Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vừa có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH về việc niêm yết cổ phiếu của các NH TMCP. Theo đó, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các NH TMCP đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên TTCK.
Đồng thời, các NHNN tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các đơn vị trên địa bàn, kịp thời báo cáo và đề xuất Thống đốc các biện pháp, để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD theo chủ trương trên.
Trước đó, cuối năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và NHNN cũng đã hối thúc các NH cổ phần đại chúng lên sàn để tăng cường kiểm soát và hạn chế dần tình trạng sở hữu chéo. Đến tháng 7/2014, NHNN và UBCK nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, yêu cầu tất cả NHTM phải niêm yết.
Sở dĩ, NHNN quyết liệt yêu cầu các NH TMCP phải niêm yết sớm vì thời gian qua hệ thống NH bị lũng đoạn do sở hữu chéo, gây ra hàng loạt bê bối trong giới NH.
Hiện có 9 NH đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán, gồm các NH lớn mà cổ đông nhà nước nắm vai trò chi phối là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, một số NH TMCP lớn như ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB, và một ngân hàng nhỏ vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng là Ngân hàng TMCP Quốc dân (Navibank).
Tổng giá trị niêm yết cổ phiếu của các NH này vào khoảng 134.000 tỷ đồng. Nếu 26 NH còn lại lên sàn thì giá trị niêm yết sẽ tăng thêm khoảng 150.000 tỷ đồng.
Nhiều NH đã lên kế hoạch niêm yết nhưng vì nhiều lý do đã trì hoãn. Theo giải thích của lãnh đạo các NH, niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh hiện nay là bất lợi, cổ phiếu có thanh khoản thấp trong khi thị giá ở mức thấp, không thu hút được các nhà đầu tư. Mặt khác, quá trình sáp nhập sắp tới đang chuẩn bị diễn ra nên nhiều NH có tâm lý trì hoãn đợi sáp nhập sẽ tăng vốn, cải thiện hình ảnh...
Thực tế, ngành NH đã có nhiều năm kinh doanh không khả quan, tỷ suất lợi nhuận không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Mặt khác, trên sàn đã dư thừa cổ phiếu của một số NH kinh doanh tốt, nên các NH niêm yết sau khó có khả năng cạnh tranh.
Trong số các NH có kế hoạch niêm yết cách đây vài năm có Southern Bank, NamA Bank, HDBank. Nam A Bank dự kiến thời gian niêm yết chậm nhất là tháng 6/2015. Lãnh đạo SCB cho biết, SCB sẽ gọi vốn ngoại, nâng cao năng lực tài chính, trước khi sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Vì thế, đánh giá về khả năng niêm yết của một số NH trong năm nay, nhiều chuyên gia ngân hàng - tài chính nhận định, năm nay hệ thống NH sẽ có nhiều sự xáo trộn nhất định, vì vậy, việc niêm yết nếu có cũng phải bắt đầu từ năm sau.
Theo DNSG