Vào tháng 9/2017, người Kurd ở Iraq đã tiến hành trưng cầu dân ý thành lập một nhà nước Kurdistan độc lập kiểm soát những giếng dầu lớn nhất ở Iraq và xung quanh vùng Kirkuk.
Giờ đây sau một tháng, ông Massoud Barzani, lãnh đạo người Kurd được Mỹ và Israel hậu thuẫn đang phải đối diện với sự tổn thất quyền lực lớn trong Quốc hội Chính phủ người Kurd ở Iraq. Giữa những diễn biến thay đổi nhanh chóng mặt có thể tạo ra những kết quả mang tính quyết định tới không chỉ Trung Đông này, nước Nga đã xuất hiện cùng với công ty dầu khí khổng lồ quốc doanh mang tên Rosneft.
Mỹ và EU luôn tuyên truyền hình ảnh tốt đẹp và dân chủ về ông Barzani và Đảng Dân chủ người Kurd (KDP) của ông. Barzani và lực lượng quân sự của ông đã được Israel huấn luyện vào cuối những năm 1960, ban đầu là để chống lại sự cai trị của Saddam Hussein. Kể từ đó đến nay, Israel luôn giữ quan hệ với chính quyền Barzani.
Trong con mắt nhiều nước, chế độ của ông Barzani xây dựng ở khu vực người Kurd ở Iraq là chế độ độc tài, chuyên thực hiện các vụ ám sát và tham nhũng, và đặc biệt còn kiểm soát việc buôn bán dầu của Iraq thông qua Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2014. Nhiều người cho rằng Barzani thực chất tự cho mình quyền cai trị mà không có cơ sở pháp lý nào, ngăn chặn Quốc hội không thể lật đổ ông. Con trai của ông Massoud cũng kiểm soát hội đồng an ninh của khu vực và tất cả các thông tin tình báo quân sự lẫn dân sự.
Barzani với sự ủng hộ công khai của lãnh đạo Israel Netanyahu đã tiến hành trưng cầu dân ý thành lập một nhà nước người Kurd độc lập. Đây được cho là khởi đầu của hiệu ứng domino tái đình hình bản đồ địa chiến lược của cả Trung Đông.
Kể từ khi Anh và Pháp phân chia vùng đất giàu dầu lửa này theo Thỏa thuận Sykes- Picot năm 1916, người Kurd đã bị chia rẽ về bốn nước Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây việc thiết lập một nhà nước người Kurd thống nhất sẽ khiến cả khu vực bất ổn và thậm chí còn hơn thế nữa. Vấn đề giữa những bộ tộc người Kurd đã có nhiều khác biệt, và những khác biệt về chính trị này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nếu Mỹ và Israel thành lập được một nhà nước độc lập người Kurd ở Iraq, làm tiền thân cho một nhà nước Kurdistan lớn hơn với khoảng 23 triệu dân, cả bốn nước Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào chiến tranh. Đây sẽ là một cuộc chiến lớn đến mức Lầu Năm Góc sẽ không thể ngờ tới kể từ sau lần can thiệp năm 2003 khi cáo buộc Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhờ sự giúp sức từ lực lượng chống đối Barzani của chính người Kurd, chính quyền Baghdad đã tái chiếm được Kirkuk và những giếng dầu chủ chốt bị lực lượng của Barzani chiếm đóng từ năm 2014.
Điều này có nghĩa là yếu tố tài chính chủ chốt của nước Kurdistan ở Iraq là các giếng dầu ở Kirkuk và Bai Hasaan với năng suất 1,2 triệu thùng dầu/ngày đã không còn nằm trong tay của Barzani.
Sau khi Barzani kiểm soát được Kirkuk vào năm 2014, Mỹ đã giúp ông củng cố quyền lực. Ông Rex Tillerson, CEO của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil giai đoạn trước (hiện ông là Ngoại trưởng Mỹ) đã đầu tư vào khu vực người Kurd ở Iraq như một phần trong chiến dịch thành lập một nhà nước Kurdistan độc lập.
Giữa cuộc chiến chống IS đang gây hỗn loạn ở Iraq và Syria, Barzani đã thỏa huận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bán dầu thông qua đường ống của Thổ tới Israel, mang về cho Barzani hàng tỷ USD.
Sau khi Massoud Barzani tuyên bố 93% người dân đòi độc lập, chính phủ Iraq, cũng như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp. Chính quyền Baghdad đã nhanh chóng áp đặt các lệnh trừng phạt lên khu vực người Kurd ở Iraq. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ sự kiện này sẽ khiến người Kurd ở dọc biên giới Syria và Iraq cắt tuyến đường vận chuyển dầu của người Kurd.
Baghdad đã bí mật tổ chức các cuộc đối thoại với Đảng đối lập Liên hiệp Kurdistan yêu nước (PUK). PUK đã phản đối ý tưởng trưng cầu dân ý và chính binh lính của đảng này lại là bên kiểm soát phần lớn Kirkuk.
Theo Bafel Talabani, lãnh đạo Đảng PUK, ngay trước khi quân đội Iraq tái chiếm Kirkuk, PUK đã thỏa thuận với Baghdad rút lực lượng dân quân Peshmerga khỏi thành phố này và mở đường cho đối thoại, cứu sống hàng nghìn mạng người. Talabani đã quyết định trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra bất chấp những lời cảnh báo rằng đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
Vào ngày 29/10, ông Massoud Barzani đã tuyên bố ông sẽ rút lui khỏi chức Tổng thống trong Chính phủ khu vực người Kurd (KRG) vì thất bại trong kế hoạch trưng cầu dân ý do Israel hậu thuẫn.
