Ông Vương nói rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận một danh sách gồm những yêu sách đơn phương từ phía Washington trong việc đối thoại với Bắc Kinh. “Cánh cửa đối thoại với Trung Quốc vẫn rộng mở. Nhưng đối thoại nên được thực hiện trên cơ sở ngang bằng và tôn trọng lẫn nhau”, ông nói
“Trung Quốc sẽ không chấp nhận việc có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới tự đặt họ cao hơn các nước khác, và bất kỳ quốc gia nào có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề thế giới. Nếu Mỹ tiếp tục đối đầu, Trung Quốc sẽ tiếp nhận một cách từ tốn mà không sợ hãi” – Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.
Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra tuyên bố trên trong cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước về các cuộc họp mới được tổ chức ở Phúc Kiến, trong đó có sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc. Ông nói rằng ông đã thông báo cho họ về kết quả kỳ họp thượng đỉnh ở Alaska với Mỹ, thêm rằng “các nước trong khu vực quan ngại về quan hệ Trung-Mỹ là điều hợp lý”.
Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Anchorage hồi tháng trước mở đầu bằng bất đồng công khai giữa các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ Mỹ và Trung Quốc, và tiếp đó là nỗ lực của cả hai bên trong việc tăng cường sự ủng hộ từ các đối tác truyền thống. Bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc được thể hiện tại hội nghị này cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại rằng họ sẽ phải chọn phe.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng, mặc dù hợp tác Mỹ-Trung là có thể, nhưng cả hai bên cần phải tôn trọng những mối quan ngại cốt lõi của nhau, và Trung Quốc sẽ không chấp nhận những yêu sách đơn phương và điều kiện từ phía Washington.
“Chúng tôi quyết tâm chống lại sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và càng quyết tâm phản đối những lệnh trừng phạt đơn phương phi pháp áp đặt dựa trên những lời nói dối và thông tin sai lệch” – ông Vương nói – “Trung Quốc không thể thoái lui, bởi có rất nhiều quốc gia đang phát triển đứng đằng sau chúng tôi. Trung Quốc có quyền chống trả bởi chúng ta cần bảo vệ chủ quyền và tự tôn quốc gia”.
Các nhà quan sát nói rằng Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ, vốn đã chịu tổn hại nặng nề dưới thời Tổng thống Mỹ donald Trump, nhưng lại đang đối mặt với thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải vạch ra ranh giới giữa hợp tác và chống lại sức ép từ phía Mỹ.
Nhiều tuần sau thượng đỉnh Alaska, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn ở mức cao. Washington đã áp thêm lệnh trừng phạt với giới chức và các thực thể Trung Quốc do cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, tiếp nối sau động thái tương tự của Liên minh châu Âu (EU). Cả hai nước cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây nhắc lại rằng Mỹ sẽ hợp tác với NATO và EU để xử lý những thách thức chung đến từ Trung Quốc. Thủ tướng nhật Bản Yoshihide Suga sẽ có chuyến thăm Washington để thảo luận với Tổng thống Joe Biden vào ngày 16/4.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng Trung Quốc và mỹ nên tổ chức thêm các cuộc đối thoại về vấn đề trong khu vực và hợp tác chống đại dịch COVID-19, nhưng thêm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không nên bị đảo ngược.
“Việc Trung Quốc tiếp tục phát triển và trở nên mạnh mẽ là điều không tránh khỏi. Đây là xu hướng không thể chống lại. Trung Quốc sẽ không ngần ngại cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh nên công bằng và chính trực, tuân thủ các quy luật thị trường. Không ai được ngăn chặn quyền được phát triển hợp pháp của người khác” – ông nói.