Nghi vấn “quân đội Mỹ đã có mặt ở Đài Loan” từ một đoạn video

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 13/10, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cùng các quan chức quân đội đã đến thị sát Trạm Radar Lạc Sơn ở vùng núi Tân Trúc. Trong video quân đội Đài Loan công bố, một người nước ngoài “vô tình” lọt vào ống kính gây xôn xao dư luận.
Người đàn ông Mỹ xuất hiện trong video về chuyến thị sát Trạm radar Lạc Sơn của bà Thái Anh Văn hôm 13/10 gây nên đồn doand về sự có mặt của quân đội Mỹ ở Đài Loan (Ảnh: MNA).
Người đàn ông Mỹ xuất hiện trong video về chuyến thị sát Trạm radar Lạc Sơn của bà Thái Anh Văn hôm 13/10 gây nên đồn doand về sự có mặt của quân đội Mỹ ở Đài Loan (Ảnh: MNA).

Giới bình luận quốc tế cũng thi nhau đồn đoán liệu người đàn ông đó có phải của quân đội Mỹ hay không. Thông tấn xã quân sự (Quân văn xã, MNA) của Bộ Quốc phòng Đài Loan lập tức phủ nhận thông tin người đàn ông này là người của quân đội Mỹ, cho biết anh ta là kỹ sư của nhà sản xuất radar Mỹ và kêu gọi thế giới bên ngoài không nên suy đoán quá mức.

Ông Trần Quốc Minh, một chuyên gia nghiên cứu quân sự Đài Loan và là Chủ nhiệm của tạp chí Quốc phòng Toàn cầu Đài Loan, giải thích với BBC tiếng Trung, dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, các cuộc đi thăm quân đội và các hành trình liên quan khác như việc người lãnh đạo kiểm tra quân đội đều thấy người Mỹ có mặt và họ thường được yêu cầu tránh mặt.

Trần Quốc Minh cho rằng sự lộ diện của người Mỹ trong video của Bộ Quốc phòng Đài Loan khó có thể là ngoài ý muốn. Phối hợp điều này với tin tức về hoạt động của tàu khu trục USS Barry đi qua eo biển Đài Loan một lần nữa vào ngày 15/10 cho thấy ý nghĩa sâu sắc của việc “Hợp tác quân sự Đài Loan-Mỹ” ngày càng mạnh mẽ. Tàu khu trục của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong tuần này, là lần thứ mười kể từ đầu năm 2020.

Bà Thái Anh Văn thăm đơn vị phòng không ở Lạc Sơn hôm 13/10 (Ảnh: BBC).

Bà Thái Anh Văn thăm đơn vị phòng không ở Lạc Sơn hôm 13/10 (Ảnh: BBC).

Năm 2020, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. Kể từ đầu năm, Mỹ và Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc phô diễn quân sự ở bên trong và xung quanh eo biển Đài Loan. Khi quân đội Trung Quốc (PLA) liên tục vượt qua đường phân tuyến ở giữa eo biển Đài Loan, việc bà Thái Anh Văn đến thị sát trạm radar Lạc Sơn đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông ở cả trong và ngoài Đài Loan.

Trong đoạn video do Văn phòng của bà Thái Anh Văn phát hành, bài phát biểu của bà với Lực lượng Không quân Đài Loan tại Trạm radar Lạc Sơn đã đề cập rằng qua chuyến thị sát này bà đã “thấy được các bạn đã nắm chắc quỹ đạo của tên lửa trong một khoảng thời gian ngắn và khả năng phản ứng nhanh chuyên nghiệp rất đáng được ghi nhận”.

Bà nói: “Tôi rất tin tưởng rằng các bạn sẽ giành được cơ hội đầu tiên cho các đơn vị quân đội khác có nhiệm vụ đối phó và phòng thủ thành công trước các mối đe dọa từ trên không, đặc biệt là cảnh báo sớm tên lửa tầm xa”.

Tuy nhiên, quân đội Đài Loan vào cùng ngày 13/10 cũng phủ nhận rằng người đàn ông nước ngoài xuất hiện trong video có tư cách thành viên của quân đội Mỹ. Thông tấn quân sự của MNA của Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố “người Mỹ trong ảnh là đại diện chuyên môn và kỹ thuật do nhà máy sản xuất của Mỹ cử đến theo nhu cầu của phía Đài Loan để cung cấp dịch vụ bảo trì và hỗ trợ hệ thống hoạt động thông suốt nhằm đảm bảo trang bị ổn thỏa, củng cố phòng không. Đề nghị các giới đừng suy đoán quá mức”.

Hệ thống tên lửa bờ đối hạm Harpoon được Nhà Trắng đề xuất Quốc hội Mỹ phê chuẩn bán cho Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Hệ thống tên lửa bờ đối hạm Harpoon được Nhà Trắng đề xuất Quốc hội Mỹ phê chuẩn bán cho Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Đài radar Lạc Sơn là một trạm radar cảnh báo sớm tầm xa AN/FPS-115 PAVE PAWS của Mỹ, nó nằm ở độ cao hơn 2.000 mét trong vùng núi cao của huyện Tân Trúc, Đài Loan. Kể từ khi được thành lập vào năm 2013, đã có nhiều bàn tán về việc liệu trạm radar này có phải do Mỹ kiểm soát hay không. BBC nói trạm Lạc Sơn được cho là đài radar phòng không mạnh nhất Đông Á.