Nền địa chính trị dầu lửa của Nga
Một nhân tố quan trọng ít được nhắc đến trong việc tạo ra sự thay đổi chiến lược ở khu vực giàu năng lượng của người Kurd ở Iraq và Syria trong những tháng gần đây chính là Nga, đặc biệt là công ty dầu khí quốc doanh Rosneft.
Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq hôm 25/9, Rosneft tuyên bố rằng công ty này đã đồng ý mua quyền kiểm soát đường ống dẫn dầu chính của người Kurd ở Iraq, đẩy mạnh đầu tư vào khu vực tự trị lên tới 4 tỷ USD.
Rosneft còn có kế hoạch tăng công suất của đường ống dẫn dầu này lên 950.000 thùng/ngày. Theo thỏa thuận, Rosneft sẽ kiểm soát 60% trong khi phần còn lại sẽ thuộc quyền kiểm soát của nhà khai thác hiện nay là Tập đoàn Kurdish KAR ở Erbil. Ngoài việc đầu tư 3,5 tỷ USD vào đường ống dẫn dầu của người Kurd, Rosneft đầu năm nay còn cho chính phủ KRG vay 1,2 tỷ USD để xoa dịu cuộc khủng hoảng ngân sách của chính phủ này, khiến Nga thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đối với người Kurd ở Iraq.
Cùng ngày hôm đó, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd chiếm đa số được Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí đã thực hiện một thỏa thuận đáng kinh ngạc là trao lại mỏ khí đốt cho quân Nga, theo thông tin từ Kênh tin tức Almasda.
Almasda cho biết SDF đã đồng ý trao lại mỏ khí đốt Al-Tabiya mà SDF mới giành lại từ tay IS hôm 23/9 cho thấy vai trò quan trong của Nga trong việc phát triển dầu mỏ và khí đốt ở cả Syria lẫn Iraq, và tất nhiên ở cả khu vực người Kurd. Mỏ khí đốt Al-Tabiya trước đây do Công ty Conoco của Mỹ vận hành, có công suất lớn nhất trong số các mỏ ở Syria, có sản lượng lên tới 13 triệu m3 khí đốt tự nhiên/ngày.
Almasdar cũng khẳng định rằng Nga sẽ trao quyền kiểm soát lại cho chính phủ Damacus. Thỏa thuận này được đưa ra sau các cuộc gặp bí mật giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov - đặc phái viên ở Trung Đông trong khu vực tự trị người Kurd Rojava với các lãnh đạo người Kurd và Syria ở thành phố phía bắc Qamishili.
Vào ngày 25/10, Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara, đây là một hành động có ý nghĩa quan trọng làm tan băng quan hệ hai nước. Kịch bản giành độc lập cho nhà nước Kurdistan của ông Barzani được Mỹ và Israel hậu thuẫn đã đi ngược lại sự mong đợi. Mỹ đã đưa kẻ thù hợp tác với nhau theo cách hết sức khó tin.
Có thể thấy Nga đã khéo léo chơi ván bài địa chính trị trong với người Kurd. Nga biết rằng nếu Rosneft nằm được quân bài chủ trong nền kinh tế năng lượng của người Kurd ở Iraq, thì người Kurd sẽ không còn cách nào khác để xuất khẩu dầu ngoại trừ thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Hai năm trước, trước khi ông Erdogan nối lại quan hệ với Nga sau vụ bắn máy bay rơi ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã tài trợ cho IS chống lại chế độ Assad, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu dầu từ Syria thông qua công ty quốc doanh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo phương Tây, Qatar đã chi hàng tỷ USD tài trợ cho tổ chức Anh em Hồi giáo, IS và các nhóm khủng bố khác ở Syria. Giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ lại phải đối phó với Rosneft để giành lấy khí đốt của Iraq và với Syria nơi mà ông Assad vẫn duy trì chắc chắn với sự hậu thuẫn của Nga. Và Thổ dường như chỉ hành động một mình, do đó mâu thuẫn Mỹ- Thổ càng tăng lên.
Một thất bại nữa đối với Washington là sự phát triển quanh vụ khủng hoảng Qatar. Kể từ khi Washington và Israel thúc giục Ả Rập Xê-út thành lập khối NATO của thế giới Ả Rập gồm những nước theo dòng Sunni và cả Israel nhằm vào kẻ thù là Iran, khối "NATO Ả Rập" này đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế lên một cựu đồng minh của Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh và là nước hậu thuẫn cho tổ chức Anh em Hồi giáo, đó là Qatar.
Qatar trở thành mục tiêu của Ả Rập Xê-út vì dám hợp tác với cựu thù Iran trong việc xây dựng đường dẫn khí đốt chung tới EU. Giờ đây Qatar đang hợp tác với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc trong một thỏa thuận địa chính trị mới mà Ả Rập Xê-út đang tìm mọi cách phản đối.
Nga đã chơi một nước cờ cao tay chống lại kế hoạch thành lập nhà nước Kurdistan của Mỹ và Israel, rộng hơn là một Trung Đông do NATO kiểm soát.
Thực tế, Mỹ đang mất dần Trung Đông. Sắp tới chắc chắn Nga sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn đến khu vực này. Chuyến thăm Mátxcơva của Quốc vương Ả Rập Xê-út vừa qua với mục đích mua bán vũ khí của Nga là ví dụ rõ nhất cho xu hướng này. Thế giới dường như đang bước vào một quá trình tái thiết mới mà Mỹ không còn là đầu tàu.