Ngày 15/11, Bộ quốc phòng Nga đã công bố một số video ca ngợi chiến dịch hải quân của nước này ở Địa Trung Hải được triển khai Syria để ủng hộ tổng thống Bashar Assad.
Các tên lửa hành trình đã được bắn từ tàu khu trục đánh vào các mục tiêu thành phố Aleppo của Syria. Các đoạn video cũng cho thấy hình ảnh về những cuộc triển khai của tàu sân bay duy nhất của Nga - Đô đốc Kuznetsov.
Nhưng các chuyên gia phương Tây bỉ bai rằng cuộc phô diễn lực lượng hải quân này của Mátxcơva có vẻ là hào nhoáng nhưng không giúp ích gì nhiều cho việc hoàn thành các mục tiêu quân sự của Nga cả.
“Hành động này chủ yếu là để phô diễn sức mạnh”, Dmitry Gorenburg, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Davis nghiên cứu về Nga và Âu-Á của Havard đã phát biểu với Business Insider.
Theo ông Gorenburg, việc điều một tàu sân bay, một tàu tuần dương chạy bằng hạt nhân, hai khu trục hạm, một tàu chở dầu và tàu hậu cần đi kèm tàu sân bay trong trường hợp có sự cố “không giúp gì thêm” cho khả năng quân sự của Nga ở Syria nhưng thay vào đó là nhằm mục đích “thu hút sự chú ý của mọi người”.
“Đó là một nỗ lực trong vài năm trở lại đây để phô trương rằng Nga có sức mạnh tương đương với Mỹ. Một ví dụ nổi bật là các cuộc tấn công của tên lửa hành trình từ Biển Caspian để phô trương khả năng của tên lửa hành trình của Nga”, chuyên gia Gorenburg nhận xét.
Và do đó, việc triển khai đợt tác chiến viễn dương đầu tiên của tàu sân bay Kuznetsov ở nước ngoài thể hiện một nỗ lực nữa nhằm bắt chước sức mạnh quân sự của Mỹ. “Họ chỉ có một tàu sân bay và nó hay gặp vấn đề”, ông Gorenburg nói về tàu Đô đốc Kuznetsov từng hải hành khoảng 3.000 dặm trở lại Nga sau khi bị hỏng ở gần Pháp và Tây Ban Nha năm 2012.
Ông Gorenburg chỉ ra rằng tàu Kuznetsov đến Syria, mang theo một loại máy bay mới là chiến đấu cơ MiG-29K. Nhưng các biến thể hải quân của dạng máy bay này phù hợp với loại nhiệm vụ tấn công cần thiết ở Syria vẫn chưa được sử dụng trong chiến đấu. Ngoài ra, một trong số các máy bay MiG-29K đã bị rơi khi đang trên đường quay trở về tàu sân bay.
Theo chuyên gia Gorenburg, việc Nga triển khai cụm tác chiến hải quân tới Syria một phần có thể coi như là một cơ hội bán hàng vì Nga cũng hy vọng xuất khẩu tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu của mình. “Nga đã sử dụng cuộc xung đột Syria để phô diễn sức mạnh và tính năng các loại vũ khí cho các khách hàng”, ông Gorenburg nói.
Tuy nhiên, Gorenbur đánh giá mục đích thật sự đằng sau việc triển khai cụm tác chiến tàu sân bay Nga “phần nhiều là để thể hiện cho NATO và Mỹ thấy rằng họ có khả năng và NATO và Mỹ phải ghi nhớ điều này”.
Đại úy Jeff Davis, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã nhắc lại những đánh giá của chuyên gia Gorenburg với tờ Washington Examiner rằng cụm tác chiến hải quân Nga không mang lại nhiều động lực cho lực lượng Nga đã hiện diện ở Syria.
“Từ quan điểm quân sự thuần túy, Nga đã có những khả năng đáng gờm bên trong Syria. Họ sẵn có hàng chục chiến đấu cơ ở đây”, ông Davis cho hay.