Nghịch lý trong cải cách giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường

Những ngày đầu năm 2016 chứng kiến liên tiếp những vận đen tiếp tục đeo đuổi nền kinh tế Trung Quốc trong năm mới, khi chỉ trong 4 phiên giao dịch đầu tiên thị trường chứng khoán (TTCK) nước này đã 2 lần phải chấm dứt giao dịch vì số cổ phiếu bán tháo ra vượt quá mức quy định là 7%.
Nghịch lý trong cải cách giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường

Bất kể những cam kết cải cách mạnh mẽ trong bài phát biểu đầu năm của chủ tịch Tập Cận Bình, nền kinh tế Trung Quốc đang có bước khởi đầu trong năm mới tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sự kiện tại TTCK trong những ngày đầu năm đang vạch ra rõ hơn bao giờ hết bức tranh u ám của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, và thúc đẩy các nhà phân tích đi tìm câu trả lời. 

Câu hỏi đặt ra cho TTCK Trung Quốc cũng đồng thời là câu hỏi được đặt ra cho quá trình cải cách nền kinh tế của nước này: đang có một nghịch lý lớn lao về cách thức cải tổ nền kinh tế Trung Quốc giữa hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất quốc gia này: chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tính đến thời điểm những ngày đầu năm mới 2016, khoảng thời gian cầm quyền chính thức của chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình đã là hơn 3 năm, kể từ khi ông Tập thay thế người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào vào giữa tháng 11/2012, nhưng ngay cả các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng chưa nắm được chiến lược cải cách kinh tế đất nước của ông Tập thực ra là gì. Trong suốt 3 năm cầm quyền vừa qua, có vẻ như mục tiêu lớn nhất mà ông Tập theo đuổi là tái xác lập quyền lãnh đạo tối cao về mọi mặt của đảng Cộng Sản Trung Quốc, hơn là chú tâm vào cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do như những người tiền nhiệm.

Để tập trung quyền lãnh đạo tối cao về mọi mặt của đảng, ông Tập đã thay đổi hẳn cơ cấu ra quyết định của bộ máy lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc. Nếu như trước đây vai trò điều hành đất nước và nền kinh tế được quy định rõ ràng và rành mạch, trong đó chủ yếu được giao cho Chính phủ và các Bộ, thì giờ đây ông Tập muốn tập trung tất cả quyền lãnh đạo vào tay đảng. Sau khi nhậm chức, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà ông Tập làm ra lập ra một loạt các “Nhóm công tác” và “Tiểu ban”, theo đó các Nhóm công tác và Tiểu ban này sẽ có quyền ra quyết sách trên mọi lĩnh vực thay vì Chính phủ và các Bộ như trước. Chẳng hạn như về kinh tế, có Tiểu ban lãnh đạo trung ương về Kinh tế và Tài chính; hay Tiểu ban lãnh đạo tăng cường cải cách toàn diện. Về an ninh và quân sự thì có Nhóm lãnh đạo cải cách toàn diện và Ủy ban an ninh quốc gia Trung Quốc, và Nhóm lãnh đạo cải cách quân sự.

Tất cả các “Nhóm công tác” và “Tiểu ban” này đều trực thuộc đảng, trong đó ông Tập đứng đầu tất cả các Nhóm và Tiểu ban này. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tập trên thực tế đang giữ vai trò điều hành mọi mặt và lĩnh vực của Trung Quốc từ kinh tế quốc phòng đến an ninh, thay vì phân chia cho Chính phủ và các Bộ ngành như trước. Nói cách khác, trong khi người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào để quá trình hoạch định chính sách kinh tế phụ thuộc nhiều vào chính phủ đồng thời mở rộng quyền hạn của chính phủ, thì ông Tập lại đang muốn nhấn mạnh vai trò của đảng trong hoạch định chính sách kinh tế và giảm bớt sự tham gia điều hành của chính phủ.

Mục tiêu tăng cường quyền lực và mở rộng phạm vi điều hành đất nước của đảng của ông Tập đang được xem là đi ngược lại với con đường của những nhà lãnh đạo Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ vừa qua, đồng thời đi ngược lại với cam kết cải cách nền kinh tế. Trong ba thập kỷ qua, quyền hạn của chính phủ Trung Quốc ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Vì một thực tế rõ ràng là nền kinh tế càng phát triển và phức tạp thì vai trò điều hành và quản lý của chính phủ cũng sẽ ngày càng gia tăng. Ông Tập đang muốn chống lại xu hướng này, mà theo nhiều nhà phân tích là do ông Tập lo ngại xu hướng này sẽ làm xói mòn quyền lực của đảng.

