Loay hoay tồn tại, báo chí Việt Nam cần cơ chế để trở thành... doanh nghiệp!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Báo chí đang thua toàn diện mạng xã hội về cả nội dung lẫn doanh thu. Sự sống còn của một tờ báo đòi hỏi nó phải trở thành một doanh nghiệp tự chủ về kinh tế và có cơ chế để nhận đầu tư và phát triển lành mạnh.
Báo chí cần phải thay đổi và thích nghi để giữ chân độc giả
Báo chí cần phải thay đổi và thích nghi để giữ chân độc giả

Một cuộc hội thảo đã diễn ra sáng 24/3 về chủ đề "Kinh tế báo chí tại Việt Nam" nhằm tìm lời giải cho bài toán "mưu sinh" của báo chí trước sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội.

Phát biểu mở màn hội thảo, nhà báo Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam đã nêu lên tầm quan trọng của nguồn lực tài chính và cơ chế hoạt động đối với mỗi tòa báo ở Việt Nam.

Trên thế giới, người ta coi kinh tế báo chí là một ngành kinh doanh quan trọng. Tuy nhiên báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay đang vấp phải sự cạnh tranh chưa từng có của mạng xã hội. Mạng xã hội đưa tin nhanh, thậm chí không chính xác, nhiều tin "rác", tin giả, nhưng thu hút lượng lớn người xem. Trong tổng số tiền chi cho quảng cáo truyền thông của các doanh nghiệp, có đến 80% rơi vào tay các công ty sở hữu mạng xã hội.

Để có nguồn lực tồn tại, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã đa dạng hóa mô hình cung cấp tin tức, tổ chức các cuộc hội thảo, sự kiện truyền thông, một số rất ít thử nghiệm hình thức thu phí đọc tin (Paywall - Tường phí). Tuy nhiên, cũng chỉ rất ít tờ báo thu đủ bù chi trong thời điểm này.

Cơ chế quản lý chặt chẽ cũng khiến cho hoạt động báo chí trở nên khó khăn hơn. Nhà báo Lê Đức Sảo nhắc lại thời điểm 2007 đến 2010 là thời kỳ hoàng kim của báo chí khi lĩnh vực này được xã hội hóa mạnh mẽ. Các nhà đầu tư tham gia xây dựng các chương trình truyền hình, các kênh truyền hình. Báo điện tử cũng rất sôi nổi khi FPT đầu tư vào VnExpress, VCCorp đầu tư vào Soha, VNG đầu tư vào Zingnews...

Giai đoạn gần đây, hoạt động báo chí bị xiết lại theo tôn chỉ mục đích. Nhiều phóng viên bị hạn chế tiếp cận thông tin được cho là ngoài phạm vi tôn chỉ mục đích của tờ báo. Nhà báo Lê Đức Sảo đặt ra vấn đề nên chăng Luật báo chí thời gian tới có những sửa đổi để có một cơ chế quản lý báo chí tốt hơn, đồng thời mở ra những điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế báo chí.

Là một người từng kinh qua công tác quản lý tại nhiều tờ báo, ông Trương Trí Vĩnh - nguyên Giám đốc điều hành CafeF - cho rằng cơ chế quản lý báo chí hiện nay khiến cho việc đầu tư dài hạn trở nên khó khăn. Mọi người thường cho rằng nội dung hay sẽ là yếu tố để kéo độc giả đến với tờ báo - điều đó là đúng. Nhưng ông Vĩnh cho rằng quản lý báo chí mới là yếu tố then chốt cần thay đổi.

Ở Việt Nam, không có tư nhân hóa báo chí khiến cho cánh cửa đầu tư trở nên hẹp lại. Sẽ không có nhà đầu tư nào dám bỏ một khoản tiền dài hạn cho báo chí. Các tờ báo có lượng độc giả hàng đầu hiện nay như VnExpress, VietnamNet may mắn đã có được sự đầu tư dài hạn từ đầu. Đầu tư ngắn hạn sẽ không thể đảm bảo bộ máy vận hành, phân phối nội dung.

