chí có những sĩ quan cấp cao từng phục vụ trong Chính quyền Sài Gòn cũ được mời tham gia những công việc hệ trọng của thành phố. Nhiều người được bổ nhiệm làm giám đốc, phó giám đốc các tổ chức, bệnh viện, như trường hợp BS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM; BS Trần Tấn Trâm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1; BS Trần Đông A, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII; BS Trần Thành Trai (người cùng với các BS Trần Đông A, Văn Tần thực hiện ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức vào năm 1988): BS Ngô Gia Hy, chuyên gia hàng đầu thế giới về niệu học, Chủ nhiệm Bộ môn Niệu tại Đại học Y Dược TP.HCM…
Sau này không ít người trong số họ được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới như BS Trần Chấn Hùng, BS Văn Tần, dược sĩ Trần Văn Nhiều (nguyên là Đổng lý Văn phòng phụ tá đặc biệt Tổng trưởng Y tế chế độ cũ) được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược đầu tiên ở miền Nam. Ông là người đề xuất cổ phần hóa Công ty dược phẩm, Dược liệu và cũng là người đầu tiên trong cả nước đề xuất dịch vụ thu gom kiều hối năm 1981 để nhập các thành phẩm tối cần thiết cho việc trị bệnh và sản xuất thuốc.
Khi ở cương vị Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt còn mời hai trí thức chế độ Sài Gòn cũ là ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng ra làm việc. Chính hai chuyên gia này là tác giả chính của Pháp lệnh Ngân hàng thời đó. Ông Kiệt cũng không hề ngần ngại trong việc học hỏi, tham vấn ý kiến cả những người từng là Phó thủ tướng trong chính quyền Sài Gòn như Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Hảo…
Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng (giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) từng nhận xét: “Phải nói thật, ông Sáu Dân phải có niềm tin mãnh liệt vào tầng lớp trí thức. Ông đã lấy cả sinh mạng chính trị của mình để bảo đảm. Sử dụng trí thức như cách của ông đòi hỏi một sự dũng cảm, bản lĩnh, đồng thời cũng hết sức chân thành”.
Thực ra không phải cho tới ngày 31/7/2023, khi Thủ tướng ban hành Quyết định 899 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta mới có chiến lược mang tính tổng thể về thu hút và trọng dụng nhân tài.
27 năm trước, Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 18/6/1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu ra chủ trương phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Tiếp đó, các Văn kiện Đại hội IX, X, XI, XII, XIII của Đảng đều nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài đối với sự phát triển đất nước.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là chủ trương được Đảng và Nhà nước nhiều lần đặt ra như thế nhưng vì sao việc thu hút và trọng dụng nhân tài (trong đó có nhân tài ngoài Đảng) vẫn chưa đạt được như mong muốn?
Câu hỏi này được Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển nhân lực - Nhân tài Việt Nam lý giải: “Chúng ta sớm đề ra chủ trương về phát hiện, thu hút nhân tài, nhưng việc ra quyết sách cụ thể rất chậm, triển khai lại không rõ ràng, thiếu cụ thể chính là một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút, trọng dụng nhân tài nước ta nhiều năm qua vẫn chật vật, loay hoay; nhiều nhân tài ở cả trong và ngoài nước vẫn không có cơ hội được dấn thân, cống hiến cho đất nước”.
Một thí dụ rất điển hình cho việc “chật vật, loay hoay” là năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ từng xây dựng Đề án “Đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao giai đoạn 2012-2020” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo và thu hút được 130 nhà khoa học hàng đầu ở mọi lĩnh vực, trong đó có 20 nhà khoa học đầu ngành đạt trình độ quốc tế, 20 tổng công trình sư, 1.000 kỹ sư trưởng và 10.000 kỹ sư đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, đề án đó đến nay vẫn nằm trên giấy.
Trong khi đó, có những quy định đang cản trở việc tuyển chọn, trọng dụng nhân tài. Hiện nay, không chỉ với cán bộ cấp cao, ngay cả với cán bộ cấp phòng, cấp vụ tại các cơ quan nhà nước, với quy định hiện hành, rất khó để mời gọi nhân tài. Bởi theo Điều 18, Quy định 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, nếu cán bộ được giới thiệu bổ nhiệm không phải là nguồn tại chỗ thì phải có quy hoạch chức vụ tương đương.
Quy định như vậy rất khó cho việc tuyển dụng nhân tài của cơ quan nhà nước, vì những người nằm ngoài cơ quan nhà nước thì không thể đáp ứng được điều kiện về “quy hoạch chức vụ tương đương”. Ngoài ra, với cán bộ cấp vụ hiện nay, ngoài vấn đề quy hoạch còn phải đáp ứng hàng loạt điều kiện tiêu chuẩn, như phải có bằng cao cấp lý luận chính trị…
Cách đây vài năm, một cơ quan báo chí cấp bộ muốn đổi mới hoạt động báo điện tử đã tuyển một nhân sự nguyên là tổng biên tập một báo điện tử lớn của hội. Nhân sự được tuyển dụng về làm phó ban (tương đương vụ phó), nhưng sau đó cơ quan này phải hủy quyết định bổ nhiệm. Nhân sự được tuyển dụng phải phấn đấu lại từ đầu với tư cách phóng viên, sau đó mới quy hoạch và sau hơn 2 năm phấn đấu nhân sự mới được bổ nhiệm làm phó ban.
