Nhật muốn thể hiện tính độc lập tự chủ nhiều hơn trong liên minh với Mỹ

VietTimes -- Nhật Bản vừa muốn khẳng định bản thân trong cuộc khủng hoảng hạt nhân, vừa lo ngại rơi vào xung đột quân sự trực tiếp với Triều Tiên. Do đó đã lựa chọn tiến hành hộ tống cho tàu tiếp tế quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.

Tờ Minh báo (Hồng Kông) ngày 15/5 cho hay, ngày 1/5, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tuyên bố điều tàu sân bay trực thăng Izumo rời cảng chi viện cho tàu tiếp tế quân đội Mỹ thực hiện nhiệm vụ ở khu vực xung quanh Nhật Bản.
Tàu Izumo là tàu trọng tải lớn, mới hạ thủy năm 2015, là trung tâm trong hệ thống tác chiến phòng thủ đảo nhỏ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Điều kỳ lạ là nhiệm vụ lần này được tuyên bố kết thúc vào ngày 3/5, vùng biển trực chiến của tàu Izumo là khu vực Shikoku và bán đảo Boso ở Thái Bình Dương tương đối an toàn, chứ không phải biển Nhật Bản - nơi trực tiếp đối diện với Triều Tiên.
Trong thời điểm bán đảo Triều Tiên vô cùng căng thẳng, Nhật Bản điều một tàu sân bay hạng nhẹ thực hiện nhiệm vụ hộ tống đơn giản và trong thời gian ngắn, họ có ý đồ gì?
Thái độ đối với Mỹ thường là chỉ tiêu quan trọng để xem xét phương hướng ngoại giao của Nhật Bản. Bên ngoài giải thích việc Nhật Bản điều động tàu sân bay trực thăng hộ tống cho quân đội Mỹ thường đặt ở góc độ đồng minh Mỹ - Nhật.
Nhưng từ khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền vào năm 2012 đến nay, Nhật Bản ngày càng thể hiện rõ ý đồ thông qua tăng cường đồng minh để thể hiện khuynh hướng độc lập, tự chủ về năng lực phòng vệ.
So với các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây, chiến lược quốc gia của ông Shinzo Abe xoay quanh giữa "đi theo Mỹ" và "độc lập tự chủ", cùng với kiên trì đồng minh Nhật - Mỹ, đặc biệt nhấn mạnh đến tính bình đẳng giữa Nhật - Mỹ và tính tự chủ của Nhật Bản.

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Nhật Bản. Ảnh: Sina
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Nhật Bản. Ảnh: Sina

Nhưng, điều này lại gặp khó khăn trong hiện thực. Cuối năm 2016, ông Donald Trump vào làm chủ Nhà Trắng, buộc Nhật Bản phải gánh nhiều chi phí quân sự hơn, làm cho chính giới Nhật Bản rơi vào hoang mang.
Tờ Weekly Toyo Keizai (Nhật Bản) cuối năm 2016 cho rằng, nếu Tokyo quyết định từ bỏ đồng minh Mỹ - Nhật, Nhật Bản sẽ cần tăng quân bị, độc lập xây dựng lực lượng cơ động tàu sân bay, lực lượng tàu ngầm và hệ thống giám sát vũ trụ, kinh phí quốc phòng của Nhật Bản sẽ từ khoảng 5.000 tỷ yên hiện nay tăng mạnh lên 9.000 tỷ yên.
Điều này có nghĩa là việc Nhật Bản hàng năm chi 500 tỷ yên cho quân đội Mỹ đóng tại Nhật hiện nay là một sự lựa chọn tương đối rẻ. Nhật Bản tìm cách thể hiện độc lập, tự chủ, nhưng trong tình hình hiện nay, sức mạnh quốc gia của Nhật Bản khó có thể độc lập đáp ứng.
Việc điều động mang tính tượng trưng của tàu sân bay trực thăng Izumo đã thể hiện trạng thái tâm lý mâu thuẫn này. Nhật Bản vừa muốn khẳng định bản thân trong cuộc khủng hoảng hạt nhân, vừa lo ngại rơi vào xung đột quân sự trực tiếp với Triều Tiên. Do đó đã lựa chọn tiến hành hộ tống cho tàu tiếp tế quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, nơi tương đối an toàn.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, đầu tháng 5/2017, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh đã có bài viết dài về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đã nhìn lại nội tình của quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều Tiên và quá trình bế tắc của hai nước cho đến nay, đã đưa ra không ít quan điểm.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2/2017. Ảnh: Asian Correspondent
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2/2017. Ảnh: Asian Correspondent

Vài điểm trong bài viết đặc biệt đáng lưu ý là: Hiệu quả gây sức ép với Triều Tiên của Mỹ là có hạn. Kinh tế Triều Tiên hoàn toàn không gay go như tưởng tượng của bên ngoài. Chính trị nước Mỹ đã ảnh hưởng đúng đắn đến việc Mỹ thực hiện thỏa hiệp cần thiết về ngoại giao đối với Triều Tiên.
Trạng thái Mỹ và Trung Quốc cùng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên hiện đã từng bước hình thành.