Thiết bị radar của trạm này được mua từ Mỹ và phía Mỹ không chia sẻ công nghệ bảo trì cốt lõi, do đó, các kỹ thuật viên của hãng chế tạo thiết bị quân sự “Raytheon Technologies” đã tới đây phụ trách, dẫn đến tin đồn cho rằng quân đội Mỹ kiểm soát các thông tin tình báo của trạm radar này.

Tuy nhiên, kể từ năm 2013, các bộ trưởng quốc phòng của Đài Loan đều nhấn mạnh rằng thông tin tình báo của trạm radar thuộc sở hữu độc quyền của Đài Loan và các nước khác có nhu cầu cần phải mua hoặc trao đổi thông tin tình báo thông qua các kênh ngoại giao.

Ông Trần Quốc Minh nói với BBC tiếng Trung, căn cứ rađa Lạc Sơn trên núi cao Tân Trúc ở Tây Bắc Đài Loan chủ yếu hướng về phía Tây Đài Loan và hướng ra eo biển Đài Loan. Nó có thể phát hiện được các tên lửa tầm ngắn do Trung Quốc đại lục phóng ra và tăng thời gian cảnh báo của quân đội Đài Loan lên hơn 7 phút, nhanh hơn cả Nhật Bản và các thông tin tình báo phát hiện được có thể trao đổi và chia sẻ với Mỹ.

Một căn cứ radar công khai khác của Đài Loan nằm ở Nghi Lan, đông bắc Đài Loan, đối diện với Thái Bình Dương ở đông và đông bắc Đài Loan. Dự kiến ​​còn có một trạm radar ở miền nam Đài Loan, nhưng nó hiện chưa được công khai. Trần Quốc Minh nói thêm: “Các căn cứ radar quan trắc về mặt chiến lược là để phòng thủ chứ không phải để tấn công”.

Năm 2013, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã chi hơn 700 triệu Đài tệ (khoảng 25 triệu USD) để quân đội Mỹ hỗ trợ hậu cần như mua sắm các linh, phụ kiện.

Báo cáo ngân sách quốc phòng của Đài Loan nêu rõ rằng để đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thống và duy trì thiết bị thích hợp, Không quân Đài Loan sẽ thực hiện 67 hạng mục bảo trì đơn vị, trong khi Mỹ chịu trách nhiệm bảo trì cấp nhà máy của toàn bộ hệ thống.

Các quan chức Đài Loan nhấn mạnh trong báo cáo rằng sau khi hệ thống cảnh báo sớm radar Lạc Sơn được xây dựng, khi Đài Loan bị tên lửa tấn công nó có thể giành thêm thời gian phản ứng ít nhất 5 phút, tăng khả năng ứng phó, tồn tại và phòng tránh. Báo cáo cũng cho biết họ sẽ cố gắng giành được chuyển giao công nghệ từ công ty sản xuất radar Raytheon và hạ thấp chi phí bảo trì và hỗ trợ hậu cần trong tương lai.

Vấn đề này cũng gây ra các cuộc thảo luận về có hay không sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đài Loan. Trên thực tế, vào năm 2019, khi quan hệ Mỹ-Đài đang dần ấm lên, Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) lần đầu tiên công nhận rằng kể từ năm 2005, các quân nhân Mỹ đã đóng quân trong trụ sở AIT, trong đó bao gồm cả các sĩ quan tại ngũ của Lực lượng Thủy quân lục chiến.

Trụ sở Hiệp hội Mỹ (AIT) tại Đài Bắc, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã có mặt tại đây (Ảnh: AFP).

Trụ sở Hiệp hội Mỹ (AIT) tại Đài Bắc, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã có mặt tại đây (Ảnh: AFP).

Lịch sử của lính Mỹ đóng tại Đài Loan bắt đầu từ năm 1949 sau “Nội chiến Quốc Cộng”, Quốc dân đảng rút ra Đài Loan và Mỹ đưa quân đến Đài Loan. Trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam sau đó, Mỹ cũng sử dụng các căn cứ quân sự của họ tại Đài Loan để tiếp tế và đảm bảo hậu cần.

Năm 1979, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Mỹ cũng tuyên bố hủy bỏ “Hiệp ước Phòng thủ chung”. Vào tháng 4/1979, Bộ Tư lệnh hiệp phòng Mỹ và Đoàn cố vấn bị giải thể. Người lính Mỹ cuối cùng rời Đài Loan vào ngày 3/5/1979, Quân đội Mỹ chấm dứt các hoạt động chính thức của họ tại Đài Loan. Ngày 1/1/1980, “Hiệp ước phòng thủ chung” bị chấm dứt.

Năm 2016, quan hệ Mỹ - Đài Loan dần dần ấm lên sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Đài Loan và Mỹ đã có nhiều tiến triển trong các vụ mua bán vũ khí và ngoại giao. Năm 2020 được coi là năm tốt đẹp nhất trong quan hệ Mỹ - Đài Loan và Mỹ đã nhiều lần chấp thuận việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Hãng Reuters trong tuần này đưa tin, Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ rằng Nhà Trắng sẽ bán UAV MQ-9 và tên lửa bờ chống hạm Harpoon do Boeing sản xuất cho Đài Loan. Làn sóng mua bán vũ khí mới được cho là sẽ khơi dậy sự chỉ trích và các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh.