Trước đó tờ The Financial Times cho biết ông Masato Kitera - đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh, đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng Nhật Bản có khả năng tham gia AIIB trong vòng vài tháng.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 31-3 khẳng định ông Masato Kitera đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào như vậy và quan điểm của Nhật Bản xung quanh AIIB là không thay đổi.
"Tôi đã được báo lại rằng thông tin đại sứ Kitera nói Nhật Bản sẽ tham gia AIIB là không đúng sự thật", ông Suga nói tại một cuộc họp báo, AFP trích đăng.
"Hiện Nhật Bản vẫn chưa biết rõ rằng AIIB có được quản lý phù hợp không hay sẽ làm tổn hại các ngân hàng khác. Dù sao, tôi nghĩ sẽ không có chuyện Nhật Bản sẽ tham gia AIIB ngay hôm nay", ông thêm.
Ông cũng nói thêm rằng Tokyo sẽ cùng làm việc với Washington - đồng minh hàng đầu của mình, và các nước khác để yêu cầu Bắc Kinh làm rõ vấn đề trên.
Bình luận của ông Yoshihide Suga được đưa ra không lâu trước khi hạn chót đăng ký gia nhập AIIB với tư cách thành viên sáng lập đi qua (hết hôm nay 31-3). Thời hạn này do Trung Quốc đưa ra.
Dự án thành lập AIIB được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm ngoái. Theo đó ngân hàng này sẽ đặt trụ sở tại Bắc Kinh với nguồn vốn ban đầu khoảng 50 tỉ USD, trong đó Trung Quốc là cổ đông lớn nhất.
AIIB sẽ cung cấp các khoản vay cho xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu và đường sắt tại các nước đang phát triển và mới nổi.
Hiện đang có lo ngại AIIB sẽ là mối đe dọa với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - hai tổ chức chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản.
Phía Mỹ cũng lo ngại Trung Quốc với quyền phủ quyết tại AIIB sẽ thao túng các quyết định cho vay, cũng như lo AIIB không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng...
Theo Tuổi trẻ