Gạt bỏ những bộn bề công việc để chuẩn bị cho 8 chương trình, vở diễn, thu hút công chúng đến với Liên hoan Giai điệu Mùa thu (từ 17/8 đến hết ngày 25/8), nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch đã bộc bạch tâm tình của người làm nghề với VietTimes:
- Thưa nhạc trưởng, từ những ngày đầu còn nhiều gian khó, cho đến nay, mỗi kỳ Liên hoan nghệ thuật Giai điệu Mùa thu, hàng trăm nghệ sĩ trong và ngoài nước đã hội tụ về TP.HCM, kéo khán giả đến gần hơn với âm nhạc, nghệ thuật. Xin ông cho biết bao nhiêu nghệ sĩ đã về với TP.HCM qua 11 lần tổ chức Giai điệu Mùa thu?
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch: Hồi đầu chương trình được tổ chức nhằm giới thiệu các tài năng trẻ của TP.HCM, sau đó được mở rộng ra tới các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và thế giới.
Qua 11 kỳ Liên hoan, TP.HCM đã đón khoảng 2.000 nghệ sĩ tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật. Rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài từ những nền nghệ thuật cao hơn chúng ta rất nhiều, đã tới giao lưu, biểu diễn, cống hiến cho công chúng Việt những chương trình chất lượng cao. Nhiều tài năng Việt đã đi ra thế giới rồi được mời quay trở lại với quê hương.
Ban đầu chỉ là dàn dựng các trích đoạn, các tác phẩm nhỏ, sau đó đã dựng thành công nhiều vở diễn lớn, các tác phẩm kinh điển của thế giới và tác phẩm đương đại. Điều đặc biệt của Giai điệu Mùa thu 2019 là sự xuất hiện trở lại của NSND Đặng Thái Sơn vào tối 25/8 tới.
Hai lần Đặng Thái Sơn có mối lương duyên biểu diễn với TP.HCM cách nhau quá xa. Lần thứ nhất Đặng Thái Sơn trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TP.HCM năm 1980, khi mới đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi piano mang tên thiên tài âm nhạc Chopin. Dàn nhạc hồi đó do nhạc trưởng - NSND Quang Hải (nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP.HCM) chỉ huy. Tôi khi ấy còn rất trẻ, là nhạc công trình diễn violon. Còn lần này, tôi vinh dự được chỉ huy dàn nhạc để đón NSND Đặng Thái Sơn trở về quê mẹ biểu diễn.
- Chỉ trong một tuần mà Liên hoan đã công diễn hàng chục chương trình nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực: âm nhạc giao hưởng, thính phòng, múa… Mong ông chia sẻ cho công chúng biết về công tác chuẩn bị cho mùa diễn năm nay có gặp khó khăn gì so với các lần trước?
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết "Giai điệu mùa thu" vẫn đang gặp nhiều khó khăn về tài chính
|
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch: Chúng tôi mong muốn Giai điệu Mùa thu phải trở thành Liên hoan nghệ thuật quốc tế của TP.HCM, như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới đều có những Liên hoan nghệ thuật, để trở thành bộ mặt văn hóa của đất nước.
Nhưng hiện nay, "Giai điệu mùa thu" vẫn gặp khó khăn về tài chính, cũng chưa có được sự hỗ trợ tốt nhất về công tác tổ chức từ chính quyền TP.HCM. Với hỗ trợ ngân sách từ Sở VHTT, không thể đủ cho tất cả các phần công việc của Liên hoan. Chúng tôi phải bán vé thêm nhưng việc này không hề dễ. Nếu không có các nhà tài trợ từ Hàn Quốc, Mỹ… thì không thể nào trả nổi tiền cho cả đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… đến TP.HCM biểu diễn.
- Công chúng thưởng thức nghệ thuật của chúng ta nguồn lực có hạn, mà 8 chương trình biểu diễn chỉ trong một tuần cũng khiến người mua vé khó quyết định?
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch: Khán giả của các môn nghệ thuật cổ điển và cao cấp của chúng ta chưa nhiều. Đã thế, cũng chưa có thói quen tham dự các liên hoan như các nước, không có tâm thế chờ đợi để được bước vào tham dự liên hoan. Giai điệu Mùa thu hoạt động tốt là tạo thói quen cho khán giả, tạo nên sinh hoạt văn hóa mới mẻ, đẳng cấp. Tuy chưa đạt đến tầm cỡ như các liên hoan ở các nước phát triển, nhưng nếu không có những bước đầu tiên thì sẽ không bao giờ có bước tiếp theo.
- Với sự phát triển liên tục không ngừng qua từng mùa liên hoan, ông có đưa kiến nghị tới lãnh đạo UBND TP. HCM, đề xuất một chiến lược phát triển Giai điệu Mùa thu?
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch: Tôi kiến nghị các lần Giai điệu Mùa thu tới cần có sự chỉ đạo trực tiếp từ UBND TP.HCM để tạo điều kiện cho Liên hoan có thể hoạt động tốt cả về tài chính lẫn nghệ thuật. Giai điệu Mùa thu chính là ngoại giao văn hóa, là công cụ xây dựng hình ảnh rất tốt cho TP.HCM.
Nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch mong muốn Giai điệu mùa thu cất cánh trong những lần tổ chức tiếp theo
|
Sau khi đạt được mục đích văn hóa, tài chính sẽ đến sau. Chẳng hạn như nhà hát Esplanade của Singapore, bây giờ ai cũng biết Nhà hát Sầu Riêng, nhưng đâu phải Singapore vừa xây xong nhà hát đã đầy ắp khách? Nước bạn cũng phải làm từng phần, từng việc, xây dựng những chương trình kịch mục, để dần dần hình thành nên đối tượng khán giả của mình.
Tôi học violon từ năm 1970, đợi đến năm 1993, mới có quyết định thành lập Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM. Nay thì đã là một Nhà hát chuyên nghiệp gồm 3 đoàn: Giao hưởng, Hợp xướng và Múa cùng hoạt động rất tốt. Dù còn nhiều khó khăn: Nhà hát chưa xây, tài chính chưa đủ, biên chế cũng thiếu, nhưng vẫn có nhiều chương trình, vở diễn thành công.
Việt Nam còn có nhiều bộ môn nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng nhưng lại thiếu sân chơi, như tài tử - cải lương, các loại hình âm nhạc dân tộc… Hãy gieo duyên lành cho tương lai. Chúng tôi mong rằng Giai điệu Mùa thu sau này có thể đa ngành, đa lĩnh vực hơn, thể hiện được tài nguyên văn hóa Việt, hơn là chỉ tận dụng những gì sẵn có của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch như hiện nay.