“Người láng giềng phương Bắc luôn nói vậy mà không phải vậy!”

Nói chuyện với các DN nhỏ và vừa cả nước tụ hội về Đà Nẵng chiều 8/8, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nêu rõ: “Người láng giềng khổng lồ ở phương Bắc đang là tâm điểm của trò chơi quyền lực!"
“Người láng giềng phương Bắc luôn nói vậy mà không phải vậy!”

20 năm trước khó mà hình dung nổi…

Chiều 8/8 tại Đà Nẵng, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước đã tham dự hội nghị kết nối doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc với chủ đề “Kết nối – Hợp tác – Phát triển” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức.

Tại đây, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã có bài nói chuyện về “Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nhập quốc tế” gây ấn tượng mạnh cho các đại biểu.

“Người láng giềng phương Bắc luôn nói vậy mà không phải vậy!” ảnh 1
Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng chiều 8/8 (Ảnh: HC)

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, năm 2015 vô cùng đặc biệt đối với Việt Nam. Ngoài việc kỷ niệm năm chẵn của nhiều sự kiện lớn của đất nước còn là kỷ niệm 20 năm Việt Nam thiết lập quan hệ với rất nhiều đối tác lớn trên thế giới như Mỹ, EU, ASEAN… Và đây cũng là năm đánh dấu cột mốc mới sự phát triển quan hệ của Việt Nam với các đối tác này.

Theo đó, Việt Nam vừa hoàn tất nội dung FTA với EU và dự kiến ký kết trong vài tháng nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ thành đối tác thư 2 trong cộng đồng kinh tế ASEAN có FTA với EU. Trước Việt Nam thì EU chỉ mới có FTA với Singapore. EU cũng muốn đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia và với chung cả ASEAN nhưng không làm nổi. Việt Nam trở thành đối tác tiên phong có thể hoàn tất FTA sớm hơn với EU và EU rất kỳ vọng từ FTA với Việt Nam thì sẽ làm tiếp được với các nước khác.

“Vòng đàm phán TPP ở Hawaii vừa rồi không thành công như mong muốn nhưng cũng đã hoàn tất khoảng 98%. 2% còn lại tuy không đơn giản nhưng tôi tin các nước sẽ cố gắng để hoàn tất trong thời gian không xa nữa. Vì đã mất công quá nhiều để đàm phán, vì tầm quan trọng quá lớn của Hiệp định này đối với cả khu vực Thái Bình Dương cũng như đối với các nước liên quan, và vì cả tương lai rộng lớn mở ra cho mỗi thành viên tham gia nên các nước sẽ không bỏ cuộc, sẽ không vì cái 2% đó mà làm mất công sức đã bỏ ra để đạt 98% kia!” – Bà Phạm Chi Lan nói.

Bà cũng cho biết Việt Nam đang tham gia vòng đàm phán quan trọng khác là RCEP (FTA của ASEAN và 6 nước đối tác). Sau khi RCEP hình thành cùng với TPP thì chắc chắn đàm phán cho FTA của khu vực APEC cũng sẽ được thúc đẩy. Chắc chắn Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng sẽ bàn rất nhiều tới tương lai của Hiệp định FTA khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Điểm qua thêm các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán với một số đối tác khác, bà Phạm Chi Lan đúc kết là Việt Nam sẽ có quan hệ FTA với 57 quốc gia. Một nước Việt Nam quy mô nền kinh tế còn tương đối nhỏ trong khu vực cũng như trên toàn cầu lại có quan hệ FTA với 57 nước khác nhau, trong đó có cả các cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, thì thực sự là một điều kỳ diệu mà không phải nước đang phát triển nào cũng có được.

“Từ 1975 đến 1995 là 20 năm rất nhọc nhằn để chúng ta phục hồi và phát triển quan hệ với các đối tác tôi vừa kể trên. Nhưng sau 20 năm hình thành được mối quan hệ với họ thì có thể nói chúng ta đã đi được một bước khá dài mà chắc chắn 20 năm trước đây khó hình dung nổi là mối quan hệ này lại bước vào giai đoạn mới quan trọng đến như vậy!” – Bà Phạm Chi Lan nói.

Cảnh báo đáng lưu ý nhất với Việt Nam là “người láng giềng” khổng lồ phương Bắc

Bà Phạm Chi Lan cho hay, nhiều nước đang phát triển khác, kể cả một số thành viên ASEAN phải hơi một chút tị nạnh khi Việt Nam có thể thuyết phục được các nước kia chấp nhận chơi với mình. Mặc dù Việt Nam có trình độ phát triển thấp hơn các nước đó rất đáng kể nhưng họ tin và chấp nhận Việt Nam tham gia cùng với họ. Việt Nam cũng rất giỏi trong việc biến các đối thủ, thậm chí là kẻ thù của mình trước đây giờ trở thành đối tác, thậm chí là đối tác tin cậy, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Đây là điều rất kỳ diệu cần được Việt Nam biến thành hiện thực trong phát triển đất nước!

