Người thách thức Tập Cận Bình bị “kết tội” chống đảng

Đảng viên doanh nhân Nhậm Chí Cường có biệt danh "Nhậm Thần Công" từng lên tiếng thách thức nhà lãnh đạo trung Quốc Tập Cận Bình nên bị phê phán kịch liệt là "chống đảng". 
"Nhậm Thần Công" bị phê phán chống đảng
"Nhậm Thần Công" bị phê phán chống đảng

Chuyện bắt đầu từ chuyến thăm của ông Tập hôm 19.2 đến 3 cơ quan chủ đạo của đảng Cộng sản TQ (CPC) và 3 cơ quan báo chí nhà nước hàng đầu TQ là Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo, Đài truyền hình trung ương (CCTV).

Ở các đơn vị này, ông Tập yêu cầu giới truyền thông TQ phải là công cụ tuyên truyền của đảng, phải trung thành với đảng. 

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập phát biểu chỉ đạo: “Tất cả các cơ quan báo chí do đảng điều hành phải làm việc để để nói lên ý chí cùng các mục tiêu của đảng”. Ông ra lệnh cho các nhà báo chú ý “đưa tin tích cực” và “yêu đảng, bảo vệ chế độ và hành động vì lợi ích của đảng”. 

Theo báo New York Times, hồi năm 2015 ông Tập đã yêu cầu các lãnh đạo quân sự cùng những nhân vật quan trọng khác thề trung thành với ông.

Từ sau Mao Trạch Đông, chưa có nhà lãnh đạo TQ nào công khai gợi ý nhiệm vụ hàng đầu của giới truyền thông là tuyên truyền chính thức cho đảng như ông Tập, báo The Wall Street Journal (WSJ) viết.

Ông Tập Cận Bình thăm trụ sởNhân dân nhật báo
Ông Tập Cận Bình thăm trụ sởNhân dân nhật báo

"Nhậm Thần Công" chống đảng

Nhậm Chí Cường (65 tuổi) là con gia đình cách mạng, từng tham gia quân đội TQ (PLA) và là một đảng viên cộng sản.

Năm 2011, Nhậm rút khỏi chức Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng nhà nước Bắc Kinh Hoa Viễn, nhưng vẫn là chủ tịch một công ty con có niêm yết cho đến năm 2009. Một thông tin năm 2009 ước tính ông Nhậm có số tài sản khoảng 22 triệu USD.

Ông Nhậm nổi tiếng với biệt danh "Nhậm Thần Công” do ông có các bài viết  thu hút tới 38 triệu cư dân mạng TQ trên mạng xã hội Sina Weibo, mang các nội dung góp ý của ông về nhiều chủ trương của đảng và nhà nước TQ, từ kinh tế tự do đến chính sách nhà ở.

Trong một bài viết, ông Nhậm kêu gọi giới truyền thông TQ phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ đảng: “Chớ nên dùng tiền dân đóng thuế để nuôi giới truyền thông chỉ quảng bá cho đảng (CPC) thay vì phục vụ nhân dân”.

Bài viết này khiến ông lãnh đủ lời khen chê. Một số người còn yêu cầu thu hồi thẻ đảng của Nhậm. Đảng bộ quận Tây Thành (Bắc Kinh) ra tuyên bố ông Nhậm vi phạm kỷ luật đảng, gây hại nghiêm trọng hình ảnh của đảng” và sẽ bị “xử lý thích đáng”, nhưng không cho biết chi tiết sẽ xử lý thế nào.

Ngày 22.2, trang mạng Thiên Long của bộ phận tuyên truyền thuộc Thành ủy Bắc Kinh chỉ trích ông Nhậm kích động chủ nghĩa tư bản âm mưu lật đổ chế độ, phê phán ông “chống đảng”, một tội nghiêm trọng ở TQ.

Bài viết mang tên Ai cho phép Nhậm táo gan chống đảng? và gọi “Nhậm Thần Công chỉ là một kẻ ủy nhiệm cho bọn tư bản”.

Bắt phải im tiếng

Sau đó, đoạn blog của ông Nhậm đã bị xóa. Nhưng ông lại tải một bài viết khác, mang ý so sánh TQ như một công ty phải chịu trách nhiệm với các cổ đông, chứ không với hội đồng quản trị.