Vấn đề quan trọng thứ hai của một tờ báo là nội dung. Chi phí cho nội dung hiện nay đang ở mức cao hơn thời kỳ báo giấy. Trước đây chi phí in ấn chiếm khoảng 50% chi phí hoạt động của một tờ báo giấy, nhưng hiện nay con số này được chuyển sang cho nội dung. Tuy nhiên, các Tổng biên tập cũng cần tính toán sản xuất như thế nào cho vừa đủ nhu cầu của độc giả để tránh bị sản xuất thừa tin bài gây lãng phí về nhân lực và nguồn lực tài chính.

Biểu đồ doanh thu báo chí của Mỹ từ năm 1960 đến 2020

Biểu đồ doanh thu báo chí của Mỹ từ năm 1960 đến 2020

Ông Vĩnh cũng đề cập đến 4 yếu tố thua sút của báo chí so với nền tảng truyền thông xã hội. Thứ nhất là sự đa dạng, sản lượng tin bài. Báo Lao động thời kỳ đầu sản xuất 20 tin bài mỗi ngày, và hiện tại là 200 tin bài mỗi ngày, nhưng vẫn không thấm vào đâu so với các bài đăng trên mạng xã hội. Thứ hai là tốc độ phân phối, mạng xã hội có tốc độ lan truyền tin nhanh hơn khi không phải qua các khâu biên tập, chỉnh sửa. Yếu tố thứ ba là độ sáng tạo và đổi mới. Ngày nay truyền thông xã hội xuất hiện rất nhiều hình thức thể hiện mới mẻ như YouTube, TikTok, Instagram thu hút đến hàng triệu thuê bao. Thứ tư là mô hình kinh doanh: mạng xã hội có lợi thế bởi độ phủ rộng khắp của nó.

Hiện nay trên thế giới các tờ báo đang tìm kiếm doanh thu qua mô hình thuê bao đọc tin trả tiền (subscriber) hay có một thuật ngữ khác là Tường phí (Paywall). Một số tờ như Financial Times, New York Times, Wall Street Journal đã mạnh mẽ chuyển sang hướng đi này từ nhiều năm trước và đã thành công. Đặc biệt tờ New York Times năm 2021 đã có doanh thu 1,7 tỉ USD đến từ Tường phí.

Tường phí là giải pháp cho các báo điện tử vào giai đoạn này

Tường phí là giải pháp cho các báo điện tử vào giai đoạn này

Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) nói rằng các tòa báo phải xác định tin bài là tài sản, và tài sản đó phải có công cụ bảo vệ. Hiện Trung tâm đang có 4-5 giải pháp bảo vệ cho từng loại hình báo điện tử, báo hình, báo nói.

Đại diện cho một doanh nghiệp truyền thông xã hội nước ngoài, bà Dương Nguyễn - chuyên gia chương trình Google News Initiative - đã chia sẻ về tầm nhìn của Google đối với ngành truyền thông và báo chí.

Google tin tưởng rằng tin tức và báo chí là sự đóng góp quan trọng cho bất kỳ xã hội nào nên đã lập ra chương trình Google News Initiative với 3 mục tiêu: Nâng cao khả năng cho các toà soạn sản xuất nội dung chất lượng cao hơn, tiếp cận nhiều người dùng hơn; Giúp tìm ra mô hình kinh doanh, doanh thu ổn định cho các toà soạn; Cung cấp các kỹ thuật mới, hỗ trợ các toà soạn các công nghệ mới.

