Chủ tịch HĐQT mới của OceanBank nguyên là Giám đốc chi nhánh 11 TP.HCM của Vietinbank. Cùng với đó là thông báo triệu tập họp đại hội cổ đông năm 2015 của Oceanbank, nhưng vẫn chưa chốt ngày họp. Động thái này nói lên điều gì? OceanBank sẽ về “một nhà” với Vietinbank hay là sẽ bị mua lại?
Số phận của OceanBank có lẽ sẽ được quyết định trong cuộc họp đại hội cổ đông tới. Hiện có 2 phương án đang được thị trường đoán định, đó là có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại, hoặc sẽ về “một nhà” với Vietinbank.
Tuy nhiên, cả hai phương án này đều đang “gặp khó”. Với phương án mua 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp phải sự phản ứng gay gắt của cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí (PVN). Hiện PVN đang nắm 20% cổ phần của OceanBank.
Hồi tháng 10/2014, ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc PVN, dự kiến sẽ thu về 5.000 tỷ đồng sau khi thoái vốn khỏi OceanBank và PVcombank.
Đặt trường hợp sau khi bên thứ ba kiểm toán, định giá tài sản của OceanBank và thấy ngân hàng này bị âm vốn nhiều. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định mua lại với giá 0 đồng thì khoản đầu tư của PVN tại ngân hàng này coi như hết giá trị.
Một tình huống mới phát sinh nữa, đó là, thời gian qua NamABank gom rất nhiều cổ phiếu OGC và OCH. Trong đó, OGC nắm rất nhiều cổ phần của OceanBank. Đây cũng sẽ là cổ đông lớn có tiếng nói quan trọng trong cuộc họp đại hội cổ đông sắp tới của OceanBank. Do vậy, nếu có phương án mua lại OceanBank của Ngân hàng Nhà nước chắc cũng không dễ thực hiện.
Nhưng khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại OceanBank với giá 0 đồng vẫn có thể xảy ra nếu như cổ đông mới không đủ nguồn lực khắc phục tình trạng âm vốn của ngân hàng này. Mới đây, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã trả lời báo chí về khả năng “nếu OceanBank âm vốn nhiều, bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải xử lý theo hình thức mua lại với giá 0 đồng như VNCB”.
Còn với phương án về “một nhà” với Vietinbank cũng không mấy thuận lợi. Theo phương án tái cơ cấu của Vietinbank, ngân hàng này sẽ nhận PGBank vào hệ thống. Phương án này cũng đã trình lên Ngân hàng Nhà nước và đang chờ cơ quan này duyệt. Nếu nhận OceanBank, phương án cụ thể sẽ như thế nào?
Có lẽ, phương án cuối cùng sẽ được chốt vào ngày họp đại hội cổ đông tới của Oceanbank. Nhưng có lẽ, giải pháp hài hòa nhất sẽ được chọn. Theo đó, Vietinbank sẽ được giao nhiệm vụ hỗ trợ Oceanbank trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là nhân sự.
Giải pháp này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước sử dụng với trường hợp Ngân hàng Công thương Sài Gòn (SCB) khi thực hiện sáp nhập 3 ngân hàng (Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Công thương Sài gòn) năm 2011. Thời điểm đó, BIDV được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho SCB trong quá trình hợp nhất. Khi đó, BIDV cũng cử người sang để giữ những vị trí cao trong ngân hàng này.
Tất cả tình huống trên mới là giả định. "Ván bài" sẽ lật ngửa sau khi đại hội cổ đông OceanBank được tổ chức vào thời gian tới.
Theo Bizlive