Theo CNN, trong cuộc họp báo ở Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố: “Việc Trung Quốc tìm cách thay đổi thực trạng và gây căng thẳng trên biển Đông bằng hành vi bồi lấn quy mô lớn, xây căn cứ và sử dụng vì mục đích quân sự là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế”.
“Chúng tôi hết sức quan ngại với những hành động này và muốn nhấn mạnh lại rằng Nhật không thể chấp nhận điều đó” - ông Suga nhấn mạnh.
Một quan chức chính phủ Mỹ mô tả việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở thời điểm hội nghị Mỹ - ASEAN đang diễn ra “là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Đông”.
Về phía Trung Quốc, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đều trả lời mập mờ, không khẳng định và cũng không phủ định về vụ đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang ngược tuyên bố nước này đã triển khai vũ khí phòng thủ “tới các đá và đảo” từ nhiều năm qua.
Hồng Lỗi cũng lập lờ khẳng định bất cứ sự triển khai tên lửa nào “trong lãnh thổ Trung Quốc cũng là hợp pháp, vì mục tiêu quốc phòng chứ không phải là quân sự hóa”.
Bloomberg dẫn lời chuyên gia Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Hudson (Mỹ) nhận định việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm là “hành vi xâm phạm lằn ranh đỏ”.
“Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ triển khai các đơn vị quân sự thuộc bộ binh, hải quân hay không quân tới biển Đông” - ông Pillsbury cảnh báo.
Báo New York Times dẫn lời chuyên gia Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Lowy (Úc) nhận định đương nhiên Trung Quốc sẽ không dám bắn tên lửa vào các máy bay trên biển Đông ở thời điểm không có xung đột.
“Nhưng đây là chiêu nhằm cảnh cáo Mỹ và các nước khác có ý định điều máy bay đến biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc” - ông Graham nói. Chuyên gia này cho rằng các đội tên lửa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm có thể không hoạt động vì thiếu hạ tầng hỗ trợ, và chủ yếu mang tính chất diễu võ dương oai.
Trung Quốc có thể dùng các hệ thống tên lửa này để đo phản ứng của Mỹ, Úc, Nhật và các nước khu vực.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu