Nhật muốn lập “NATO châu Á” đấu Trung Quốc (P.1)

VietTimes -- Ý tưởng về một Bộ Tứ gồm 4 nước Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ để bảo vệ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương đã được thủ tướng Nhật Shinzo Abe thai nghén từ 10 năm trước. Và hiện tại, Nhật đã có đủ điều kiện để hiện thực hóa ý tưởng của mình. 
Ngày 22.08.2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ và đưa ra tầm nhìn cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Abe nói về một "sự hợp lưu của 2 vùng biển", vẽ ra liên kết chiến lược giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ông Abe nhận thức Nhật Bản và Ấn Độ là 2 nước hàng hải nằm tại 2 cực đối diện trên 2 vùng biển, chia sẻ chung trách nhiệm bảo đảm duy trì hòa bình và thịnh vượng với những yếu tố dân chủ cơ bản. 
10 năm sau, các nhà ngoại giao từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ gặp nhau tại Manila để tiến hành cuộc họp về khả năng hợp tác giữa 4 nước, trao đổi về Ấn Độ - Thái Bình Dương, thường được biết tới như là cuộc họp Bộ Tứ. Các quan chức thảo luận về những viễn cảnh cho sự hợp tác ở mỗi vùng như là một sự duy trì trật tự quốc tế dựa trên những yếu tố như tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình, gia tăng liên kết trong khu vực, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng hải và chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. 
Nhật muốn lập “NATO châu Á” đấu Trung Quốc (P.1) ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Ấn Độ tháng 8.2007.

Cuộc họp Bộ Tứ phần nào là kết quả tự nhiên cho những nỗ lực của chính quyền của tổng thống Trump trong việc thúc đẩy chính sách "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Từ góc độ Nhật Bản, cuộc họp làm sống lại quan điểm ông Abe đã đưa ra trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên vào năm 2006-2007.

Với quan điểm của Bộ Tứ, Nhật Bản có cơ hội sáng giá để đẩy mạnh không chỉ mối quan hệ gần gũi sẵn có với Mỹ mà còn có gắn kết về mặt an ninh sâu hơn với Úc và Ấn Độ để có thể có một vị thế lớn hơn trong khu vực. Dù sao, Nhật Bản vẫn đối mặt với rất nhiều hạn chế về chính trị và địa chính trị khi tham gia liên minh vì một loạt những dàn xếp về an ninh trước đó trong các thỏa thuận với Mỹ. Có thể những ràng buộc này sẽ ngăn cản Nhật Bản tận dụng được ưu thế lớn nhất với Bộ Tứ hồi sinh.
"Sự hợp lưu của 2 vùng biển"
 Ông Abe đã bày tỏ sự quan tâm lớn lao về một liên minh với các nền dân chủ khi ông trở thành thủ tướng năm 2006. Thực tế, sự quan tâm của ông với một nước Nhật vươn tới với các nền dân chủ trên thế giới đã giúp ông nắm được chính quyền. Trong quyển sách Hướng về một đất nước tươi đẹp (Utsukushii Kuni-e) xuất bản năm 2006, ông Abe bình luận về tầm quan trọng của việc Nhật Bản giữ một chính sách ngoại giao dựa trên các giá trị thế giới. Cũng trong quyển sách này, ông lần đầu đề cập về việc hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc - một cơ cấu hợp tác minh họa cho tầm nhìn của ông về một liên minh các nền dân chủ. 
Khi ông Abe trở thành thủ tướng, ông tìm cách để biến những ý tưởng đó thành những nguyên tắc cơ bản cho chính sách ngoại giao của chính phủ Nhật. Một trong những người đầu tiên chuyển tầm nhìn của ông Abe thành hiện thực là Bộ trưởng Ngoại giao Tara Aso, người đã đưa ra khái niệm về "Cánh cửa của tự do và thịnh vượng" - một trong những bài phát biểu đầu tiên của ông ở cương vị Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 11.2006. Trong bài phát biểu, ông Aso nói chính phủ của ông Abe quan tâm tới "việc chú trọng các giá trị ngoại giao và sự cam kết của Nhật Bản hỗ trợ các nước giữ các giá trị dân chủ trên lục địa Á Âu".
Nhật muốn lập “NATO châu Á” đấu Trung Quốc (P.1) ảnh 2Năm 2007, ông Tara Aso giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật đã có bài diễn văn về "Cánh cửa của tự do và thịnh vượng".

