Các cuộc chiến tranh ngăn chặn chẳng phải là điều mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Nhiều học giả Nga cho rằng Chiến tranh thế giới I là do Đức khởi xướng nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghiệp của Nga vì cho rằng sự phát triển này thách thức kế hoạch thống trị châu Âu của Đức. Cho dù lập luận ngăn chặn có giá trị lý giải Thế chiến I hay không thì nó cũng có thể được sử dụng để lý giải nguồn gốc của chiến tranh.
Một ví dụ điển hình về chiến tranh ngăn chặn là cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 với mục tiêu ngăn chặn Saddam không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (hạt nhân). Chiến tranh ngăn chặn rõ ràng đã trở thành công cụ được ưa thích trong tay các nhà cầm quyền Washington tiến hành các nhiệm vụ ở Iraq, Libya và Syria.
Nhưng liệu các cuộc chiến tranh ngăn chặn có tác dụng với Nga và Trung Quốc hay không? Vì cả hai nước này đều sở hữu vũ khí hạt nhân và có thể tự bảo vệ mình. Hai nước đều có các công cụ răn đe và sẽ ngăn chặn các nỗ lực gây chiến chống lại mình. Điều này là sự thật, tuy nhiên chỉ là sự thật cho đến thời điểm này.
Theo tình hình địa chính trị hiện nay, Trung Quốc đã gần như kiến tạo một cực kinh tế mới và Mỹ nhận thấy mình đang ngày càng trở thành nước có tầm quan trọng đứng thứ hai, và thậm chí là thứ ba trong sự phát triển kinh tế Á-Âu. Mỹ không thích đứng ở vị trí thứ hai và sẽ không dễ dàng chấp nhận hiện thực này, Unz Review đánh giá.
Nhưng với Mỹ, nước luôn đề cao chủ nghĩa ngoại lệ và chính sách đối ngoại hiện nay hoàn toàn dựa vào sức mạnh quân sự, sự trỗi dậy của một đối thủ quân sự ngang hàng là không thể chấp nhận được. Trong khi Trung Quốc là một người khổng lồ về kinh tế, nước này vẫn còn thua xa Mỹ về quân sự. Tuy nhiên Nga lại hoàn toàn ngược lại. Để hiểu hơn cần nhìn vào sự phát triển học thuyết và công nghệ ở Mỹ và Nga.
Học thuyết quân sự và quan điểm quân sự của Nga rõ ràng thiên về phòng thủ. Nga coi việc triển khai sức mạnh chỉ đứng thứ hai, nếu không nói là thứ yếu so với việc bảo vệ Nga và quy mô địa lý rộng lớn của nước này hiện vẫn chiếm tới 80-85% diện tích các nước Liên Xô cũ. Điều này lại hoàn toàn ngược với Mỹ, một cường quốc viễn chinh hùng mạnh và luôn tìm cách tham chiến kể cả không ở trên lãnh thổ nước mình, và tất nhiên người dân và giới lãnh đạo Mỹ không phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cuộc chiến này.
Tác giả J.Alexander trong cuốn “Quyết sách trong việc mua sắm vũ khí của Liên Xô” đã đưa ra định lượng các tầng lớp lực lượng gây ảnh hưởng lên chi tiêu quốc phòng tổng hợp của Liên Xô. Số lượng này vẫn không đổi với nước Nga hiện nay. Theo Alexander, hai trong số các hằng số ông đề cập là “lịch sử và văn hóa, giá trị chiếm 40,50%. Môi trường quốc tế, các mối đe dọa và các khả năng đối nội chiếm từ 10-30%”.
Như vậy lớn nhất người ta thấy 80% chi tiêu quân sự của Nga là nhằm đối phó các mối đe dọa quân sự thực tế, điều này đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, và dẫn đến tổn thất về người và của trên quy mô lớn không thể hiểu nổi với những người viết học thuyết quân sự và chiến lược an ninh quốc gia Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với các nhà chiến lược theo chủ nghĩa tân bảo thủ, những người hiểu biết mơ hồ về bản chất và áp dụng quân sự, cho rằng chiến tranh viễn chinh không đưa ra một cái nhìn phù hợp với các vấn đề quốc phòng thực sự. Một đất nước từng chịu tổn thất về nhân mạng tới 40-45 triệu người từ Thế chiến I, Nội chiến đến Thế chiến II như Nga sẽ không cố lặp lại những thử thách này. Thậm chí cả Richard Pipes, một người ghét Nga, cũng đã buộc phải thừa nhận rằng:
“Những con số này dựa trên cách nhìn của đa phần người Mỹ. Tuy nhiên rõ ràng một nước phải xác định được “tổn thất không thể chấp nhận được” khác với Mỹ, nước không biết tới nạn đói hay sự thanh trừng, nước có con số người chết trong chiến tranh từ năm 1775 đến nay ước tính chỉ hoảng 650.000, con số này còn nhỏ hơn những gì nước Nga phải chịu trong cuộc bao vây Leningrad kéo dài 900 ngày trong Thế chiến II. Một đất nước như Nga có xu hướng đánh giá vai trò của phòng thủ theo góc độ hiện thực hơn”.