Việc tham gia làm đại biểu Quốc hội đối với những nhân tài ngoài Đảng có lẽ là “khả thi hơn” so với việc tham gia nắm giữ các chức vụ trọng yếu trong các cơ quan Nhà nước khác. Tuy nhiên có một thực tế là số nhân tài ngoài Đảng là đại biểu Quốc hội giảm dần theo từng khóa. Quốc hội khóa XI có 51 đại biểu ngoài Đảng, chiếm 10,25%; Quốc hội XII có 43 đại biểu không phải là đảng viên, chiếm 8,4%; Khóa XIII có 42 đại biểu không phải đảng viên, chiếm 8,2%; Khóa XIV là 21, chiếm 4,2%; đến Khóa XV còn 14, chiếm 2,8%.
Hơn nữa, trong khi Đảng ta yêu cầu: “Hình thành ý thức và tâm lý xã hội tôn trọng, tôn vinh trí thức, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thì dưới con mắt của không ít cán bộ lãnh đạo, nhân tài chỉ là nhà khoa học, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ làm chuyên môn thuần túy.
Đáng nói hơn, nhiều tổ chức, cơ quan và người lãnh đạo vẫn coi trọng bằng cấp hơn thực học, thực tài, thực nghiệp. Nguy hại hơn, trong công tác cán bộ thì lại chú trọng chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa thân hữu. Từ tháng 2/2012, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo và yêu cầu ngăn chặn tình trạng: “Trong công tác cán bộ thì “thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”.
Theo bảng xếp hạng về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) năm 2021, Việt Nam đứng thứ 82/134 quốc gia; đứng thứ 13/15 quốc gia được xếp hạng trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Chỉ số GTCI trung bình của Việt Nam trong hai kỳ đánh giá 2016-2018 và 2019-2021 giữ nguyên ở vị trí thứ 84/113 quốc gia.
Xin nói thêm chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu gồm 6 yếu tố cốt lõi, gồm: Thu hút nhân tài; phát triển nhân tài; giữ chân nhân tài; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài; kỹ năng kỹ thuật và đào tạo nghề; kỹ năng tri thức toàn cầu.
Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có sự bứt phá ngoạn mục để không ngừng vươn lên cải thiện chỉ số GTCI, như Singapore đã vượt lên xếp vị trí thứ 2, Malaysia xếp hạng 28, Philippines xếp hạng 52, Thái Lan xếp hạng 73. Một quốc gia có chế độ chính trị-xã hội tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc cũng tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 47 lên vị trí thứ 40.
Đáng băn khoăn hơn, dù Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu về chỉ số GTCI toàn cầu trong nhóm 36 quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên thế giới, nhưng lại không nằm trong số 10 quốc gia có xếp hạng cao về chỉ số “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” của nhóm này.
Trong khi thu hút nhân tài chưa đạt được như mong muốn thì tình trạng “chảy máu chất xám” lại có xu hướng gia tăng. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Song Hà (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Chính phủ có đề án nhằm hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trong đó nhiều lưu học sinh được Chính phủ cấp học bổng du học hoặc kinh phí để cán bộ, giảng viên đi nước ngoài học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng có tới hơn 50% số người được cử đi học tìm cách làm việc ở nước ngoài.
Có nhiều rào cản khiến không ít nhân tài của Việt Nam không muốn trở về nước để cống hiến, như: Môi trường làm việc gò bó, cơ hội phát triển ít, thu nhập không thỏa đáng, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu…
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp bách hiện nay là chúng ta cần sớm rà soát, sửa đổi những quy định đang cản trở việc tuyển dụng người tài vào cơ quan nhà nước, nhằm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng cơ chế đột phá để phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài, nhất là nhân tài ngoài Đảng. Cơ chế này bảo đảm chủ trương, đường lối của Đảng được thể chế hóa thành các quy định pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời có trọng tâm và chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Một là, cần sớm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài một cách khoa học, cụ thể hơn. Sửa đổi, bổ sung các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Mở rộng nhiều hình thức thu hút nhân tài, lựa chọn, tuyển dụng người tài qua nhiều kênh khác nhau, không nhất thiết qua con đường thi cử. Xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù đối với nhân tài.
Hai là, tạo môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.
Ba là, nhanh chóng đẩy lùi các căn bệnh hẹp hòi, phân biệt người trong Đảng - ngoài Đảng, “kiêu ngạo cộng sản”; thói tư túng, cục bộ, khép kín, “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”,... muốn biến tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thành nơi “cát cứ của dòng họ”, khắc phục tình trạng “cha truyền con nối”, “cả họ làm quan” ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bốn là, lựa chọn, bố trí người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trình độ, năng lực, thực sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống ở cơ quan, đơn vị, đặc biệt là biết thu hút và trọng dụng nhân tài
Năm là, đánh giá, xác định nhân tài phải dựa trên cơ sở các tiêu chí về năng lực trí tuệ, năng lực thực tiễn, hiệu quả thực hiện công việc... chứ không chỉ qua bằng cấp, chức danh, học vị. Người đánh giá, “thẩm định” nhân tài phải có thái độ khách quan, công tâm, không phân biệt, định kiến, hẹp hòi.
Chúng ta đang trước những thời cơ và vận hội mới, sát cánh, nâng niu, trân quý từng đóng góp của nhân tài, phát huy sở trường, thế mạnh và biết chấp nhận, uốn nắn những khuyết điểm, sai sót của họ là “chìa khóa” để củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, vững bước trước những đổi thay của thời đại, làm nên kỳ tích vẻ vang đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng bí thư Tô Lâm nhiều lần khẳng định.
Trong bài viết tiếp theo, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sẽ chia sẻ về chuyện minh quân ngày xưa tìm kiếm người tài, chỗ đứng của nhân tài ngoài Đảng và việc trưởng ngành có cần phải là đảng viên...