NHNN giảm mạnh giá mua USD: Vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo KBSV, nhu cầu mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối đã giảm, việc sử dụng ngoại hối để cung cấp thanh khoản cho thị trường cũng sẽ thận trọng hơn.
Hành động giảm giá mua USD của NHNN sẽ phần nào giải tỏa áp lực từ khía cạnh nhập khẩu lạm phát (Nguồn: Internet)
Hành động giảm giá mua USD của NHNN sẽ phần nào giải tỏa áp lực từ khía cạnh nhập khẩu lạm phát (Nguồn: Internet)

Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 8/6, giá mua vào USD trên Sở giao dịch NHNN và giá thực hiện cho hợp đồng USD giao kỳ hạn 6 tháng là 22.975 đồng, giảm 50 đồng so với trước đó (23.125 đồng). Hợp đồng kỳ hạn chỉ được thực hiện 1 lần/tuần vào mỗi thứ 4 và các ngân hàng thương mại (NHTM) không được phép hủy ngang như trước.

Sau quyết định của NHNN, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng phiên 8/6 đã giảm mạnh, từ mức 23.026 đồng xuống mức 22.964 đồng. Giá USD mua vào/bán ra niêm yết tại các NHTM không đổi, ở mức 22.830/23.060, trong khi giá USD chợ đen giảm 20 đồng mỗi chiều, giao dịch ở mức 23.130/23.180.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động thái trên cho thấy nhu cầu mua ngoại tệ của NHNN nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối đã giảm. Giá thực hiện cho hợp đồng kỳ hạn 6 tháng thấp hơn khoảng 30 đồng so với tỷ giá liên ngân hàng ngày 7/6 và thời gian đáo hạn rơi vào khoảng cuối năm, nhu cầu ngoại tệ từ khách hàng lớn nên khả năng cao số lượng các hợp đồng được thực hiện sẽ thấp.

KBSV cho rằng, dự trữ ngoại hối hiện nay đã cao hơn mức tiêu chuẩn, thanh khoản trên thị trường duy trì dồi dào, cùng áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, cho nên NHNN sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng kênh ngoại hối để cung cấp thanh khoản cho thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện vẫn nằm trong danh sách theo dõi “thao túng tiền tệ” từ Mỹ, do vậy hành động của NHNN vừa có thể giúp giải tỏa áp lực lên VND (trong bối cảnh USD giảm giá), vừa tránh vi phạm tiêu chí thứ 3 (can thiệp ngoại hối ít nhất 6 tháng).

Theo KBSV, hành động giảm giá mua USD của NHNN sẽ phần nào giải tỏa áp lực từ khía cạnh nhập khẩu lạm phát. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chỉ số DXY duy trì ở vùng thấp 89-90 điểm (đồng USD giảm giá), còn giá trị đồng CNY đã tăng khoảng 2% kể từ đầu năm đến nay.

“Đường NEER và REER giảm mạnh kể từ mức đỉnh vào tháng 3/2020, cho thấy VND đã giảm giá tương đối so với rổ tiền tệ. Điều này đã tạo áp lực lên hoạt động nhập khẩu (gia tăng nhập khẩu lạm phát)”, chuyên gia KBSV nhận định.

Ngoài ra, việc không cho phép các NHTM hủy ngang trong hợp đồng mua kỳ hạn sẽ giúp NHNN bám sát hơn nguồn cung ngoại tệ thực tế của NHTM, tuy nhiên làm hạn chế tính linh hoạt trong dòng tiền của các NHTM.

KBSV cho rằng, việc không cho phép hủy ngang sẽ bắt buộc các tổ chức tín dụng sẽ phải nắm giữ ngoại tệ lâu hơn và hạn chế việc “trading”, đồng thời NHTM phải cân đối thanh khoản tiền đồng dài hạn và dự báo chính xác nhu cầu của khách hàng để có thể đáp ứng đầy đủ nguồn cung ngoại tệ và tiền đồng.

Rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá ngoại hối hiện nay là động thái của FED. Trong trường hợp xấu nhất, khi FED bắt đầu phát tín hiệu giảm tốc độ mua tài sản, đồng USD sẽ tăng nhanh và tạo áp lực lên các đồng tiền mới nổi, trong đó có VND./.