Các công ty của Nhật Bản ngày càng phải dựa vào những nhân viên lớn tuổi để bù đắp cho tình trạng thiếu lao động và giúp hoạt động kinh doanh cạnh tranh hơn.
Năm ngoái, gần 40% các doanh nghiệp – tăng gấp đôi so với cách đây một thập kỷ - để cho nhân viên làm việc cho đến tuổi 70 hoặc hơn. Trong lĩnh vực xây dựng và bán lẻ, người lao động trên 65 tuổi chiếm hơn 10% lực lượng lao động.
Nhiều công ty Nhật dường như có rất ít lựa chọn, do đồng yên mất giá khiến họ khó thuê được lao động nước ngoài. Nhưng ngay cả việc thuê lao động lớn tuổi cũng có một số nhược điểm, bởi những lao động này dễ bị tai nạn lúc làm việc hơn và chủ doanh nghiệp cần nỗ lực hơn trong việc đảm bảo sự an toàn cho họ.
“Tôi cảm thấy tự tin hơn về bản thân sau một ngày làm việc”, Emiko Kumagai, 81 tuổi, làm việc cho công ty bán lẻ đồ điện tử Nojima ở thành phố Kawaguchi, nói. “Tôi hạnh phúc khi thấy bản thân còn hữu dụng bởi tôi không muốn bị xã hội bỏ lại phía sau”.
Làm việc 4 ngày/tuần, bà Kumagai, làm đủ mọi thứ việc từ việc bán hàng cho tới trưng bày sản phẩm, giúp đỡ khách hàng. Bà Kumagai, người đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc bán đồ điện tử gia dụng, bắt đầu công việc ở Nojima khi ở tuổi 69.
Công ty Nojima, đã bỏ hạn chế tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, hiện giờ đã thuê khoảng 30 nhân viên tuổi trên 70, trong đó có 3 người ở độ tuổi 80. Những hạn chế về tuổi tác “không còn phù hợp trong kỷ nguyên 100 tuổi này nữa”, Yuktata Tajima, một trong số các lãnh đạo của Nojima, nói. “Không tận dụng sức lao động của người lớn tuổi là một sự lãng phí”.
Tỷ lệ những công ty có chương trình thuê người lao động trên 70 tuổi đã tăng gấp đôi so với thập kỷ kết thúc vào năm 2022, lên 39%, theo Bộ Y tế, Lao động và An sinh Xã hội. Tỷ lệ doanh nghiệp có tuổi nghỉ hưu bắt buộc trên 65 đã tăng 12 điểm phần trăm, lên 25% trong cùng giai đoạn.
Sau một đợt sửa đổi luật vào năm 2013, nhiều công ty của Nhật Bản yêu cầu nhân viên làm việc cho đến tuổi 65 nếu như họ có nguyện vọng. Những công ty ban đầu phản đối sự thay đổi này do lo ngại về chi phí tăng cao giờ cũng bắt đầu thuê lao động cao tuổi để đối phóng với tình trạng khan hiếm lao động.
Năm ngoái, những người trong độ tuổi lao động chiếm 59% dân số Nhật Bản, giảm 9 điểm phần trăm so với năm 2000. Do khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lao động và tỷ lệ phụ nữ có con tham gia vào lực lượng lao động chững lại, nhiều chủ doanh nghiệp phải dựa vào nhân viên lớn tuổi để bù cho lực lượng lao động trong độ tuổi 15-64 đang suy giảm.
Trong số tất cả những người có việc làm, những người ở độ tuổi trên 65 đã lên tới 6,39 triệu người trong năm 2022, chiếm tỷ lệ kỷ lục 10,6%. Tỷ lệ người lao động lớn tuổi đặc biệt cao trong những ngành bị thiếu lao động – 15% trong ngành xây dựng và điều dưỡng, hơn 10% trong ngành giao thông. Khoảng 30% tài xế taxi và xe buýt ở Nhật Bản ở độ tuổi trên 65.
Ukita Sangyo Kotsu, một công ty taxi của tỉnh Akita, thuê khoảng 25 tài xế, phần lớn trong số này trên 65 tuổi. “Trong suốt 2 tháng liền, chỉ có duy nhất một đơn xin vào làm việc chỗ chúng tôi”, Tadakatsu Ukita, giám đốc công ty, cho hay. “Người trẻ tuổi đã đi hết, chúng tôi không thể tồn tại mà không có lao động cao tuổi”. Trong số 47 tỉnh của Nhật Bản, Akita có tỷ lệ người trên 65 tuổi trong dân số cao nhất.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những người trên 65 tuổi chiếm 7% lực lượng lao động ở Mỹ và 4% ở Đức, thấp hơn nhiều so với 10,6% của Nhật Bản.
Trong khi số lượng người lao động lớn tuổi tăng, số lượng tai nạn tại nơi làm việc cũng tăng. Những vụ tai nạn liên quan tới lao động trên 60 tuổi đã lên tới 38.000 vụ trong năm 2022, tăng 26% so với trước đó 5 năm và đang tăng với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình. Nếu các ông chủ không đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên lớn tuổi, hiệu suất chung sẽ bị ảnh hưởng.
“Các công ty cần phải đầu tư vào tự động hóa và các phương pháp khác để giúp cho công việc đỡ đòi hỏi về mặt thể chất đối với người lớn tuổi”, Takashi Sakamoto, chuyên gia phân tích đến từ Recruit Works Institue, cho hay.
Mặc dù nhu cầu việc làm đang tăng, nhưng lương dành cho những lao động lớn tuổi lại không tăng tương ứng. Mức lương trung bình đã tăng 6% đối với người lao động trong độ tuổi 65-69 trong thập kỷ tính đến năm 2022, nhưng giảm 9% đối với lao động trên 70 tuổi, theo Bộ Lao động Nhật Bản. Những công việc tốt cũng hiếm khi dành cho những lao động trên 70 tuổi, họ phải gánh vác những công việc mà lao động trẻ tuổi hơn không làm trong khi nhận mức lương thấp.
Để giúp cho quốc gia trở nên mạnh mẽ và cạnh tranh, Nhật Bản cần phải thúc đẩy người lớn tuổi tham gia lực lượng lao động. Nhưng để làm như vậy, chính phủ và các ngành nghề cần phải hợp tác chặt chẽ để tạo nên môi trường làm việc tốt hơn cho họ./.
Nguyên nhân nào đẩy các doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản bước vào kỷ nguyên phá sản?
Sai lầm của Nhật Bản về xe điện: Bài học cảnh báo về chính sách công nghiệp cho nhiều nước
Xuất khẩu ô tô tháng 7 của Trung Quốc tăng vọt 63%, nới rộng khoảng cách với Nhật Bản
Theo Nikkei Asia