Tên của ông Nhậm lập tức bị kiểm duyệt trên các trang mạng xã hội, dù nó trở thành từ được tìm kiếm nhiều nhất.

Ngay trước khi trang mạng của ông Nhậm bị đóng, trong bài viết cuối cùng, ông dẫn câu nói của đại văn hào Nga Lev Tolstoy: “Tự thân sự không hiểu biết không gây nguy hiểm, không làm ta xấu hổ. Nhưng giả bộ hiểu biết tất cả trong khi lại chẳng biết gì cả thì vừa gây xấu hổ vừa nguy hiểm”.

Ngày 29.2, trang web của Văn phòng quản lý an ninh mạng TQ (CAC) tải tuyên bố của người phát ngôn Tưởng Quân để giải thích việc xóa tài khoản mạng của ông Nhậm: “Cư dân mạng báo cáo Nhậm liên tục tung các thông tin trái phép gây tác động tiêu cực, dung dưỡng tầm ảnh hưởng hèn hạ. Không gian mạng không thể đứng ngoài pháp luật, không ai được phép lan truyền thông tin trái phép trên mạng internet”.

Tưởng Quân kêu gọi các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội “hãy ứng xử như những gương điển hình tuân thủ pháp luật, gánh vác trách nhiệm với xã hội và truyền bá năng lực tích cực”

CAC còn nói toàn bộ cư dân mạng phải cảnh giác, chớ vượt qua “lằn ranh” khi bình luận về cách điều hành của chính phủ, quyền lợi quốc gia, trật tự trị an hoặc đạo đức.

CAC sẽ tăng cường kiểm tra việc tuân thủ luật thông tin trên internet, và yêu cầu các diễn đàn trực tuyến “từ chối cung cấp kênh cho các thông điệp phi pháp”.

CAC không giải thích vì sao các bài viết của ông Nhậm là phi pháp, hoặc bài viết nào vi phạm pháp luật. Các trang mạng nổi tiếng như Weibo.com và t.qq.com bị cấm đăng tải bài viết của ông này.

Người đứng đầu CAC là Lỗ Vệ, một đảng viên, một quan chức chính phủ từng tháp tùng ông Tập thăm Mỹ hồi tháng 9.2015, gặp nhiều lãnh đạo các công ty công nghệ Mỹ.

Ông Lỗ chịu trách nhiệm đảm bảo các công ty công nghệ nước ngoài ở TQ phải tuân thủ các quy định nghiêm khắc của CPC và nhà nước TQ.

Chính phủ TQ luôn kiểm soát internet, chặn nhiều trang mạng bị xem là thách thức CPC hoặc đe dọa sự ổn định, trong đó có Facebook, công cụ tìm kiếm của Google và Gmail.

Trong vài năm qua, CAC ráo riết theo dõi bài viết của các nhân vật nổi tiếng trên mạng như ông Nhậm, để bảo đảm họ phải tuân thủ luật pháp. Những người này được các công ty internet xếp là “cư dân mạng đã được xác minh”và có hàng triệu người đọc và theo dõi.

Năm 2013, công an bắt doanh nhân Ngoa Tất Quần (Charles Xue, người Mỹ gốc TQ) đưa lên đài truyền hình nhà nước bêu tội ông mua dâm với gái điếm. Ngoa có trang blog có 12 triệu người đọc.

Cùng năm này, Bộ Tư pháp TQ nêu tội hình sự “gây sự và kích động gây rối” có thể áp dụng vào việc xử lý các bài viết trên mạng.

Chính phủ cũng tăng cường buộc tội cư dân mạng tội “phao tin đồn nhảm”, gồm các vụ người viết bàn chuyện kinh tế suy thoái, thị trường chứng khoán lao dốc. Chính quyền mở các chiến dịch chống hành vi trái phép qua mạng như cờ bạc, bán dâm…

Kiểm soát ngôn luận để củng cố quyền lực

Việc ông Tập tăng cường kiểm soát ngôn luận làm dấy lên tranh cãi về việc CVC có nên tự làm mất uy tín mình bằng cách trừng trị người có quan điểm bất đồng hay không.

