Nga và “chiếc bẫy” tại chiến trường Syria

Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria mặc dù không gây sốc như việc nhanh chóng sáp nhập Crimea, nhưng đã gây sửng sốt. Và liệu khả năng gây ngạc nhiên và phóng chiếu sức mạnh của Nga tại Syria mà phương Tây cố “dìm hàng” có chính xác?
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tác chiến chống khủng bố tại Syria
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tác chiến chống khủng bố tại Syria

Trên thực tế, tháng đầu của chiến dịch cho người ta biết rất ít về năng lực quân sự của Nga. Nó cho thấy rằng, lãnh đạo Nga đã chuẩn bị dùng công cụ quân sự để thực thi chính sách vượt quá giới hạn nguy hiểm có thể chấp nhận đối với các chính khách phương Tây. Chưa rõ quân đội Nga có cáng đáng nổi nhiệm vụ. Có rất nhiều thảm họa tiềm tàng trên chiến trường Syria và quân đội Nga sẽ không tránh khỏi vấp váp nếu họ tiếp tục dấn thân.

Khi nền chính trị Nga “hiện đại hóa”, quá trình hiện đại hóa thực sự chỉ diễn ra trong các lực lượng vũ trang. Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov đã phát động chương trình cải cách quân đội Nga chỉ vài tháng sau cuộc chiến tháng 8/208 với Georgia. Ông bị thay thế vào tháng 11/2012 bởi Sergei Shoigu, người đã sửa chữa một số sai lầm trong kế hoạch cải cách và còn thay đổi tập trung vào công tác huấn luyện.

Tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt của lực lượng đặc nhiệm Nga đã giúp có thể thực hiện thành công chiến dịch kiểm soát bán đảo Crimea tháng 3/2014. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực trọng yếu của cỗ máy quân sự vẫn đang trong quá trình cải tổ và chưa được hiện đại hóa.

Những cải cách không bao giờ không có đau đớn và lực lượng không đã phải chịu tổn thất nặng nhất do cắt giảm và tổ chức lại. Quyết định giải thể các trung đoàn và sư đoàn không quân truyền thống, cũng như tổ chức lại các căn cứ không quân lớn đã tạo ra tình huống các chiến đấu cơ thuộc hàng chục loại và phiên bản khác nhau gặp khó khăn trong hệ thống hậu cần, bảo dưỡng.

Cải cách cũng làm gián đoạn nghiêm trọng việc đào tạo trình độ cao, cho nên có rất ít phi công và kỹ sư mới tốt nghiệp. Hậu quả là một cơn ác mộng về tổ chức và hậu cần dẫn tới một loạt các vụ rơi máy bay trong mùa hè vừa qua, bao gồm việc mất hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS. Vụ tai nạn mới nhất được ghi nhận là tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 bị rơi tại Kamchatka.

Nga đang ồ ạt trang bị mới nhằm bù đắp lại những xáo trộn gây ra bởi quá trình cải cách, hiện đại hóa quân đội. Không quân Nga được cam kết trang bị 350 chiến đấu cơ mới và 1.000 trực thăng vào năm 2020. Nhưng kinh tế Nga suy thoái khiến kế hoạch mua sắm các máy bay trên phải xem xét lại. Đơn hàng sản xuất chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 T-50 (PAK-FA) đã bị cắt giảm từ 50 xuống còn 12 chiếc với thời hạn chuyển giao chưa xác định. Việc tăng cường đội máy bay vận tải cũng bị hủy bỏ do việc đổ vỡ quan hệ hợp tác với phòng thiết kế Antonov tại Ukraine. 

Việc thực thi một sự can thiệp có giới hạn vào cuộc nội chiến Syria không gây thách thức quá lớn với Nga. Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria chỉ có thể khả thi do có được kinh nghiệm trong “cuộc chiến tranh lai” tại Đông Ukraine và hầu như không sử dụng đến không quân. Moscow tìm cách sử dụng năng lực rảnh rỗi này để phô diễn  khả năng trên khu vực Baltic. Chiến trường Syria có vẻ là một lựa chọn dễ dàng hơn và Nga đã triển khai một trung đoàn không quân tại căn cứ không quân Hmeymym tại Latakia.

Thành phần của trung đoàn với một phi đội máy bay ném bom hạng nhẹ Su-25SM và một phi đội trực thăng tấn công Mi-24 rất phù hợp cho hoạt động yểm trợ không quân. Duy trì chiến dịch không kích ở cường độ hiện tại có thể không quá tốn kém (Nga ước tính chiến dịch quân sự tốn 2,5 triệu USD/ngày, so với 9 triệu USD/ngày Mỹ chi cho các chuyến không kích chống IS).

Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị xuất kích chống khủng bố tại Syria
Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên máy bay chuẩn bị xuất kích chống khủng bố tại Syria

Tuy nhiên leo thang chiến dịch với Nga sẽ khó khăn bởi ít có lựa chọn sức mạnh khác khả thi. Đòn đánh tên lửa hành trình tầm xa của Hạm đội Caspian vào dịp sinh nhật Tổng thống Vladimir Putin cực kỳ giật gân, nhưng gây quan ngại sâu sắc đối với Kazakhstan và Azerbaijan và do thế không thể lặp lại.

Mở rộng quy mô chiến dịch quân sự sẽ rất khó khăn về mặt hậu cần. Hải quân Nga đã phải thuê và mua 8 tàu vận tải thương mại để vận chuyển trang thiết bị, đạn dược đảm bảo duy trì cường độ máy bay xuất kích 50 lần/ngày. Tàu sân bay duy nhất, Đô đốc Kuznetsov vẫn đang sửa chữa và hải quân Nga chỉ có thể mơ chế tạo một tàu đổ bộ tấn công so sánh được với tàu Mistral mà Pháp đã từ chối bán cho Nga.

Kế hoạch của chính quyền Nga rõ ràng là sử dụng thắng lợi trên chiến trường để thương lượng kết thúc nội chiến Syria trên thế mạnh. Nhưng có vẻ mới chỉ đạt được thành công nhỏ. IS và các nhóm phiến quân đối lập bắt đầu phản công và việc khiến cho rất nhiều phe phái ngồi thương lượng với nhau dường như khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu như đàm phán thất bại, sẽ khó cho lãnh đạo Nga tìm cơ hội tuyên bố chiến thẳng và đưa quân trở về nhà.

Nhưng duy trì phiêu lưu quân sự cũng có nghĩa rủi ro tăng cao và ông Putin sẽ không tiêu hóa được thực tế này. Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục suy trầm, ông cần những chiến thắng mới để lãnh đạo đất nước được hiệu triệu xung quanh một nghị trình yêu nước.

* Lược dịch bài viết của giáo sư Pavel K. Baev tại Viện nghiên cứu Hòa bình

Theo QPAN