“Người láng giềng phương Bắc luôn nói vậy mà không phải vậy!” ảnh 2
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: "Cảnh báo đáng lưu ý nhất với Việt Nam là “người láng giềng” khổng lồ ở phương Bắc đang là “tâm điểm” của trò chơi quyền lựcị" (Ảnh: HC)

Đáng chú ý, theo bà Phạm Chi Lan thì Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế… đều dự báo kinh tế toàn cầu còn tiếp tục khó khăn. Hiện dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 do các tổ chức quan trọng này đưa ra đều thấp hơn, kém lạc quan hơn so với đầu năm. Thế nhưng, chính trong thời điểm kinh tế thế giới còn khó khăn này, Việt Nam dường như vẫn đang vượt lên được và mức độ tăng trưởng vẫn còn hơn so với kỳ vọng từ đầu năm. Đây là một trong những nước hiếm hoi mà kỳ vọng lúc này về mức tăng trưởng năm 2015 lại cao hơn so với đầu năm.

Tuy nhiên bà Phạm Chi Lan cũng lưu ý, trong nghiên cứu về Việt Nam đến năm 2035 đang được tiến hành cùng với Ngân hàng Thế giới, đã chỉ ra những điều đáng quan tâm với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập như nêu trên. Trước hết, đó là môi trường chung của toàn cầu hiện nay, cả về kinh tế và chính trị, đều phức tạp và còn nhiều khó khăn, biến động.

“Trong đó, cảnh báo đáng lưu ý nhất với Việt Nam là “người láng giềng” khổng lồ ở phương Bắc đang là “tâm điểm” của trò chơi quyền lực. Có rất nhiều cách thức, thái độ của ông láng giềng này không thể ai hiểu được và không ai phán đoán được. Ổng nói vậy mà luôn luôn là không phải vậy. Ổng nói bây giờ ổng ngưng hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông nhưng không ai biết được thực tế ổng sẽ làm gì!” – bà Phạm Chi Lan nói.

Điều lưu ý thứ hai là tác động lẫn nhau rất nhanh chóng và rất khó tiên liệu giữa các nhân tố quan trọng cho phát triển như công nghệ, tài nguyên, khí hậu, tài chính, thị trường… Đó là các nhân tố liên quan đến phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như kinh tế toàn cầu và đều có các mối quan hệ rất nhằng nhịt với nhau, tác động lẫn nhau rất nhiều nhưng rất khó tiên liệu là nó tác động đến nhau như thế nào.

3 nhân tố quyết định thành công trong môi trường toàn cầu hiện nay

“Có nhiều tiềm năng đi lên nhưng rủi ro cũng còn rất nhiều. Trong điều kiện đó thì điều gì quyết định cho sự thành công không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia?” – Chuyên gia Phạm Chi Lan đặt câu hỏi và nêu ra 3 nhân tố quyết định thành công trong điều kiện biến đổi rất nhiều của môi trường toàn cầu khó khăn hiện nay.

Quan trọng nhất, theo bà, là khả năng ứng phó. Đây là điều gần như tuyệt đối khi người ta nói đến mọi thứ phát triển hoặc hợp tác. Các quốc gia phải có khả năng xác định được, chống đỡ được với những cú sốc xảy ra và làm sao phục hồi được nhanh chóng sau cú sốc. Nước nào giỏi, doanh nghiệp nào giỏi thì còn có thể biến cú sốc đó vốn dĩ mang ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn thành cơ hội cho mình!.

Nhân tố thứ hai là phải dựa trên sự đa dạng hóa. Đây là điều tuyệt đối cần thiết. Nếu cứ loay hoay bám giữ những cái đã có lâu nay thì không thể thành công. Đa dạng hóa, đối với các quốc gia, là tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Như Việt Nam lâu nay dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ thì nay phải tạo động lực mới từ sự năng động của doanh nghiệp, phát triển các loại hình doanh nghiệp khác nhau, từ công nghệ, năng suất cao hơn... Tương tự là phải tìm các nguồn lực khác nhau cho tăng trưởng, mở rộng các mối quan hệ. Cần đa dạng hóa quan hệ với các nước và đối với mỗi mối quan hệ phải cố gắng khai thác được những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực.

Thứ ba là sự linh hoạt và khả năng thích ứng của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp ở các quốc gia, Đó là năng lực thay đổi về tính thích ứng từ dưới trở lên. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải có các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất năng động, có khả năng thích ứng đối với những cái mới, những sự thay đổi. Đồng thời với đó là sự hỗ trợ từ trên xuống. Ở chiều này đòi hỏi từng nhà nước phải biết chăm lo mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo độ ổn định của đất nước thì mới phát triển được.

Theo Infonet