Nhà bình luận chính trị Trần Kiệt Nhân ở Bắc Kinh, viết trên blog sau khi "Nhậm Thần Công" bị công kích: “Lịch sử đảng cho thấy đảng càng thoáng thì càng ít người bị dán nhãn “chống đảng”. Nhưng càng đam mê theo đuổi sự tôn sùng cá nhân, càng ít người nêu quan điểm khác biệt, thì càng có nhiều người bị dán nhãn ấy”.

Một số đảng viên thắc mắc nếu một vị lãnh đạo đảng không quan tâm đến sự phê bình, thì ông sẽ lại phạm các sai lầm như Mao Trạch Đông đã phạm, khi ông Mao nắm quyền lực tuyệt đối và tiến hành các chính sách như Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa...

Cư dân mạng TQ bị sốc khi Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo) công khai chỉ trích sự hạn chế ngôn luận.

Ông Tiến viết trên mạng Weibo ngày 14.2: “TQ nên mở thêm nhiều kênh phê bình, khuyến khích sự phê bình mang tính xây dựng. Cũng nên có một độ khoan dung nhất định đối với sự chê bai không có tính xây dựng”.  

Khi "Nhậm Thần Công" bị công kích, Giáo sư Thái Hạ thuộc Trường Đảng viết một bài xã luận trên ứng dụng tin nhắn WeChat (nhưng sau đó đã xóa) với nội dung: Nhậm có quyền phê phán chính sách, và quyền này được Hiến pháp TQ bảo vệ.  

Việc Bắc Kinh siết chặt quyền kiểm soát ngôn luận được nhiều người TQ nhận định ông Tập đang nỗ lực củng cố quyền lực, dập tắt chỉ trích vào lúc nền kinh tế TQ (lớn thứ nhì thế giới) lao dốc xuống quá thấp sau nhiều năm tăng trưởng thần tốc, cùng nạn tham nhũng tràn lan trong đảng, sự thất vọng của người dân về tình trạng ô nhiễm và môi trường xuống cấp…  

Khi nền kinh tế suy giảm trầm trọng năm 2015, chính quyền TQ tăng cường gây sức ép lên giới truyền thông, mạng xã hội, các học giả và giáo viên, buộc họ phải trung thành với đảng, khuyến khích họ tập trung phát triển “năng lượng tích cực” và quảng bá các giá trị xã hội chủ nghĩa.

Trong tháng 2, chính quyền chỉ đạo các trường học mở “các chiến dịch giáo dục tinh thần yêu nước”, cảnh báo đảng viên về những nguy hiểm nếu họ “thắc mắc” các quyết định của trung ương đảng, đóng hơn 500 tài khoản Weibo với lý do chúng “phá vỡ trật tự xã hội và bôi nhọ uy tín nhà nước”.

Giới học giả, truyền thông nói môi trường ngôn luận ở TQ đang bị siết chặt nhất kể từ hàng chục năm trở lại đây.

Giáo sư Kiều Mục ở Đại học nghiên cứu nước ngoài Bắc Kinh cũng là một đảng viên có tài khoản mạng bị chặn hoặc bị hạn chế hoạt động trong vài tháng qua. Ông nói rằng khi đối mặt kinh tế bất ổn, việc ông Tập kiểm soát ngôn luận sẽ còn được siết chặt hơn: “Đấy chỉ là sự khởi đầu, đảng sẽ làm tất cả để bảo vệ lợi ích”.

Nhưng Maria Repnikova, một nữ học giả về truyền thông TQ thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) nói trong trường hợp ông Tập thành công việc kiểm soát chặt ngôn luận để củng cố quyền lực, thì về lâu về dài ông Tập có thể “thua” khi siết các cơ chế phản biện mà CPC từ lâu dựa vào để nắm bắt xã hội.

Bà Maria nói: “Trên thực tế, điều đó có nghĩa sẽ có ít tiếng nói được lắng nghe, dư luận sẽ không được định hướng hiệu quả từ dưới lên, gây ra sự mất kết nối lớn hơn giữa lợi ích của đảng với lợi ích của nhân dân TQ”.

Theo The Wall Street Journal, New York Times, Một thế giới