Ngân hàng sẽ khó thẩm định doanh nghiệp hơn

Nhiều vụ tranh chấp đến khi được xử lý mới phát hiện có sự khuất tất, gian dối trong hồ sơ vay vốn.
Ngân hàng sẽ khó thẩm định doanh nghiệp hơn

Tự “mò” thông tin bên vay

Từ 1/7/2015, Luật DN 2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Mặc dù giới chuyên môn đánh giá luật này là một trong những đột phá về thể chế, tuy nhiên có khá nhiều quy định mới trong văn bản này sẽ tác động đáng kể đến việc cho vay và nhận tài sản bảo đảm của các NH.

Theo những quy định mới tại Điều 29 của Luật DN 2014, bắt đầu từ 1/7, Giấy chứng nhận đăng ký DN được rút gọn chỉ còn 4 nội dung chính là tên, địa chỉ, thông tin người đại diện theo pháp luật và vốn điều lệ. Các thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN không còn được thể hiện.

Chính vì các thông tin về ngành nghề kinh doanh không còn được thể hiện nên khi cho vay, để tìm hiểu xem liệu dự án đầu tư và phương án sản xuất, kinh doanh của bên vay có phù hợp với hoạt động kinh doanh đã được đăng ký trước đó hay không, nên các TCTD sẽ phải tự mình tra cứu.

Có hai cách để tra cứu: thứ nhất là yêu cầu DN cung cấp thông tin này, thứ hai là trả phí để đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN. Cách thứ nhất rõ ràng rủi ro nhiều hơn vì đương nhiên DN muốn vay vốn có thể cung cấp thông tin sai lệch. Vì thế các TCTD sẽ chọn cách thứ hai, điều này đồng nghĩa với việc các NH khi cho vay sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí tra cứu thông tin, chưa kể không phải lúc nào hệ thống thanh toán phí và cung cấp thông tin qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN cũng hoạt động trơn tru. Nếu có sự cố về kỹ thuật, không thể tra cứu được thông tin DN thì tiến độ thẩm định khoản vay của các NH sẽ bị ách lại.

Các quy định về người đại diện theo pháp luật và con dấu của DN được thể hiện tại các Điều 13 và 44 của Luật DN mới cũng khiến các TCTD khi xem xét cho vay sẽ phải tự mình tra cứu thông tin để đảm bảo cấp vốn đúng người đúng việc. Cụ thể, nếu trước đây, mỗi DN chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật thì bắt đầu từ 1/7, DN có thể có nhiều người đại diện. Vì thế khi cho vay, các TCTD sẽ phải tự tìm hiểu xem, theo điều lệ của DN vay vốn thì người đại diện đang giao dịch với mình có quyền, nghĩa vụ thế nào và phạm vi đại diện của họ có thể vay được bao nhiêu để tránh trường hợp xác lập hợp đồng vay vượt quá phạm vi đại diện của lãnh đạo DN.

Tương tự đối với các quy định về con dấu. Theo Điều 44 Luật DN 2014 thì DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của mình và chỉ phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Chính vì vậy, để xác định xem con dấu đóng trên hợp đồng vay vốn có phải là của bên vay hay không và hệ quả pháp lý của việc đóng dấu như thế nào thì các NH trước khi ký hợp đồng cấp vốn phải tự mình tra cứu điều lệ của bên vay và tìm hiểu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN hay tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xem xét hồ sơ pháp lý của bên vay.

Xiết cửa vay bằng tài sản bên thứ ba

Theo Luật sư Bùi Đức Giang (Công ty Luật Audier and Partners Vietnam LLC) tại các Điều 72 và 161 của Luật DN 2014, việc khởi kiện trách nhiệm dân sự của người quản lý DN được chính thức luật hóa. Theo đó, người lao động trong DN có thể tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với các cá nhân quản lý như giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên khi các cá nhân này có hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến lợi ích của DN. Việc luật hóa điều khoản khởi kiện trách nhiệm dân sự này tất nhiên sẽ tăng thêm quyền dân chủ trong DN và tăng tính trách nhiệm của các cá nhân quản lý.

Tuy nhiên hệ quả dễ thấy là các cá nhân quản lý công ty sẽ do dự trong các quyết định liên quan đến vay vốn có thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba. Các giám đốc, tổng giám đốc công ty vì lường trước nguy cơ bị khởi kiện sẽ chỉ ký hợp đồng dùng tài sản của công ty để bảo đảm cho các khoản vay của cá nhân, tổ chức khác khi mà các thành viên hay cổ đông công ty chấp thuận và ra nghị quyết đồng ý hợp đồng này. Chính việc do dự này sẽ khiến cho chế định cho vay bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba vốn khá phổ biến trên thế giới sẽ trở nên khó thực hiện trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy rằng, thời gian qua các hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba thường bị cơ quan thi hành án vô hiệu hóa khi có tranh chấp và các NHTM khởi kiện ra tòa. Nhiều vụ tranh chấp đến khi được xử lý mới phát hiện có sự khuất tất, gian dối trong hồ sơ vay vốn mà nguyên nhân thường đến từ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của những cá nhân quản lý DN. Chính vì vậy việc xiết lại hoạt động bảo lãnh vay vốn ngay trong Luật DN góp phần tạo ra sự minh bạch đối với các khoản vay, tạo cơ sở cho các TCTD lường tránh các nguy cơ rủi ro khi cấp vốn.

Tuy nhiên, những quy định chặt chẽ này cũng sẽ tạo ra hàng rào ngăn trở các hoạt động gia tăng đầu tư của DN vào các phân mảng kinh doanh. Nguồn vốn tín dụng có nguy cơ bị hạn chế khi đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn DN lớn.

Theo TBNH