Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: “Lợi ích của dân tộc phải được đặt lên trên hết”

VietTimes –  Cuộc gặp gỡ và trò chuyện của nhà báo Xuân Ba với nguyên TBT Lê Khả Phiêu diễn ra chỉ 10h sau khi ông thôi cương vị người đứng đầu Đảng ta. Thẳng thắn, chân thành, gần gũi, hết lòng vì nước, vì dân. VietTimes đăng bài viết này như một lời tiễn biệt! 
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu.
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu.

Chả hiểu sao những ngày này tôi lại nhớ về thời điểm mấy anh em viết chúng tôi tới nhà riêng ông Lê Khả Phiêu sau mười một tiếng đồng hồ ông nghỉ chức Tổng Bí thư!

Nhoáng cái ông đã là nguyên là cựu! Mà từ “nguyên’’ hay “cựu’’ chỉ là một cách gọi cho có vẻ thâm niên, cho  nhuốm màu thời gian?

Hà Nội đang đêm hội hoa đăng chào mừng thành công Đại hội Đảng IX.

Những sải chân chúng tôi thoáng chốc chùng chình sắp qua một căn hộ của Phố Nhà Binh (chữ của nhà văn Chu Lai chỉ phố Lý Nam Đế). Ngôi nhà số 36 của Thượng tướng Lê Khả Phiêu. Chùng chình bởi chợt nhớ cái “nếp’’ ấm lạnh của người đời, thường mỗi khi ai đó thăng chức hoặc huyền chức thì thiên hạ mới tới mừng, mới kéo đến chia vui? Còn ông thì mới vừa nghỉ chức?

Cậu lính gác trẻ măng đã quen mặt nhoẻn cười: "Vâng khách đông lắm, cứ nườm nượp từ chặp tối...’’

"Nguyên tắc lợi ích của Đảng, của đất nước phải được đặt lên trên hết và nữa là phải lấy sự đoàn kết của đại cục làm trọng!"- Nguyên TBT Lê Khả Phiêu
"Nguyên tắc lợi ích của Đảng, của đất nước phải được đặt lên trên hết và nữa là phải lấy sự đoàn kết của đại cục làm trọng!"- Nguyên TBT Lê Khả Phiêu

Hình như chủ nhân mới thay bộ đồ mặc ở nhà. Thoáng nom ông vẻ như khỏe và trẻ trong bộ lụa mềm. Sắc diện có vẻ khá,  màu da ngó không sàm sạm như những lần tôi đã gặp, đã thấy...

Bây giờ, một cảm giác khang khác là lạ. Có vẻ như ông thuộc dạng kém... may mắn? Sức khỏe của một nguyên thủ là bí mật của một quốc gia nào đó. Nhưng lần ấy, tôi được nghe... lỏm từ một nguồn tin khả tín. Cụ Phiêu không may bị viêm ruột thừa cấp trong chuyến công tác ở một địa phương vùng xa vùng sâu. Đợi được phương tiện tới thì tình thế như có vẻ chậm. Người trợ lý TBT đã bật khóc. Anh ơi qua bao lần trận mạc bom đạn nó đã phải chừa... May mắn đến được nơi cần đến vì có điều kiện giải phẫu. Lại cũng chưa phải là hên. Nơi ấy không mất điện. Nhưng bộ phận thiết bị mổ nội soi khi ấy lại đùng cái, mất điện! Lại may tiếp. Ông đã qua được cái đận gian nan ấy!

...Ông đang thư thái với hai cánh tay xoải dài ra hai bên lưng ghế.

Chủ nhân thân rót nước ra từ một chiếc tích. Tôi nhận ra đó là thứ chè xanh được nấu khá đậm.

“À, anh em họ đến chơi từ tối" - Ông cười trước vẻ tò mò của tôi - "Mà chả cứ gì bữa nay. Từ hôm Hội nghị  trù bị kết thúc, có nhiều người bộc trực: Khi anh đang ở cương vị cũ tôi không tới vì không muốn quấy phiền để anh làm việc. Với lại cũng không muốn mang tiếng đến nhà riêng Tổng Bí thư chắc là định cầu cạnh chi đây?".

"Mình cười và hỏi lại: Bây giờ có chuyện gì thì cứ nói thoải mái nhé!’’ - Ông lại cười và nói.

"Cũng có người họ thẳng họ thẳng thắn thế này: "Những lần họp để chuẩn bị cho Đại hội chính thức, những là Hội nghị TƯ XI , XIIa , XIIb ... anh lại xin rút là cớ làm sao?".  Lại có người “hiến kế” rằng hằng trăm đại biểu dự Đại hội đã giới thiệu, nhiều đoàn cũng đã giới thiệu, ông Lê Khả Phiêu không rút và cứ để Đại hội quyết định thì tình thế sẽ khác đi" - ông nói.

Chất giọng ông chầm chậm: “Công nhận dân mình, cán bộ mình trình độ nhạy bén, sáng suốt và sòng phẳng! Họ biết và hiểu rất rõ cái “tình thế sẽ khác đi" ấy là Đại hội sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề lựa chọn nhân sự ... Mà các cậu quá biết, truyền thống của Đảng là đoàn kết, nhất trí làm trọng. Cốt lõi, phương châm, tinh thần của Đại hội IX là “Đoàn kết - Trí tuệ - Dân chủ - Đổi mới’’ không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đưa hai chữ “ Đoàn kết’’ lên hàng đầu".

Ông nói tới đây, tôi chợt nhớ ra một tình huống ấn tượng với Đại biểu dự Đại hội IX. Ấy là khi một đồng chí trong Đoàn thư ký  sắp trình bày danh sách những đại biểu đề cử và ứng cử thì Thủ tướng Phan Văn Khải đứng lên xin phép Đại hội phát biểu, đại ý: Được sự ủy quyền của đồng chí Lê Khả Phiêu, mặc dù được nhiều đoàn, nhiều đại biểu  giới thiệu nhưng đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn cảm ơn và xin rút... Tôi đề nghị Đại hội coi đây là nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích lớn của Đảng vì sự đoàn kết nhất trí một truyền thống quý báu của Đảng ta!

Ông Lê Khả Phiêu là một cán bộ cấp cao của Đảng, người luôn rất gần gũi, chân thành, được cán bộ và nhân dân yêu quý.
Ông Lê Khả Phiêu là một cán bộ cấp cao của Đảng, người luôn rất gần gũi, chân thành, được cán bộ và nhân dân yêu quý.

Chẳng rõ trong chúng tôi, ai dùng đại từ Anh đầu tiên? Nhưng những gì đã và đang diễn ra giữa chủ cùng khách đượm một sự thân gần. Và chẳng phải là cuộc phỏng vấn chính tắc, chuyện cứ nối chuyện:

Chẳng phải chỉ số ít người tới nhà mình băn khoăn rằng tại sao trong Đại hội Anh lại xin rút? Rất nhiều người lấy làm tiếc cho năng lực của đồng chí cựu Tổng Bí thư. Như vẫn thường nói, con người là vốn quí cho nên trong mọi sự lãng phí, lãng phí tài năng là tệ hại nhất. Trường hợp của anh nên hiểu như thế nào ? Chế độ cố vấn không còn, anh sẽ góp sức mình vào công cuộc chung ra sao?

Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách... Câu nói ấy của người xưa bây giờ nên hiểu mỗi một công dân nước Việt ở bất kỳ vị trí công việc gì cũng đều có trách nhiệm ít hoặc nhiều tới đất nước, đến dân tộc... Nếu đã thực sự chân thành, nhiệt tâm với cái chung, với lợi ích của cộng đồng thì đâu có thiếu  cách để đóng góp (cười). Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong lời phát biểu ngắn lúc Đại hội bế mạc đã chân thành chúc đồng chí Lê Khả Phiêu mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến thêm cho đất nước đó là gì...

Trong điều lệ của Đảng không quy định chế độ Cố vấn... Khi đang ở cương vị là người lãnh đạo cao nhất, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã quyết định bỏ chế độ cố vấn. Quyết định đó có phải là vội vã như dư luận đã từng xì xào?

- (cười) "Vội vã’’ và “xì xào’’ à ? Những cụm từ xa lạ ấy chỉ thích hợp cho những thủ đoạn chính trị khôn vặt, láu cá, ma mãnh... Mình làm chính trị nhưng không biết không quen dùng thủ đoạn. Bác Hồ đã từng dạy, đại ý "Những gì lợi cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức làm". Các cậu nên lưu ý đến cụm "từ dù nhỏ" ấy nhé. Bởi trước nay nhiều lắm những sự trích dẫn cứ quên bẵng hai từ dù nhỏ ấy! Quyết định một vấn đề hệ trọng như vậy lúc đó và khi ấy không phải chỉ có Tổng Bí thư “quyết’’ mà còn có sự quyết định, nhất trí của tập thể Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung Ương.

TBT Lê Khả Phiêu tại một cuộc gặp gỡ với thanh niên
TBT Lê Khả Phiêu tại một cuộc gặp gỡ với thanh niên

Từ Hội nghị Trung ương lần thứ XI tới Đại hội IX có người đã nói, với Anh là một mùa xuân khó khăn. Mỗi một Đảng viên đều phải được hưởng quy chế dân chủ trong Đảng, đó là nguyên tắc. Bộ Chính trị dân chủ với Ban Chấp hành Trung ương và theo đó, Ban chấp hành Trung ương phải dân chủ với mỗi Ủy viên Trung ương... Anh thấy thực tế diễn ra như thế nào? Anh đã được hưởng quy chế dân chủ,  hay nói một cách khác, đã thực hiện quy chế dân chủ ấy ra sao ?

- Mùa xuân khó khăn? (cười) nghe văn vẻ quá nhỉ? Theo mình, thực tế đã diễn ra bình thường, hợp với quy luật vận động, quy luật biện chứng và nữa, với nguyên tắc dân chủ trong Đảng. 

Anh có thể nói cụ thể hơn?

Cụ thể? Mình muốn nói tới chuyện nói thẳng nói thật...Bác Hồ trong các bài giảng tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho lớp thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã nêu ra hai nhược điểm cần khắc phục của dân mình là mất đoàn kết. Và gì nữa, là vấn đề “sĩ diện’’, “ngôi thứ‘’ miếng giữa làng hơn sàng xó bếp. Tai hại hơn, cái tính dở dai dẳng ấy còn len lỏi vào trong sinh hoạt Đảng nữa. Nó làm cho các đồng chí mình không nói thẳng nói thật được với nhau.

Bác đã dạy là phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Khó, dễ là chỗ ấy. Và sự được mất cũng là chỗ ấy. Về phần mình, để “hưởng" và thực hiện quy chế dân chủ  tuy có điều này chuyện khác và cả sự thua thiệt nữa nhưng nguyên tắc lợi ích của Đảng, của đất nước phải được đặt lên trên hết và nữa là phải lấy sự đoàn kết của đại cục làm trọng!

Một nhận xét chủ yếu nhất, khái quát nhất mà hầu hết những người đã gặp ông đưa ra về ông là có tình người sâu đậm.

Tôi đã gặp một số cựu binh Trung đoàn 9 mà ông từng là Chính ủy. Thường trong quá trình chiến đấu, Ban cán bộ của Trung đoàn xử lý việc khi có một cán bộ quân sự hoặc chính trị ở cấp đại đội, tiểu đoàn chỉ huy đơn vị đánh không thắng, hoặc mắc khuyết điểm thì thường xử lý bằng cách điều động đồng chí cán bộ đó lên cơ quan tham mưu. Cán bộ chính trị thì điều lên cơ quan chính trị. Hậu cần thì điều lên cơ quan hậu cần để kiểm điểm thi hành kỷ luật.

"Bác đã dạy là phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Khó, dễ là chỗ ấy. Và sự được mất cũng là chỗ ấy" - nguyên TBT Lê Khả Phiêu.
"Bác đã dạy là phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Khó, dễ là chỗ ấy. Và sự được mất cũng là chỗ ấy" - nguyên TBT Lê Khả Phiêu.

Nhưng với Chính ủy Lê Khả Phiêu thì khác. Vẫn để đồng chí cán bộ đó ở đơn vị cũ. Vẫn tiếp tục nhiệm vụ cũ, và tiếp tục kiểm điểm rút kinh nghiệm sửa chữa khuyết điểm, lỗi lầm đã phạm phải. Chính ủy Lê Khả Phiêu thẳng thắn: Trung đoàn không phải là cái giỏ để đựng mọi thứ! Là nơi có biên chế chứ không phải là địa điểm để lưu dung cán bộ. Trong chiến đấu có thắng, có hòa, thậm chí có thua, có tổn thất là việc bình thường.

Sau Mậu Thân, ở mặt trận Huế, địch đổ quân chiếm A Lưới, đường 12 Tây Thừa Thiên, đánh chiếm Tổng kho 61 của Binh trạm 34, Đoàn 559. Đó là thời điểm khó khăn khắp Mặt trận. Mùa mưa, lính phải ăn rau rừng kéo dài 4-5 tháng. Mỗi ngày cán bộ chiến sĩ chỉ được cấp nửa lon gạo nấu cháo với rau rừng. Thiếu muối, hoa mắt, mỏi gối chồn chân.

Chính ủy Lê Khả Phiêu đã nói ra những lời thống thiết trong một cuộc họp quan trọng của cán bộ Trung đoàn rằng: Lúc này tất cả chúng ta đều bị đói. Tôi thương tất cả, thương mọi người, nhưng dành tình cảm cho anh em chiến sĩ, thương, bệnh binh ở phía trước nhiều hơn. Tình người là đây. Tình đồng đội là đây. Anh em phía sau hãy nhường nhịn giành phần hơn cho anh em phía trước.

Đêm 24/2/1968, quân ta được lệnh rút khỏi Huế. Khi rút phải đưa hết thương binh ở phẫu tiền phương lên rừng để tiếp tục điều trị. Trách nhiệm đó được chỉ định cho Trung đoàn 9.

Chính sách thương binh là đây. Tình người, tình đồng chí đồng đội là đây. Chỉ thị mệnh lệnh đầy tình người của Chính ủy kiêm Trung Đoàn trưởng Lê Khả Phiêu đã được cán bộ chiến sĩ cả ba Trung đoàn thực hiện. Thời gian gấp gáp, nguy hiểm. Nhưng tất cả đã cùng hành quân cùng dìu cáng hơn 2.000 anh em thương binh ngay trong đêm mùa xuân Mậu Thân ấy đến địa điểm an toàn.

Có thể nói dấu ấn nhiệm kỳ vừa qua của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, xin lỗi, dường như mới chỉ bắt đầu công cuộc tuyên chiến với tham nhũng...

- Cựu Tổng Bí thư trầm ngâm: Vậy mà sự đụng chạm phản ứng khá quyết liệt, gay gắt dưới nhiều hình thức tinh vi...Có không ít người gặp mình gần như là hối thúc: Tổng Bí thư cần làm mạnh hơn, giải quyết dứt điểm những vụ việc tham nhũng lớn nổi cộm. Lại có không ít những ý kiến nên “tụng’’ in ít đi bài “kinh” xây dựng và chỉnh đốn Đảng!

Những lời khuyên đại loại thế đã củng cố cho chúng mình thêm quyết tâm để vững tin vào đường đi nước bước cụ thể đang và sẽ tiến hành.

"Khi thay đổi môi trường do yêu cầu công tác hoặc đến tuổi nghỉ hưu họ bị “xốc’’! Với mình, việc đầu tiên, cái “lãi’’ đầu tiên cảm nhận được là thanh thản giữa những người thân, anh em bạn bè , đồng chí, làm những công viêc trước đây do điều kiện công tác mà mình chưa có điều kiện làm hoặc đang làm dở, viết hoặc đọc thêm cái gì đó" - ông Lê Khả Phiêu.
"Khi thay đổi môi trường do yêu cầu công tác hoặc đến tuổi nghỉ hưu họ bị “xốc’’! Với mình, việc đầu tiên, cái “lãi’’ đầu tiên cảm nhận được là thanh thản giữa những người thân, anh em bạn bè , đồng chí, làm những công viêc trước đây do điều kiện công tác mà mình chưa có điều kiện làm hoặc đang làm dở, viết hoặc đọc thêm cái gì đó" - ông Lê Khả Phiêu.

Không nắm được thông tin hoặc thông tin không đầy đủ là một bất hạnh, thậm chí là một thảm họa đối với người lãnh đạo... Một trong các "kênh’’ để nắm thông tin là Thư ký. Nhiều khi người lãnh đạo không nắm hết, biết hết tình hình là do sự bất cập của hệ thống thư ký ...

-  (cười) Nắm bắt đầy đủ thông tin để xử lý tình huống đối với người phụ trách, người lãnh đạo có nhiều “ kênh” khác nhau không riêng chi mỗi “kênh’’ thư ký. Cũng như nghề báo các cậu, “kênh’’ cộng tác viên, thông tín viên chẳng phải là quyết định tất cả. Mình cũng có nghe, đã được nghe những sự xì xào này rồi. Thực tế chỉ có thế nhưng kỳ vọng, đòi hỏi nhiều quá, lớn quá với người ta thì nhiều khi cũng bất cập phải không? 

Anh đã chuẩn bị cho mình một cuộc sống như thế nào khi trở lại với đời thường?

