Ngoại trưởng Mike Pompeo mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên phản ứng gay gắt

VietTimes – Cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng trước dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm lược Ấn Độ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc xâm lược Ấn Độ và gây tranh chấp tại nhiều khu vực (Ảnh: Reuters).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc xâm lược Ấn Độ và gây tranh chấp tại nhiều khu vực (Ảnh: Reuters).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) hôm thứ Tư, 8/7, theo giờ Washington, ông Mike Pompeo đã lên tiếng về vụ xung đột tối 15/6 tại Thung lũng Galwan, lên án Trung Quốc phát động "xâm lược" chống Ấn Độ và đề cập đến cuộc tranh chấp mới với giữa Trung Quốc với Bhutan khi cho rằng Bắc Kinh lên kế hoạch "bắt nạt" các nước khác thông qua tranh chấp chủ quyền, nói rằng thế giới quyết không cho phép hành động này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Năm (9/7) đã đáp trả, gọi những phát biểu của ông Pompeo “chứa đầy những tư duy thời Chiến tranh Lạnh”.

Ông Pompeo nói trong cuộc họp báo tổ chức tại Bộ Ngoại giao ngày 8/7: "Phía Trung Quốc đã có những hành động mang tính xâm lược và phía Ấn Độ đã đáp trả theo cách tốt nhất”. Ông Pompeo nói, ông đã nhiều lần thảo luận với Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar về tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Quân đội Trung - Ấn đối đầu dẫn đến xung đột, gây nên tình hình căng thẳng trong quan hệ hai nước (Ảnh: Đa Chiều).
Quân đội Trung - Ấn đối đầu dẫn đến xung đột, gây nên tình hình căng thẳng trong quan hệ hai nước (Ảnh: Đa Chiều).

Ngoài ra, sau khi xảy ra cuộc xung đột Trung-Ấn, Bắc Kinh đã chĩa mũi nhọn về phía Bhutan, một đồng minh của Ấn Độ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chính phủ Ấn Độ. Trước đây, Bhutan đã nộp đơn xin quốc tế trợ cấp cho khu bảo tồn động vật hoang dã. Trung Quốc đã phản đối và cho rằng khu bảo tồn có tranh chấp về chủ quyền.

Ông Pompeo nói vấn đề giữa Trung Quốc với Bhutan là tranh chấp và so sánh tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan với tranh chấp chủ quyền đảo giữa Bắc Kinh với Việt Nam và Nhật Bản. Ông chỉ trích rằng hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc không thể hài lòng về việc ranh giới chủ quyền liên quan của họ không được Trung Quốc tôn trọng. Ông Pompeo chỉ trích: “Từ dãy Himalaya, đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, quần đảo Senkaku và các nơi khác, Bắc Kinh đã gây ra một loạt các tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không thể cho phép loại hình bắt nạt này xảy ra, cũng không cho phép thói bắt nạt đó tiếp diễn”.

Cũng trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao hôm thứ Tư, một lần nữa, ông Pompeo chỉ trích Trung Quốc đã không báo cáo trung thực tình hình dịch bệnh COVID-19 và che giấu sự thật, khiến hàng trăm ngàn người chết trên toàn thế giới. Ông bày tỏ đồng tình việc nhóm chuyên gia của WHO sắp đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus, nhưng kêu gọi cuộc điều tra không được làm qua loa chỉ để phô diễn chính trị.

Ông Pompeo cũng chỉ trích chính phủ Trung Quốc vi phạm các cam kết về các vấn đề như Tân Cương và Hồng Kông. Ông ca ngợi các công ty Google, Facebook và Twitter vì đã từ chối cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Hồng Kông.

Ông Triệu Lập Kiên nói phát biểu của ông Pompeo “chứa đầy những tư duy thời Chiến tranh Lạnh” (Ảnh: RTHK).
Ông Triệu Lập Kiên nói phát biểu của ông Pompeo “chứa đầy những tư duy thời Chiến tranh Lạnh” (Ảnh: RTHK).

Đáp lại những lời chỉ trích mạnh mẽ của ông Mike Pompeo, hôm 9/7 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói, trong thời gian gần đây, ông Pompeo đã “nói xấu, bịa đặt nhiều tin tức giả mạo, vu khống công kích Trung Quốc và kích động chia rẽ mối quan hệ giữa các nước khác với Trung Quốc, bộc lộ hoàn toàn tư duy chiến tranh lạnh thâm căn cố đế và định kiến về ý thức hệ”. Ông cho rằng, ông Pompeo “nên sửa chữa sai lầm, đình chỉ gieo rắc virus chính trị, để không trở thành trò cười của cộng đồng quốc tế”.

Triệu Lập Kiên cũng nói rằng các lực lượng phòng thủ biên giới của Trung Quốc và Ấn Độ đã cách ly tiếp xúc tại các vị trí tiền tuyến ở các khu vực như Thung lũng Galwan; tình hình biên giới nói chung ổn định và có xu hướng dịu đi. Hai bên sẽ tiếp tục duy trì đối thoại, liên lạc thông qua các kênh ngoại giao  và quân sự; trong đó có tổ chức hội đàm cấp quân đoàn vòng mới và cơ chế hội nghị thương lượng và phối hợp các vấn đề biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Phía Trung Quốc hy vọng rằng phía Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đi cùng một hướng, thực hiện sự đồng thuận mà hai bên đạt được bằng các hành động thực tế, cùng nhau thúc đẩy tình hình ở khu vực biên giới hạ nhiệt, hòa dịu thêm.