Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa có buổi làm việc trực tuyến với Tập đoàn Công nghệ CMC (Mã CK: CMG) về đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp không gian sáng tạo CMC (CMC Creative Space) tại Đà Nẵng.
Theo đề xuất, CMC sẽ đầu tư xây dựng tổ hợp với các phân khu chức năng như: khu nghiên cứu và phát triển; khu sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin; trạm trung chuyển Internet; trung tâm dữ liệu; khu nhà ở cho chuyên gia, cán bộ nhân viên và dịch vụ liên quan theo tiêu chuẩn cao cấp.
Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, qua đó sẽ đem lại việc làm cho khoảng 2.000 lao động vào giai đoạn 1 và 10.000 lao động ở giai đoạn 2.
Sau khi nghe đề xuất, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thống nhất chủ trương cho phép CMC là nhà đầu tư đề xuất dự án, đề nghị tập đoàn nhanh chóng triển khai các thủ tục liên quan, sớm trình hồ sơ đề xuất dự án.
Quy mô đầu tư cho CMC Creative Space gần gấp 3 lần quy mô tổng tài sản của CMC tính đến ngày 31/3/2020. Mặt khác, dự án này sẽ nối dài thêm danh mục các dự án xây dựng dở dang của CMC.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, CMC đang có hơn 1.130 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, tăng hơn 900 tỷ đồng so với cuối tháng 3/2019.
Khối tài sản này hình thành sau khi CMC phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược là với Công ty TNHH Samsung SDS Asia Pacific Pte. Ltd (Samsung SDS) – một thành viên của Tập đoàn Samsung.
Cụ thể, tháng 8/2019, CMC đã bán 25 triệu cổ phần thông qua phát hành riêng lẻ với giá 34.000 đồng/cp cho Samsung SDS.
Trước đó 1 ngày, Samsung SDS cũng đã mua vào gần 5 triệu cổ phiếu CMG thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Như vậy, hiện Samsung SDS đang là cổ đông lớn của CMC với việc sở hữu gần 30 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn tập đoàn này.
Được biết, hiện CMC đang triển khai dự án đề xuất Việt Nam trở thành Digital Hub tiếp theo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau Hồng Kong, Singapore và Nhật Bản.
Theo đó, CMC đang xúc tiến nhiều chương trình hành động như xây dựng Data Center trung lập tại Khu chế xuất Tân Thuận quận 7 và Khu công nghệ cao SHPT quận 9, TP. HCM. Đây là cơ sở để thiết lập và đặt các hệ thống xử lý dữ liệu tập trung, thành phố thông minh của Chính phủ và thành phố.
CMC cũng chủ trì xây dựng trạm trung chuyển Internet tiểu vùng sông Mê Kong GMS-IX (Greater Mekong Subregion - Tnternet Exchange), đặt tại Data Center trung lập, đảm bảo hạ tầng và dung lượng kết nối đủ lớn cho các nhà mạng viễn thông, Internet, nội dung số trong nước kết nối, hướng tới chính sách mở từng bước cho các nhà mạng trong khu vực, OTT kết nối vào.
Đồng thời, CMC kết nối và mời gọi các nhà mạng quốc tế, nhà nội dung công ty công nghệ vào Digital Hub, Data Center, tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm giới thiệu cơ chế mở của quốc gia, thành phố, các dự định cho smart city.
Bên cạnh đó, CMC đã đầu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS (Cross Vietnam Cable System) đi qua 19 tỉnh thành trên cả nước, với tổng chiểu dài hơn 2.500 km, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Đây là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á - A Grid.
Về tình hình tài chính, Quý 2/2020, doanh thu thuần của CMC đạt 1.058 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của CMC đạt 4.958 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.293 tỷ đồng.
Năm 2020, CMC đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.575 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 300 tỷ đồng và 248 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 16% và 19% so với thực hiện năm 2019./.