- (Cười, và rót thêm một lượt nước mới)  Đời thường! Mình không hiểu sao các nhà báo hay dùng chữ ấy như vậy.  Thế trước nay mình sống khác, sống trong môi trường đặc biệt nghĩa là sống giả à? Tất nhiên khối anh bập vào quyền lực sống hơi lâu trong môi trường quyền lực như có người nói họ đâm nghiện, đâm quen. Khi thay đổi môi trường do yêu cầu công tác hoặc đến tuổi nghỉ hưu họ bị "sốc"! Với mình, việc đầu tiên, cái “lãi’’ đầu tiên cảm nhận được là thanh thản giữa những người thân, anh em bạn bè , đồng chí, làm những công việc trước đây do điều kiện công tác mà mình chưa có điều kiện làm hoặc đang làm dở, viết hoặc đọc thêm cái gì đó...

Nom ông vẻ thư thái sải những bước dài trên lối đi để tiễn khách, tôi chợt nhớ cái câu ban nãy: “Thanh thản giữa người thân, bạn bè...’’

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Một căn phòng nhỏ trên lối đi hãy còn sáng đèn...Tôi chợt thoáng thấy một người quen: Vợ ông.

Tầm này mà bà còn chưa ngủ? Cũng lâu tôi nghe tin bà bị ốm. Hồi nãy mải chuyện với chủ nhân chưa kịp hỏi thăm…

Bà đang ngồi trên một chiếc ghế nhỏ cạnh giường. Thì ra tháng trước bà trượt chân ngã, khớp lưng bị ảnh hưởng chút ít, bữa nay đã nhúc nhắc đi lại được. Cái tuổi lục tuần của bà mà kiểu đi dáng đứng còn thế này thì mấy chục năm trước cô gái vùng quê Quan họ ấy phải như thế nào nhỉ để lọt vào “tầm ngắm’’ của anh cán bộ chính trị tiểu đoàn Lê Khả Phiêu?

Một bận trong nhóm báo chí ra nước ngoài với ông, trong số người ra tiễn ở sân bay Nội Bài, tôi thoáng thấy một tà áo dài màu hoàng yến.

Quả là bọn tôi chưa nom thấy bà bận áo dài bao giờ?

Bữa nay sắc diện bà vẫn vậy? Mà hình như động thái vui vẻ của bà như không phải cố tạo ra khi có khách thăm? Và tôi đã “đọc" được điều ấy khi cô con gái ghé sang phòng bà. Thấy đám khách quen cứ vòng vo muốn biết  “cảm tưởng’’ của bà nhà khi ông nhà thôi chức?

Cô thẳng tuột thế này: “Bố em được nghỉ, người mừng nhất là mẹ em đấy!’’

Bà cười nhẹ nhàng: “Thỉnh thoảng có ghé qua nơi này nơi khác ngó qua cái ti-vi, anh biết tôi ngại điều gì nhất không ? Là dân người ta lắc đầu than mà như chửi: “thế mà cũng đòi lên ti-vi’’. Nhà tôi chẳng tới mức ấy, nhưng khi dân người ta chưa bực thì cũng phải lo dần đi là vừa... Chao ơi, anh biết không, liền mấy năm rồi đêm nào cũng như tối nào, ngày nào cũng như hôm nào cứ năm giờ sáng đã ngồi vào bàn nếu không viết lách ghi chép thì lại cầm lấy điện thoại, mười hai giờ đêm mới đi ngủ thì đến xương đồng da sắt cũng mọt nữa là...’’

Cô gái mau miệng nhanh nhẩu ban nãy đưa tôi ra tới tận cổng: “Hồi bố em mới nhậm chức, câu mà mẹ em nói  bây giờ nghiệm thấy càng đúng là: Bố có việc của bố ... Mỗi đứa chúng mày phải đi bằng cái chân của mình, cấm tiệt việc mang ơn ai mắc oán ai. Còn bố mày khi nào về nghỉ mà còn khỏe mạnh chẳng phải vướng vào vụ việc gì thì nhà mình mới gọi là gặp may’’.

Tôi quay sang: "Vậy bây giờ đã tới thời điểm gặp may được chưa?". Cô con gái cưng của ông nhoẻn cười: “Chưa, mong sao nữa càng cuối đời ông già càng khỏe để còn bế nhiều cháu nữa chứ...’’

Con đường xuyên phố nhà binh lúc này vẫn rực những đèn...