Có một thực tế là số ủy viên trung ương đảng ở Trung Quốc xuất thân từ lãnh đạo các tập đoàn nhà nước vốn được xem là người của chính phủ đang tăng lên rất nhanh trong những năm gần đây. Số ủy viên trung ương xuất thân từ lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn chỉ chiếm 2% tại Đại hội 12 năm 1982, nhưng đã tăng lên 52% vào Đại hội 15 năm 1997. Tới Đại hội 17, số này chiếm tới 78% Bộ chính trị và 40% thường vụ bộ chính trị. Quyền lực ngày càng gia tăng của Chính phủ và những người chịu sự điều hành của chính phủ trong nội bộ Đảng được xem là nguyên nhân khiến ông Tập lo ngại và muốn tái xác lập quyền lãnh đạo của Đảng trong điều hành kinh tế và các lĩnh vực của đất nước.

Nhưng, chiến lược mới này của ông Tập đã tỏ ra không được thành công lắm, ít nhất là trong lĩnh vực điều hành nền kinh tế. Dù người đứng đầu chính phủ là thủ tướng Lý Khắc Cường cũng có chân trong Tiểu ban lãnh đạo trung ương về kinh tế và tài chính với vị trí phó trưởng tiểu ban, nhưng rõ ràng là nền kinh tế Trung Quốc đã xấu đi khá nhiều trong vòng 2 năm trở lại đây. Rõ ràng là Tiểu ban này không có đủ năng lực để điều hành nền kinh tế bằng chính phủ và các bộ ngành. Do tiểu ban lãnh đạo kinh tế này trực thuộc đảng, nên tiếng nói của thủ tướng Lý trong việc điều hành kinh tế không còn mang ý nghĩa quyết định như ở trong chính phủ nữa.

Đây được xem là sự nghịch lý lớn nhất trong vấn đề cải cách nền kinh tế Trung Quốc, xuất phát từ sự xung khắc về cách thức thực hiện giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất nước này, là chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong khi ông Tập muốn tập trung quyền lãnh đạo về mọi mặt vào tay đảng, thì ông Lý lại là một nhà kỹ trị điển hình muốn mở rộng các cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do, giảm sự can thiệp của đảng vào công việc điều hành nền kinh tế của chính phủ. 

Có vẻ như đang có một sự lặp lại của lịch sử tại Trung Quốc, khi sự đối lập giữa ông Tập và ông Lý đang gợi lại sự khác nhau giữa hai người tiền nhiệm đầu tiên của nước CHND Trung Hoa là Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Mao đề cao sự lãnh đạo của Đảng, còn Chu thì muốn giảm sự can thiệp của Đảng vào điều hành nền kinh tế.

Sự hình thành các Tiểu ban và Nhóm công tác này được xem như nguyên nhân chủ đạo dẫn đến việc nền kinh tế Trung Quốc sa sút trong vòng hai năm qua. Các Tiểu ban và nhóm công tác này không đủ khả năng để điều hành nền kinh tế, và nhất là quá chú tâm vào các lĩnh vực phi kinh tế như chống tham nhũng mà bê trễ và thiếu quan tâm đến nền kinh tế. Đó là lý do vì sao hàng loạt các sự cố và khủng hoảng liên quan đến kinh tế nổ ra ở Trung Quốc gần hai năm qua, điển hình như chỉ số tăng trưởng và sự cố liên quan đến TTCK.

Người ta đang tự hỏi, liệu mô hình tập trung quyền lãnh đạo và điều hành nền kinh tế vào tay đảng qua việc lập ra các Tiểu ban và Nhóm công tác, thay vì chính phủ, của ông Tập sẽ đi đến đâu. Thực tế là chẳng có quốc gia nào trên thế giới sử dụng cách quản lý này, và thậm chí là mô hình điều hành này của ông Tập đang đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản nhất của điều hành kinh tế. Trong khi ở mọi quốc gia, quyền hạn điều hành nền kinh tế của chính phủ ngày càng mở rộng và gia tăng, thì ở Trung Quốc ông Tập lại đang muốn thu hẹp nó nhất có thể. Nền kinh tế ngày càng tăng trưởng và phát triển trong khi quyền hạn điều hành của chính phủ ngày càng bị thu hẹp là điều chưa từng có trước đây.

Và một khi chưa giải quyết được nghịch lý lớn lao trong cách thức điều hành nền kinh tế này, thì dù ông Tập có làm gì đi nữa thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn không thể cải thiện một cách căn bản. Đơn giản là vì, mang một mô hình điều hành từ thời Mao cách đây nửa thế kỷ vào áp dụng ở một nền kinh tế thị trường, hiện đại và quy mô lớn như Trung Quốc hiện nay, thì sự thiếu tương thích là điều gần như chắc chắn.

Nhàn Đàm - Theo Wall Street Journey, Nghiencuuquocte, Một thế giới