Theo đó, hàng năm, các tổ chức tín dụng nhà nước - gồm các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ - phải có trách nhiệm duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước.
Các tổ chức tín dụng nhà nước bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt không phải thực hiện quy định này.
Theo quy định của thông tư 41/2015/TT-NHNN, số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam bao gồm: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, các hình thức nhận tiền gửi khác của cá nhân, tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); phát hành trái phiếu để huy động vốn từ cá nhân, tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Việc duy trì tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các tổ chức tín dụng thực hiện theo hình thức hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và các phụ lục hợp đồng được ký giữa tổ chức tín dụng nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước ngày 15/1 hằng năm, các tổ chức tín dụng nhà nước gửi biểu số dư nguồn vốn huy động và lãi suất huy động đối với từng kỳ hạn bằng đồng Việt Nam và biểu xác định số dư tiền gửi trong năm cho NHNN và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chậm nhất ngày 15/2 hằng năm, các tổ chức tín dụng nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo kết quả việc duy trì số dư tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội cho NHNN.
Lãi suất tiền gửi của khoản vốn này tại Ngân hàng Chính sách Xã hội được xác định bằng phí huy động vốn cộng với lãi suất huy động bằng VND bình quân chung của các tổ chức tín dụng nhà nước.
Quốc Dũng