Biểu đồ nhân sự làm việc trực tiếp tại Tòa soạn của Mỹ giai đoạn 2004-2020

Biểu đồ nhân sự làm việc trực tiếp tại Tòa soạn của Mỹ giai đoạn 2004-2020

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, Google đã nhận thấy 6 sự thay đổi trong thói quen của độc giả và ngành báo chí truyền thông, đó là:

Báo chí thay đổi loại hình cung cấp cho người dùng, đem đến trải nghiệm đa dạng hơn, thử nghiệm loại hình tin tức mới (newsletter, notification, sign up và subscription). Các tin tốt, tin vui trở nên phổ biến hơn

Thay đổi về độc giả đăng ký tài khoản đọc báo (subscriber). Trong giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu đăng ký tài khoản trở nên cao hơn, tuy nhiên xu hướng này sẽ không kéo dài. Câu hỏi cho báo chí là làm thế nào để giữ được người dùng. Một trong những biện pháp mà các tòa báo sử dụng là cố gắng tăng lượng người đăng ký để có dữ liệu người dùng của chính mình thay vì phụ thuộc vào dữ liệu của bên thứ ba.

Người dùng tiếp cận tin tức từ mọi nơi, mọi nguồn. Họ nhảy từ nền tảng này sang nền tảng khác, thiết bị này sang thiết bị khác. Báo chí phải nắm được xu hướng này.

Sự phát triển của tiếp thị liên kết (affiliate marketing). Nếu như thời kỳ báo giấy các báo dùng hình thức bán quảng cáo trên mặt báo thì giờ đây đã có những hình thức quảng cáo mới trong đó có affiliate marketing.

Các tờ báo tìm cách thu thập dữ liệu độc giả thay vì sử dụng dữ liệu của bên thứ ba

Đa dạng hóa mô hình thu phí người dùng Nếu như năm 2020 chỉ có một nửa đơn vị báo chí toàn cầu coi thu phí người dùng là trọng tâm phát triển thì đến năm 2021 đã là 71%.

Tham gia hội thảo, đại diện cho Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, ông Steve Taylor nói rằng sự thay đổi trong 20 năm qua của ngành báo chí truyền thông là rất mạnh mẽ. Bây giờ tin tức được đưa tới bạn đọc rất nhanh như ở chiến tranh ở Ukraine, rơi máy bay ở Trung Quốc.

Trước đây truyền thông truyền thống làm quyền lực tập trung vào tay một số người - thuật ngữ gọi là những "lãnh chúa báo chí". Năm 2020 có 6 doanh nghiệp đã kiểm soát đến 90% đơn vị truyền thông ở Mỹ, nhưng mạng xã hội ngày nay đã giảm thiểu sự kiểm soát của truyền thông, đem lại cho mọi người nói lên quan điểm của mình. Ông Steve Taylor cho rằng không có câu trả lời đúng cho những thách thức về truyền thông đưa ra ngày nay.

Trước những thách thức với báo chí mà các chuyên gia tham dự hội thảo đã nêu ra, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã đưa ra một số khuyến nghị về chính sách đáng lưu ý. Ông Đồng cho rằng báo chí nên là một doanh nghiệp, là ngành kinh doanh có điều kiện; Nhà nước cần phân loại các nhóm báo chí để có chính sách hỗ trợ; Xác lập khuôn khổ pháp lý để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân về quyền tài sản, quyền sở hữu.

Đối với các vi phạm của phóng viên hoặc tòa báo, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất xử lý bằng dân sự, tư pháp thay cho bằng hành chính. Về ngắn hạn, ông Đồng đề xuất có chính sách bảo vệ bản quyền cho sản phẩm báo chí. Nếu không bảo vệ được bản quyền thì sẽ không thể thu tiền đọc báo. Viện trưởng Viện IPS cho rằng các tòa soạn cần được hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số.

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Lê Đức Sảo nói rằng báo chí hướng tới nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu quan trọng nhất phải hướng tới người đọc. Muốn có người đọc phải có nội dung hay. Muốn có nội dung hay phải có nhà báo giỏi, công nghệ giỏi. Muốn có nhà báo và công nghệ thì phải có tiền, có đầu tư. Vì thế điều kiện cần với báo chí Việt Nam hiện nay là tạo ra cơ chế để các nhà báo viết được nội dung hay, nhà đầu tư đầu tư dài hạn vào báo chí.