Theo quan điểm khác, Mỹ thiếu các áp lực địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế và công nghệ để phát triển, có học thuyết phòng thủ quân sự rất nhất quán cùng đầy đủ vũ khí để triển khai học thuyết này. Theo Michael Lind, “khả năng bị đánh bại về quân sự và bị xâm lược thường không được bàn tới ở Anh và Mỹ. Mỹ nếu không tính trận Trân Châu Cảng thì chưa từng phải chịu một cuộc xâm lược lớn nào từ năm 1812, còn Anh cho dù bị ném bom trong thế kỷ XX đã không phải chịu xâm lược trong một thời gian rất dài. Do đó, lãnh đạo các nước này không thể tách biệt chính sách đối ngoại với kinh tế.”
Ngược lại theo Unz Review, Nga sống dưới áp lực liên tục và trên thực tế nước Nga được hình thành qua chiến tranh. Và người ta có thể xem xét một các lý do chính hình thành xu hướng chống Nga ở nước Mỹ, đặc biệt là từ sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014.
Thứ nhất, cộng đồng chuyên gia và các nhà phân tích phương Tây đã thất bại trong việc đánh giá tiềm năng kinh tế và quân sự của Nga. Vấn đề ở đây không phải là Nga mà là cách nhìn của phương Tây về Nga, cách nhìn này ba năm trước hoàn toàn xa rời thực trạng kinh tế ở Nga. Mỹ không thể thực sự xác định tình trạng này chỉ dựa trên các chỉ số kinh tế vô nghĩa ở phố Wall.
Do đó các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây lên Nga đã hoàn toàn thất bại một cách đáng xấu hổ. Phương Tây cũng nhận ra rằng nền kinh tế Nga cũng tương đương với nền kinh tế của Đức, thậm chí còn có thể lớn hơn và Nga đã tự định vị mình về khía cạnh công nghệ, vị trí và sản xuất từ lâu trước khi nước này buộc phải tham chiến ở Georgia năm 2008.
Rất ít người thực sự quan tâm về thị trường chứng khoán của Nga, các thị trường tài chính của Đức có thể lớn hơn, nhưng nước Đức không thể thiết kế, chế tạo một máy bay chiến đấu từ con số không, trong khi Nga lại hoàn toàn có thể. Đức không có ngành công nghiệp vũ trụ, nhưng Nga lại rất mạnh trong lĩnh vực này. Tương tự ngành công nghiệp vi điện tử và các tổ hợp công nghệ- quân sự của Nga cũng là thế mạnh không nước nào so sánh được, trừ Mỹ và Trung Quốc.
Theo Unz Review, các nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới không sản xuất các loại vũ khí như tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp Borey hoặc máy bay chiến đấu SU-35, các nước này cũng không xây dựng các trạm không gian và vận hành các hệ thống duy nhất trên toàn cầu thay thế cho GPS của Mỹ hay GLONASS của Nga.
Liệu phương Tây có học được bài học này hay không khi đến nay, người dân Mỹ vẫn hoan nghênh việc Mỹ không phát triển công nghệ và tập trung vào một nền kinh tế hậu công nghiệp không hiệu quả và có phần mơ hồ.
Nền kinh tế của Nga cũng không phải là không có những vấn đề. Nước này vẫn cố thoát khỏi cái bóng của những năm 1990 và đang cố tìm một con đường khác thoát khỏi hệ tư tưởng của các nhà cải cách trẻ của Nga, những người vẫn thống trị quá trình hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, nền kinh tế này có vẻ vẫn bị bỏ lại phía sau này lại là nền kinh tế duy nhất trên thế giới có thể sản xuất ra tất cả các loại vũ khí từ nhỏ gọn đến hiện đại phức tạp. Không có nước nào ngoài Mỹ và Nga có thể sản xuất và sở hữu các công nghệ quân sự tiên tiến đạt đến trình độ tối tân như vậy.
Mỹ đã nhận ra điều này và không thể chế nhạo Nga được nữa. Hiện nay, hải quân Mỹ đang rất cần nâng cấp khả năng răn đe hạt nhân, cụ thể là các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio, tàu ngầm Lousiana đã 20 năm tuổi. Việc thay thế các tàu ngầm lớp Ohio bằng các tàu ngầm lớp Columbia dự định sẽ được đưa vào sản xuất vào năm 2021 nếu quá trình nghiên cứu và phát triển diễn ra thuận lợi.
(còn tiếp)