Như VietTimes từng đề cập, vào tối muộn ngày 13/7 (giờ Hà Nội), Bộ Lao động Mỹ đã công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ cuối năm 1981.
Việc lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào cuối tháng 7/2022.
Ngay sau thông tin lạm phát được công bố, các chỉ số lớn của thị trường chứng khoán Mỹ như S&P 500 hay Dow Jones đều đồng loạt giảm điểm. Áp lực giảm từ thị trường chứng khoán quốc tế sẽ là thử thách lớn cho chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày 14/7.
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư phần nào được thể hiện trong phiên giao dịch hôm 13/7. Dù VN-Index tăng tốc vào đầu giờ chiều và có lúc tăng gần 9 điểm, áp lực bán đã xuất hiện và đẩy chỉ số này về sát tham chiếu. Kết phiên giao dịch, VN-Index gần như đi ngang khi chỉ mất 0,9 điểm, đóng cửa ở mức 1.174 điểm.
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, trong phiên ngày 14/7, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại các ngưỡng MA10, và MA20 (trung bình 10 và 20 ngày) tại khu vực 1.175 – 1.188 điểm. Điểm tựa có thể là lực mua giá thấp ở MA5, tại 1.168 điểm.
Nếu lực mua có thể giành lại ưu thế từ lực bán, giúp VN-Index ít nhất có thể đóng cửa trên đường MA10 ngày, xu hướng hồi phục chậm của thị trường sẽ được củng cố và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, được đại diện bởi các chỉ số có tín hiệu kỹ thuật tích cực sẽ được hưởng lợi.
Ngược lại, nếu VN-Index giảm xuống dưới mốc 1.168 điểm khi đóng cửa, chỉ số có thể sẽ kiểm định lại hỗ trợ đáy gần nhất quanh 1.150 điểm./.