Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ việc thương tâm của bé trai 5 tuổi tại Thái Bình tử vong khi bị bỏ quên 11 tiếng đồng hồ trên xe đưa đón học sinh. Trước đó vào năm 2019, một bé trai 6 tuổi ở Hà Nội cũng bị bỏ quên trên ô tô đưa đón dẫn đến tử vong.
Những vụ việc đau lòng như vậy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong hoạt động đưa đón, quản lý trẻ ở các trường mầm non. Cần có những biện pháp tối ưu giúp ngăn ngừa triệt để vấn đề này, trong đó việc áp dụng công nghệ vào những chiếc xe đưa đón học sinh hàng ngày được xem là hữu hiệu và dễ thực hiện nhất.
Trang bị nút bấm cảnh báo cuối xe
Để đảm bảo an toàn và tránh sai sót trong quá trình di chuyển đến trường, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới coi việc trang bị nút bấm ở cuối các xe buýt chở học sinh là điều bắt buộc.
Mỹ, quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển, đưa ra quy định đối với tất cả những xe buýt công chuyên chở học sinh đều phải trang bị một nút bấm gắn ở cuối xe, buộc tài xế phải bấm trực tiếp để tắt chuông báo.
Nút bấm có tên gọi "child check button" (Nút kiểm tra trẻ nhỏ) trên xe. Chúng được đặt tại vị trí cuối xe, phía sau hàng ghế cuối cùng. Cùng với đó là hai camera gắn trong xe, hoạt động liên tục 24/24h.
Theo quy trình, sau mỗi chuyến thả học sinh xuống điểm đến, bất kể khi nào tài xế tắt máy xe thì nút này tự động được kích hoạt và phát ra âm thanh cảnh báo. Lúc này, bắt buộc tài xế phải đứng dậy, rời ghế lái và đi ngược lại tận cùng phía sau của xe để bấm nút tắt chuông cảnh báo, nếu không xe sẽ tiếp tục phát âm thanh báo động lớn.
Điều này sẽ khiến các tài xế phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm tra lại xe trước khi rời đi, tránh trường hợp bỏ quên học sinh trên xe như các vụ việc gần đây tại Việt Nam. Tất cả những việc này đều được camera ghi hình và lưu trữ lại trên hệ thống (cùng với các thông tin khác trên hộp đen ôtô) để làm bằng chứng nếu có sự việc bất thường xảy ra.
Trong điều kiện ở Việt Nam, việc trang bị một nút bấm dạng "child check" ở những xe đưa đón học sinh là hoàn toàn có thể làm được. Biện pháp này không đòi hỏi phải thuê thêm nhân lực, cũng không quá tốn kém và có thể áp dụng được ngay.
Một số công nghệ giám sát học sinh tại các quốc gia phát triển
Xe buýt chuyên chở học sinh là một trong những phương tiện phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, buộc phải đáp ứng nhiều yêu cầu về khả năng giám sát nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi lên/xuống xe thông qua cả công nghệ lẫn hoạt động trực tiếp của con người.
Tại Thái Lan, hệ thống Smart School Bus đã được ứng dụng nhằm định vị xe, trang bị thêm thiết bị giám sát học sinh có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Những công cụ này sẽ ghi nhận, cảnh báo nhiều thông tin liên quan đến lộ trình di chuyển của xe buýt đưa đón học sinh như tốc độ, điều kiện môi trường trên xe cũng như sự có mặt của trẻ em.
Mọi thông tin do hệ thống này ghi nhận sẽ được gửi trực tiếp tới phụ huynh thông qua ứng dụng cài trên thiết bị thông minh. Khi con trẻ xuống khỏi xe, hay về gần tới nhà, thậm chí ngay cả khi về tới nhà, thông báo đều được gửi tới phụ huynh để họ nắm được tình hình.
Ở Trung Quốc, hệ thống thông minh đã có mặt trên một số xe buýt trường học từ năm 2012 để giám sát số học sinh có trên xe, gửi thông tin đến phụ huynh lẫn giáo viên thông báo vị trí của xe.
Đến năm 2016, hệ thống được cập nhật một số công nghệ mới, gửi cả hình ảnh cho phụ huynh theo thời gian thực để họ biết con mình có đang an toàn trên đường di chuyển tới trường hay về nhà bằng xe buýt hay không.
Còn tại Hàn Quốc, hệ thống cảnh báo trẻ ngủ quên trên xe buýt trường học từ khoảng cuối năm 2018. Hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc nhận biết động cơ tắt hoặc khóa rút ra khỏi ổ thì trong vòng 3 phút, tài xế phải di chuyển xuống phía cuối xe để bấm nút xác nhận không còn trẻ bị quên. Nếu quá thời gian này mà nút chưa được bấm, hệ thống sẽ phát chuông cảnh báo với âm thanh lớn.
Việc lắp camera hay hệ thống an ninh kiểm tra trẻ bị bỏ quên diễn ra sau một số trường hợp đáng tiếc xảy ra tại một vài quốc gia.
Với điều kiện ở nước ta hiện nay, việc trang bị những công nghệ an toàn tiên tiến trên hệ thống xe chuyên chở học sinh là điều hoàn toàn có thể làm được.