Nhiều doanh nghiệp chưa nắm vững Luật Cạnh tranh

Sáng 10/5, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị tập huấn “Nắm vững quy định của pháp luật về cạnh tranh giúp bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế”.
Nhiều doanh nghiệp chưa nắm vững Luật Cạnh tranh

Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nắm bắt thực hiện đúng các quy định tại Luật Cạnh tranh có liên quan đến doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp mình trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp khác.

Tại hội nghị, bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Giám sát và quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) đã phổ biến cho các doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh và những thực tiến, thực thi. Bà Lan cho biết, trong Luật Cạnh tranh của Việt Nam có khái niệm về tập trung kinh tế và khái niệm về mua bán, sáp nhập (M&A) là 2 trong 5 loại hình được quy định là tập trung kinh tế.

Mặc dù các hoạt động mua bán, sáp nhập đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đúng mức đến các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2005. Vì vậy, trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc vi phạm về các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, điển hình là vi phạm của Công ty Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon trong việc sử dụng nhãn hiệu “Vincon” vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại liên quan đến thương hiệu “Vincom” của Công ty cổ phần Vincom năm 2010; hay hành vi cung ứng nhiên liệu hàng không với mức phí không bình đẳng của Công ty Xăng dầu hàng không VINAPCO năm 2009 đối với Hãng hàng không Pacific Airlines và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA)…

Ngoài ra, các doanh nghiệp thường vướng phải các lỗi vi phạm như bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng, tổ chức khuyến mại nhưng gian dối về giải thưởng, không trung thực hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về hàng hóa, dịch vụ…

Trong khi đó, các hậu quả pháp lý đối với việc vi phạm quy định về kiểm soát tập trung kinh tế khá nghiêm trọng với mức phạt tối đa lên đến 10% tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế.

Trong một số trường hợp, bên cạnh việc phạt tiền, cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn có thể áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp hoặc buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua…

Vì vậy, khi không chắc chắn về đánh giá của mình liên quan đến thương vụ mua bán, sáp nhập có thuộc ngưỡng thông hay bị cấm hay không, doanh nghiệp nên chủ động tham vấn với cơ quan nhà nước quản lý về tập trung kinh tế là Cục Quản lý cạnh tranh.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ý kiến tham vấn của Cục Quản lý cạnh tranh chỉ mang tính tham khảo và hướng dẫn do thông tin tham vấn thường hạn chế. Doanh nghiệp sử dụng kết quả tham vấn này để tự quyết định có tiếp tục tiến hành việc tập trung kinh tế hay không và vẫn phải tiến hành các thủ tục luật định nếu thuộc trường hợp phải thông báo hoặc xin miễn trừ.

Theo Chinhphu.vn