Tác giả Joshua Krause phân tích trên The Daily Sheeple rằng chính phủ Iraq đang trải qua một sự chuyển pha khó xử trong chính sách đối ngoại. Họ hiện đang được cả Mỹ và liên minh Nga-Iran hậu thuẫn.
Đã có thông tin về việc hai tướng Nga thường trú tại một trung tâm tình báo tại Baghdad, và các cố vấn Iran đang trực tiếp giúp quân đội Iraq chiến đấu chống IS. Giới chức Iraq thậm chí còn nói rằng họ hoan nghênh Nga tiến hành không kích tại nước này và họ muốn có một “liên minh quân sự hùng mạnh” với Nga, Iran và Syria.
Mỹ đã tiếp nhận thông tin trên không hay lắm. Thực tế, Mỹ mới đây đã ra một tối hậu thư cho chính phủ Iraq: Hãy chọn chúng tôi hoặc họ (Nga). Mỹ nói các nhà lãnh đạo Iraq phải lựa chọn giữa việc Mỹ giúp chiến đấu chống các chiến binh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và việc đề nghị Nga can thiệp.
Tướng hải quân đánh bộ Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng cho biết người Iraq đã hứa rằng họ sẽ không đề nghị Nga không kích cũng như hỗ trợ chiến đấu chống IS.
Ngay sau khi rời khỏi Baghdad, tướng Dunford đã nói với báo chí đi cùng rằng ông đã đặt ra sự lựa chọn trên khi gặp thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và bộ trưởng quốc phòng Khaled al-Obeidi. “Tôi nói sẽ rất khó khăn cho chúng tôi để có thể cung cấp sự hỗ trợ các ông cần nếu như người Nga cũng đang tiến hành chiến dịch ở đây. Chúng tôi không thể tiến hành các chiến dịch nếu như người Nga cũng đang thực hiện chiến dịch tại Iraq hiện nay”, tướng Dunford nói.
Tất nhiên, rất ít có khả năng Mỹ cũng làm việc với Nga mà sẽ hành động theo ý muốn của riêng mình. Nhưng Mỹ cũng đã không nói với người Iraq rằng họ không thể trong bất kỳ hoàn cảnh nào, được làm việc cùng người Nga. Tương tự như một tình yêu bị khinh miệt trong một mối quan hệ bất bình đẳng, Mỹ đã ra lệnh cho một chế độ bị xem là bù nhìn rằng: “Các ngài phải chọn lựa chúng tôi hoặc họ”.
Sau khi Mỹ rời khỏi Iraq, đất nước này đã rơi vào hỗn loạn. Rõ ràng họ cần một sự giúp đỡ thật sự và họ đã tìm thấy sự giúp đỡ đó ở Nga. Mỹ không thể nói với Iraq phải làm gì lâu hơn nữa bởi lẽ họ đang trong tình trạng tuyệt vọng và Mỹ cũng không có đủ năng lực quân sự để bao bọc họ hoặc giữ an toàn cho Iraq lâu hơn nữa.
Theo The Daily Sheeple, Mỹ không còn ở vị thế ra lệnh lâu hơn nữa. “Chiến dịch quân sự của Nga tại Trung Đông đã cho thấy quân đội của chúng ta chỉ là một con hổ giấy trong khu vực”, Krause chua chát kết luận.
Reuters tường thuật rằng tối hậu thư của Mỹ với Iraq đã đẩy thủ tướng Abadi vào một tình thế khó khăn, trong bối cảnh liên minh chính trị lãnh đạo Iraq của ông và một số nhóm Hồi giáo Shiite đang gây áp lực yêu cầu Nga hỗ trợ không kích. Reuteurs cho biết đề xuất nhờ Nga không kích được trình lên Abadi vào tuần trước nhưng ông vẫn chưa trả lời.
“Abadi nói rằng đây không phải là lúc thích hợp để kéo người Nga vào cuộc chiến vì điều đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình với người Mỹ và có thể gây ra những hậu quả không mong muốn thậm chí trong quan hệ tương lai dài hạn với Mỹ”, Reuteurs dẫn lời một chính khách người Shiite thân cận với ông Abadi cho biết.
The Daily Sheeple cho rằng, ông Abadi muốn duy trì quan hệ lâu dài với Mỹ, nhưng lại muốn bắt tay với các chính phủ thù địch với Mỹ cho thấy những sự thực khác. Tuy nhiên, họ không thể đánh mất sự ủng hộ của Mỹ, ít nhất là chưa.
Tác giả Joshua Krause cho rằng, chính quyền Iraq đang cố gắng quyết định xem nên ngả theo phe siêu cường nào, nhưng liên minh Nga-Iran không mấy rảnh tay để hỗ trợ Iraq hoàn toàn. Các lực lượng quân sự Nga và Iran vẫn đang bận rộn tại chiến trường Syria. Do đó hiện tại, thủ tướng Abadi đành bám lấy người Mỹ và sự giúp đỡ hạn chế, trong khi âm thầm cho phép dân quân Iraq hợp tác với Nga. “Giúp ít vẫn tốt hơn là chẳng giúp gì”, Krause nhận xét.
Tuy nhiên, nếu như Nga thành công trong việc đánh bại tất cả các nhóm phiến quân tại Syria, bao gồm cả IS. Họ sẽ có thể toàn tâm toàn lực hỗ trợ quân sự cho Iraq, trong trường hợp này chính quyền Iraq sẽ có thể “đá bay” người Mỹ khỏi nước này và chào đón những người bạn mới của họ (Nga, Iran).
Liên quân Nga-Iran có thể sẽ kết thúc công việc đã bắt đầu tại Syria và quét sạch những gì còn lại thuộc về cái gọi là lực lượng ủy nhiệm của phương Tây. Theo quan điểm này, mọi việc Mỹ đã làm trước đây tại Trung Đông sẽ trở thành công cốc.
Theo QPAN