Tại thời điểm ông Aso và ông Abe đang cụ thể hóa tầm nhìn của mình, Nhật Bản phải đối đầu với sự gia tăng can thiệp của lực lượng tuần duyên và các tàu cá Trung Quốc với mục đích tuyên bố chủ quyền trên vùng biển Hoa Đông. Không quân Trung Quốc cũng gia tăng các vụ xâm nhập vào bầu trời biển Hoa Đông. Để đáp trả, Nhật Bản cố gắng quốc tế hóa những hành vi của Trung Quốc bằng cách chứng tỏ các nước có quyền lợi ở Biển Đông cũng phải đối mặt với những thách thức giống như Nhật Bản tại biển Hoa Đông. 

Bài phát biểu của ông Abe trước quốc hội Ấn Độ gắn với niềm tin của ông rằng một liên minh các nền dân chủ sẽ hoạt động như một người bảo vệ các giá trị thế giới. Trong phạm vi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bài phát biểu dựa trên ý niệm là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương phải được coi là một sân khấu lớn biểu tượng cho tầm quan trọng của sự tự do tiếp cận các giá trị chung toàn cầu. 
Tuy nhiên, quan niệm về "sự hợp lưu của 2 vùng biển" bị mất đi sự quan tâm sau khi ông Abe rời chính phủ vào năm 2007. Mặc dù những người kế vị ông tiếp tục ủng hộ sự hợp tác song phương với Ấn Độ và Úc nhưng họ không có hứng thú với một mô hình như Bộ Tứ. Khi ông Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012, ông bày tỏ cam kết được làm mới trong một bài viết cho tờ Project Syndicate với tiêu đề "Vành đai kim cương an ninh dân chủ của châu Á".
Bài báo lặp lại niềm tin của ông Abe rằng hòa bình, ổn định và tự do hàng hải tại Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương là không thể tách rời và xác nhận lại một lần nữa cam kết của Tokyo duy trì tự do chung trong cả 2 khu vực. "Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và bang Hawaii của Mỹ tạo ra hình ảnh một viên kim cương... bảo vệ tuyến đường hàng hải công cộng kéo dài từ khu vực Ấn Độ Dương tới phía Tây của Thái Bình Dương". Ông Abe công khai ý định "đầu tư để mở rộng khả năng lớn nhất có thể của Nhật Bản trong vành đai kim cương này".
Tăng cường hợp tác chiến lược tại "Ấn Độ - Thái Bình Dương"
Và Nhật Bản đang tìm cách thực hiện hóa điều đó. Trong yếu tố cơ bản "Chủ động đóng góp cho hòa bình quốc tế" của chiến lược An ninh quốc gia năm 2013, Nhật Bản nâng cao quan hệ an ninh cả song phương và đa phương với 3 nước trong vành đai kim cương. Tháng 4.2014, ông Abe sửa lại chính sách lâu dài của Nhật về xuất khẩu vũ khí đã cấm ngành công nghiệp Nhật Bản xuất khẩu các vũ khí và công nghệ liên quan ra nước ngoài.
Hiện tại, các quỹ đầu tư của Nhật có thể dễ dàng tiếp cận với các đối tác nước ngoài để phát triển và xuất khẩu các thiết bị quốc phòng. Quan hệ với Ấn Độ và Úc đặc biệt quan trọng nên Nhật Bản đã có những thỏa thuận song phương về hợp tác kỹ thuật quốc phòng với mỗi nước. Nhật đã ký thỏa thuận chuyển giao kỹ thuật quốc phòng với Úc vào tháng 7.2014, với Ấn Độ vào tháng 12.2015.
Nhật muốn lập “NATO châu Á” đấu Trung Quốc (P.1) ảnh 3Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tháng 4.2015, Nhật Bản và Mỹ hoàn thành bản sửa đổi nguyên tắc hợp tác quốc phòng song phương lần đầu tiên kể từ 20 năm trước. Được lập đầu tiên năm 1976, nguyên tắc hợp tác quốc phòng ban đầu vạch rõ vai trò riêng biệt giữa quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Bộ nguyên tắc này được sửa lại vào năm 1997 để mở rộng khu vực địa lý mà quân đội Nhật - Mỹ hợp tác để đề phòng những trường hợp khẩn cấp tiềm tàng trong vùng Đông Bắc Á.

