Người dân tiếc thương phi công xuất sắc của không quân Việt Nam

VietTimes -- Sáng nay (20.6), lễ viếng và truy điệu phi công Trần Quang Khải được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quân Khu 4 (thành phố Vinh, Nghệ An) theo nghi thức của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Người dân tiếc thương người phi công xuất sắc
Người dân tiếc thương người phi công xuất sắc

Mời ấn F5 để tiếp tục cập nhật...

10h35:

Vĩnh biệt đại tá, phi công Trần Quang Khải. 

10h20:

Người dân hai bên đường tiếc thương người phi công xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

10h10:

Xe tang đưa linh cữu phi công Khải rời nhà tang lễ. 

9h40:

Ban lễ tang và gia đình đang di chuyển linh cữu ra xe tang đưa linh cữu đại tá, phi công Trần Quang Khải về Bắc Giang

9h20:

Gia quyến phi công Trần Quang Khải trong lễ truy điệu. Bé Khánh Vân (3 tuổi), con anh Khải thiếp đi trong vòng tay người thân.

Đại diện gia đình, anh Trần Quang Hùng (em trai phi công Trần Quang Khải) đáp từ, bày tỏ sự cảm ơn, xúc động trước tấm lòng của đồng đội, bạn bè và người dân.

9h: Lễ truy điệu phi công Trần Quang Khải bắt đầu. 

"Thằng Khải rất giống tôi, bơi khỏe từ bé. Hay tin mất tích, tôi nghĩ nó sẽ vượt qua... Nhưng em nó đã hy sinh, đã làm tất cả vì Tổ quốc" - Cha phi công Trần Quang Khải chia sẻ
Tổn thất vô cùng to lớn

Tại lời điếu trong lễ truy đại tá Trần Quang Khải, trung tướng Nguyễn Văn Thanh (Chính ủy Quân chủng Phòng không không quân) cho biết, ngày 14//2016, máy bay Su-30 MK2 số hiệu 8585 đã gặp sự cố bất ngờ trên không khi đang làm nhiệm vụ. Đại tá Trần Quang Khải đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu.

“Đại tá Trần Quang Khải là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sự hy sinh của đại tá Trần Quang Khải là tổn thất vô cùng to lớn đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không không quân và gia đình” – trung tướng Nguyễn Văn Thanh nói.

Lễ viếng bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn đại biểu của Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 4 và ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, dâng hương viếng phi công Trần Quang Khải.

Người dân tiếc thương phi công xuất sắc của không quân Việt Nam ảnh 22

 Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến viếng phi công Trần Quang Khải.

Ghi sổ tang, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết: "Vô cùng thương tiếc đại tá Trần Quang Khải đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của đồng chí càng tô thắm thêm cho lá cờ truyền thống vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Xin vĩnh biệt đồng chí, chúc đồng chí an giấc ngàn thu. Xin chia buồn sâu sắc đến gia đình đồng chí". 

Hàng nghìn quân nhân, đồng đội, cán bộ các địa phương và người dân đã đến viếng, tiễn đưa đại tá Trần Quang Khải. 

Nỗi buồn đau của gia quyến đại tá Trần Quang Khải

Kế hoạch tổ chức tang lễ phi công Trần Quang Khải:

- Lễ viếng: 7h đến 9h30 ngày 20/6/2016 (nhằm ngày 16 tháng 5 năm Bính Thân) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4 (thành phố Vinh, Nghệ An). Lễ truy điệu 9h30 đến 10h.

- Thi hài phi công Khải được đưa từ thành phố Vinh về quê ở xã Tân Dĩnh, (huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Lễ viếng tại quê nhà được tổ chức từ 18h ngày 20/6 đến 7h30 ngày 21/6

- Đưa tang vào hồi 8h ngày 21/6 và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Thanh Trì, TP Hà Nội). Lễ an táng vào 17h cùng ngày tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang.

Anh Trần Quang Khải, 43 tuổi, là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371. Quá trình phục vụ trong quân ngũ, anh đã vinh dự nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.

Ngày 18/6, phi công Trần Quang Khải được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thăng quân hàm từ cấp thượng tá lên đại tá.

Trong ký ức người thân, đại tá Trần Quang Khải là người đàn ông vững chãi, ấm áp, hay cười và có tình yêu vô hạn với bầu trời. Đồng đội nể phục anh là người chỉ huy bản lĩnh, nhạy bén, tham mưu giỏi, luôn quan tâm đến cấp dưới. 

Anh lập gia đình muộn ở tuổi 40 với nữ giáo viên, con gái còn nhỏ. Cuộc sống hạnh phúc chưa bao lâu, anh đi xa bỏ lại những giấc mơ dang dở.

Đồng đội đón anh Khải trở về đất liền lúc hoàng hôn ngày 18/6.

Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29', chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 mất liên lạc cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).

Một ngày sau, anh Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Chiều cùng ngày, anh Cường về đất liền an toàn.

Chiến dịch tìm kiếm phi công mất tích được mở rộng từ vùng biển Hà Tĩnh đến Hải Phòng với sự tham gia của hàng nghìn người và gần 200 phương tiện. Quá trình tìm kiếm, máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 chở 9 người đã rơi trên vùng biển Hải Phòng, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý. Hiện, chưa ai được tìm thấy song nhiều mảnh vỡ của chiếc CASA đã trôi trên biển.

18h ngày 17/6, ngư dân Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải quấn trong vải dù, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý. Ngay trong đêm, anh Trần Quang Khải được tàu biên phòng đưa về đất liền.

Tổng hợp