Đứng đầu về tỷ lệ vốn được chuyển nhượng trong một phiên là CTCP Đá Spilit (HNX: SPI) với đợt sang tay gần 7.6 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 26/8/2015, chiếm 60% số cổ phiếu đang lưu hành. Trong phiên hôm đó, nhà đầu tư Nguyễn Tiến Long đã bán hết toàn bộ 7.6 triệu cp tại SPI cho ông Nguyễn Đại Quyền, ông Đoàn Quốc Khánh và ông Đỗ Phan Tiến. Song, chỉ sau chưa đến 2 tháng nắm giữ, những cá nhân này lại đồng loạt thoái hết vốn.
Trong khi đó, theo lộ trình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) khỏi các doanh nghiệp nhà nước thì vào ngày 15/12/2015, hơn 11.7 triệu cp của Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (HNX: CTX) mà SCIC đang nắm giữ đã được chuyển nhượng sang 4 nhà đầu tư cá nhân là ông Lê Quang Bình (13.59%), ông Trần Khanh (11.32% vốn), bà Chu Thị Hồng Hạnh (6.42%) và bà Nguyễn Thị Kim Xuân (13.21%).
Giao dịch thỏa thuận chiếm tỷ lệ hơn 30% tổng cổ phiếu lưu hành |
Ngày 29/07/2015, hàng loạt cổ đông nội bộ của CTCP In sách Giáo khoa TPHCM (HNX: SAP) bao gồm Chủ tịch HĐQT và người nhà đồng thời thoái vốn. Trong khi đó, cùng ngày Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Bến Thành và ông Lê Ngọc Vinh đã gom 47% vốn. Kèm theo sau sự kiện này là sự “thay máu” nhân sự chủ chốt trong Công ty khi toàn bộ thành viên HĐQT và BKS bị miễn nhiệm.
Khá đình đám, phiên giao dịch ngày 21/09/2015, 46% vốn tương ứng với 12.54 triệu cổ phiếu của CTCP MHC (HOSE: MHC) đã được chuyển nhượng. Không chỉ phiên này mà các phiên giao dịch trước đó cũng có những đợt sang tay với khối lượng giao dịch lớn giữa các cổ đông MHC. Và câu chuyện nóng vào thời điểm đó chính là liệu có hay không ván cờ thâu tóm của STG tại MHC với sự xuất hiện của nhiều gương mặt khác như S99, VIX, SCI?
Một trường hợp nổi trội không kém là giao dịch thỏa thuận khối lượng gần 30 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (HOSE: BCI) được sang tay cho CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) vào ngày 03/12/2015. Như vậy, sau giao dịch này KDH đã nâng số lượng cổ phiếu BCI nắm giữ 49.6 triệu đơn vị, ứng với 57.31% vốn.
Còn xét về những giao dịch thoả thuận thuộc top 10 giá trị lớn nhất cả hai sàn thì chủ yếu thuộc về những mã có vốn hóa lớn. Đứng đầu là giao dịch ngày 04/11/2015 của VNM với khoảng 6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị lên tới 801 tỷ đồng. Bên cạnh đó là hàng loạt giao dịch của các mã Large Cap khác như EIB, MBB, VIC.
Top 10 giao dịch thỏa thuận lớn nhất về giá trị |
Theo Vietstock