Bản sửa đổi năm 2015 có một bước tiến mới, tạo ra những nguyên tắc mới cho 2 lực lượng hợp tác không chỉ về phòng thủ ở Nhật và những sự việc bất ngờ xảy ra trong vùng mà còn ở ngoài những vùng lân cận Nhật Bản. Để cải thiện hợp tác song phương trong phạm vi Nguyên tắc Quốc phòng, Nhật và Mỹ cũng thiết lập một Cơ cấu hợp tác đồng minh.

Mặc dù có sự hỗ trợ nhất quán mối quan hệ Nhật - Úc khi ông Abe quay lại nắm quyền, những nỗ lực để thể chế hóa các mối quan hệ cũng được đẩy nhanh dưới sự kiểm soát của ông với: Hiệp định mua sắm và cung cấp các dịch vụ chéo, Hiệp định An ninh thông tin, Hiệp định chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, Hiệp định đối tác kinh tế - Tất cả đều được ban hành trong 6 năm vừa qua. Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương với Ấn Độ qua Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, Hiệp định an ninh thông tin và Hiệp định chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng trong 7 năm vừa qua.
Bỏ qua vấn đề Nhật Bản nên hợp tác an ninh với Úc đến đâu, Nhật tin rằng họ có đối tác chiến lược đặc biệt với Úc, đối tác chiến lược đặc biệt và đối tác toàn cầu với Ấn Độ. Những mối quan hệ này dựa trên nền tảng chia sẻ các giá trị như dân chủ, tự do, tự do thương mại và tôn trọng nguyên tắc quốc tế. Quan trọng hơn, các nước này, tương phản với Hàn Quốc, ghi tên vào cán cân quyền lực Châu Á và hỗ trợ những nỗ lực của Nhật Bản để tăng vai trò của nước này trong an ninh khu vực. 
Nhật muốn lập “NATO châu Á” đấu Trung Quốc (P.1) ảnh 4Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Tony Abbott

Hơn nữa, với những tham vọng chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông ngày càng trở nên quá khích, chiến lược quan trọng của Nhật về quan hệ với Úc và Ấn Độ phát triển là hoàn toàn dễ hiểu. Ấn Độ trở thành một đối tác thật sự quan trọng vì những vấn đề biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc và sự cảnh giác gia tăng vì Trung Quốc đang xâm nhập vào Ấn Độ Dương.

New Delhi cũng tìm cách để xúc tiến một tầm nhìn giống như của ông Abe: gìn giữ trật tự quốc tế dựa trên luật tự do hàng hải trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khu vực rất quan trọng tới an ninh và thịnh vượng toàn cầu và không một nước nào được phép thay đổi hiện trạng trong vùng bằng vũ lực. Trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Abe vào tháng 9.2017, ông và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh khả năng của hai nước đạt được sự "tự do, rộng mở và thịnh vượng" trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Nhật Bản cũng dành sự quan tâm lớn tới các mối quan hệ tay ba: Mỹ-Nhật-Úc và Mỹ-Nhật-Ấn. Hai cơ cấu quan hệ ba bên này có trước Bộ Tứ ít nhất một thập kỷ và mở ra các cơ hội cho các cuộc bàn thảo ngoại giao diễn ra đều đặn. Trong nhiều năm trước sự hợp tác quân sự các bên đã được thúc đẩy. Đặc biệt, ba nước đã có cuộc tập trận ba bên trong cuộc diễn tập Malabar của Mỹ và Ấn Độ vào tháng 7.2017, một cuộc tập trận tại biển Nhật Bản vào tháng 11.2017.
Cuộc tập trận sau cho thấy Ấn Độ đã ít lo ngại hơn về các hành động leo thang của Trung Quốc và đã có bước đi mới để đứng chung hàng với Mỹ và Nhật. Nhưng sự hợp tác quân sự của Nhật với các nước vẫn chỉ dừng ở các cuộc tập trận chung và hợp tác ở các hoạt động phi tác chiến như cứu trợ nhân đạo và thiên tai. 
(còn tiếp)