Cách đây không lâu, Trung Quốc đã thể hiện rằng tình hình thị trường thế giới cũng tác động đến ngành sản xuất trong nước bằng việc công bố kế hoạch cắt giảm 90 triệu tấn công suất, và giảm tiếp 100-150 triệu tấn đến năm 2020. Song sản lượng thép thô của Đại lục trong tháng 3 lại đạt mức cao kỷ lục 70,65 triệu tấn.
Dù chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào việc giảm sản xuất thép mà họ đã thiết kế, sự gia tăng nhanh chóng của giá thép trong nước khiến các nhà máy tăng sản lượng. Ngay cả các nhà máy “xác sống”, những đơn vị đã ngừng sản xuất nhưng chưa được đóng cửa, cũng “hồi sinh”.
Mặc cho dư cung toàn cầu, giá thép Đại lục vẫn tăng 77% trong năm nay so với mức đáy lập ra hồi năm ngoái vì các yếu tố cụ thể của địa phương như nguồn cung hạn hẹp hơn và nhu cầu gia tăng sau dịp năm mới.
Trung Quốc sản xuất một nửa lượng thép thế giới và khả năng dư thừa thép của nước này gấp bốn lần mức sản xuất của Mỹ. Bắc Kinh đã cho biết họ sẽ nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề dư thừa và từng đổ lỗi cho nhu cầu yếu.
Mỹ, EU và 7 quốc gia khác kêu gọi cần có hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng dư thừa thép toàn cầu nếu không ngành công nghiệp thép của thế giới sẽ rơi vào khủng hoàng, Reuters cho hay hôm nay 20.4.
Song một cuộc khảo sát của hãng Custeel cho thấy 68 lò luyện kim với ước tính công suất khoảng 50 triệu tấn đã bắt đầu khởi động lại. Tỷ suất năng lực sử dụng của các nhà máy nhỏ Trung Quốc tăng từ 51% đến 58% trong tháng 1. Tại các nhà máy lớn, số liệu này tăng từ 84% đến 87%.
Giá thép tăng có thể được xem là chiếc “phao cứu sinh” cho các nhà máy xác sống như Shanxi Wenshui Haiwei Steel, nơi sản xuất 3 triệu tấn thép mỗi năm nhưng đã ngừng tất cả hoạt động sản xuất trong tháng 8.2015. Nhà máy này đang có kế hoạch quay lại làm việc trong thời gian gần, một nhân viên nhà máy cho biết. Một doanh nghiệp khác có cùng quy mô là Jiangsu Shente Steel, ngừng sản xuất vào tháng 12.2015 nhưng sau đó lại tiếp tục hoạt động vào tháng 3 khi giá tăng.
Hơn 40 triệu tấn trong khoảng 50 đến 60 triệu tấn công suất đã bị ngưng lại năm ngoái hiện đang phục hồi, nhà phân tích Ian Roper thuộc hãng Macquarie cho biết.
Nhà phân tích Hu Yanping tại Custeel.com cho hay: “Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy nền kinh tế và thúc đẩy nhu cầu đối với ngành ông nghiệp, song cũng cần thúc đẩy cải cách từ phía cung và đây là vấn đề nan giải”.
Theo Thanh Niên