Nga thử “hung thần” pháo phản lực Tornador–S trên chiến trường Syria

VietTimes -- Trong buổi họp tổng kết năm 2017, ông Vladimir Lepin, tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và chế tạo vũ khí Tula "Splav", đơn vị phát triển các loại pháo phản lực (MLRS) Nga cho biết: Tổ hợp pháo phản lực thế hệ mới "Tornado-S" đã thử nghiệm thực chiến tại Syria, được xác định có kết quả rất tốt.
Tổ hợp pháo phản lực Tornador - S, ảnh Arms.ru
Tổ hợp pháo phản lực Tornador - S, ảnh Arms.ru

Công ty Nghiên cứu và chế tạo vũ khí Tula “Splav” phát triển tổ hợp pháo phản lực “Tornado –S” nhằm thay thế tổ hợp pháo phản lực đa nòng 300 mm "Smerch" nguyên mẫu năm 1987. "Tornado" là phiên bản hiện đại hóa sâu của "Smerch". Bên ngoài, tổ hợp pháo phản lực trên thân xe KamAZ - 63501 bốn cầu không có gì thay đổi, nhưng các hệ thống trong tổ hợp pháo phản lực danh tiếng này mới hoàn toàn.

Pháo phản lực Tornador – S được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực, liên kết với hệ thống dẫn đường vệ tinh GLONASS và máy tính đường đạn công nghệ số.

Trước đây, để tính toán phần tử bắn và quỹ đạo đường đạn cho "Smerch", trong khẩu đội có xe điều khiển hỏa lực “Kapustnik – bắp cải”, trong xe được lắp đặt đầy ắp hệ thống máy tính đường đạn, nằm trong biên chế của sở chỉ huy lữ đoàn pháo binh.

Sau khi nhận được phần tử bắn, các trắc thủ pháo binh lại hoạt động như từ thời kỳ Chiến trang Vệ quốc, sử dụng tay quay thủ công để nạp phần tử bắn cho tổ hợp pháo phản lực.

Các trắc thủ pháo phản lực Tornador – S trong chiến đấu không cần thiết phải rời khỏi buồng lái xe phóng. Tất cả các tính toán quỹ đạo đường đạn được thực hiện bằng máy tính đường đạn trên xe. Kết quả nhận được hiển thị trên màn hình máy tính và đặt các thông số phóng đạn cho hệ thống phóng (góc tầm, hướng) được thực hiện bởi các mô tơ điện.

Hơn thế nữa, tổ hợp pháo phản lực Tornador – S có thể hoạt động hoàn toàn tự động, nhận thông tin mục tiêu từ sở chỉ huy hoặc từ máy bay không người lái.

Để đáp ứng kịp thời với quá trình hiện đại hóa quân đội, quả đạn đầu tiên của tổ hợp mang theo một máy bay không người lái chỉ thị mục tiêu, có khả năng bay liên tục trong vòng 20 phút trên mục tiêu và truyền tải kết quả bắn về sở chỉ huy và xe phóng đạn.

Các rockets của Tornador – S có loại đạn thông thường và có loại đạn có điều khiển, có tầm bắn xa đến 120 km. Trong tương lai, tầm bắn của đạn phản lực 300 mm có thể được mở rộng đến 200 km và đây cũng không phải là giới hạn cuối cùng.

"Tornado" – là thế hệ pháo phản lực bắn loạt (MLRS) mới của quân đội Nga, được phát triển thay thế cho các tổ hợp pháo phản lực Liên Xô cũ là "Grad" và "Smerch". Trong đó, tổ hợp pháo phản lực Tornado-G được đưa vào biên chế cho quân đội Nga năm 2012, thay thế cho tổ hợp pháo phản lực Grad 122mm, Tornador – G được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực thông minh và các tên lửa thông thường, tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao, có tầm bắn đến 100 km.

Theo phát biểu của ông Mikhail Matveyevsky, tư lệnh trưởng binh chủng pháo binh – tên lửa mặt đất, năm 2017, các lữ đoàn pháo binh thuộc quân khu phía Tây Liên bang Nga bắt đầu được trang bị các tổ hợp tên lửa thế hệ mới. Đến năm 2020, tất cả các đơn vị pháo phản lực Nga sẽ được thay thế bằng lớp pháo phản lực Tornador.

Không có thông tin chính xác về việc, tổ hợp Tornador – S đã được thử nghiệm trên chiến trường nào, nhưng theo một số bức ảnh chụp được thì có thể Tornador – S đã được sử dụng thử nghiệm chung với tổ hợp pháo phản lực "Smerch" BM-30 trên địa bàn thị trấn Kfar Zita và al-Tah miền bắc tỉnh Hama và trên chiến trường sa mạc phía đông tỉnh Homs.

Nga thử “hung thần” pháo phản lực Tornador–S trên chiến trường Syria ảnh 1Một tổ hợp pháo phản lực, có thể là Smerch BM-30 hoặc Tornador - S, do các quân nhân Nga nạp đạn trên chiến trường Hama - ảnh bellingcat
Nga thử “hung thần” pháo phản lực Tornador–S trên chiến trường Syria ảnh 2Một tổ hợp pháo phản lực, có thể là Smerch BM-30 hoặc Tornador - S đang khai hỏa trên chiến trường Hama - Syria. ảnh bellingcat
Tổ hợp pháo phản lực Tornador bắn thử nghiệm - video  varbut.com

TTB