Nga phát động chiến dịch quân sự Syria: Mũi tên trúng nhiều đích
Nhân Vũ
Ngày 30/9/2017 là tròn hai năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở
Syra. Nhờ sự chi viện của Nga, các lực lượng chính phủ Syria đã kiểm
soát được 50% đất nước, còn người Nga thì sử dụng các hành động quân sự
của mình để củng cố vị trí ở Cận Đông.
Ngoài ra, họ cũng đã có thể thử nghiệm vũ khí trang bị và các hệ thống chỉ huy/điều khiển trong điều kiện chiến đấu, cũng như tập dượt tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.
Chiến dịch Syria là chiến dịch đầu tiên sau Afghanistan mà Nga tiến hành bên ngoài không gian hậu Xô-viết. Trong chiến dịch này, Nga đã huy động tiềm lực của Không quân-vũ trụ, Lực lượng Tác chiến đặc biệt (SSO), Quân cảnh và Hải quân. Quân đội Nga phối hợp với quân đội Syria, cũng như với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, phong trào Hezbollah của Li-băng và dân quân người Shiite.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, trong chiến dịch, đã có 40 quân nhân hy sinh, nhưng các nguồn không chính thức mà thành quả của nó cụ thể là lập 4 vùng giảm nhẹ xung đột. Các bên bảo trợ cho đình chiến là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến dịch không quân và hải quân
Thành phần quy mô nhất của chiến dịch quân sự của Nga ở Syria là các hành động của Không quân-vũ trụ Nga (VKS). Trong vòng hai năm, VKS đã thực hiện gần 30.000 phi vụ chiến đấu và thực hiện khoảng 90.000 cuộc không kích vào các mục tiêu mặt đất. Nhiệm vụ của không quân là cách ly chiến trường, chi viện cho lục quân, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương, cũng như tiến hành các hành động nhằm cản trở đối phương tái cơ cấu lực lượng hoặc nhận tăng viện.
Không quân Nga đã sử dụng các máy bay hiện đại trong trang bị, trong đó có tiêm kích Su-35 và trực thăng Mi-35. Lực lượng phòng không làm nhiệm vụ yểm trợ cho không quân. VKS đã sử dụng căn cứ Hmeimim để tiến hành các chiến dịch của mình. Năm 2017, theo thỏa thuận với chính quyền Syria, Nga đã được thuê căn cứ này thêm 49 năm.
Cường kích Su-34 "thú mỏ vịt" Nga trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria
Tham gia chiến dịch còn có Hải quân Nga, được huy động trước hết là Hải đội Địa Trung Hải. Luân phiên tham gia Hải đội này có các tàu của các hạm đội Phương Bắc, Thái Bình Dương, Biển Đen và Baltic. Đồng thời tham gia chiến sự chỉ có không quá 10 tàu. Hải đội Địa Trung Hải còn được sự hỗ trợ của Phân hạm đội Caspie.
Người Nga đã huy động tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (lần đầu tiên tham gia thực chiến), các tàu ngầm lớp Varshavyanka (Kilo), cũng như các frigate và tàu tuần dương các loại và từ các tàu này, tiến hành phóng tên lửa hành trình Kalibr với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm 2.600 km. Căn cứ hải quân Nga nằm tại cảng Tartus.
Các đơn vị khác
Ngoài VKS và Hải quân Nga, được huy động tham chiến ở Syria còn có Lực lượng Tác chiến đặc biệt Nga (SSO) được tung sang chiến trường này vào năm 2015. Đối với các đơn vị được thành lập vào năm 2009 trong quá trình hiện đại hóa quân đội Nga, đây là một hành động quy mô lớn đầu tiên. Ở Syria, họ giải phóng các khu dân cư, điều phối các cuộc tấn công của không quân và pháo binh, tham gia các hành động trinh sát và phòng ngự.
Đặc nhiệm Nga cũng đồng thời có mặt ở Syria. SSO cũng phối hợp với các lực lượng đặc nhiệm Syria. Chiến dịch Syria đã không chỉ là trận đầu thử lửa đối với SSO trong điều kiện xung đột vũ trang toàn quy mô, mà còn cho phép áp dụng trên thực tế các kế hoạch chiến lược (học thuyết quân sự), cũng như cái gọi là học thuyết Gerasimov (Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga), trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các lực lượng đặc nhiệm trong các cuộc chiến tranh kiểu mới.
Đặc nhiệm Nga trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Syria
Nhiệm vụ của quân đội Nga, trong đó có các đơn vị như SSO, bao gồm việc điều phối các hành động với quân đội Syria đang tiến hành chiến dịch mặt đất chủ yếu, cũng như với phong trào Hezbollah và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ngoài ra, người Nga còn tích cực tham gia huấn luyện và trang bị cho quân đội Syria.
Nga đã lần đầu tiên đưa Quân cảnh ra nước ngoài. Hiện nay, ở Syria, Nga triển khai 4 tiểu đoàn quân cảnh (khoảng 1.200 người). Nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm hoạt động của các trạm kiểm soát trên ranh giới các vùng giảm nhẹ xung đột.
Phục vụ ở Syria còn có lực lượng quân y, các chuyên gia của Trung tâm chống mìn quốc tế quân đội Nga tham gia rà gỡ mìn. Họ đã làm sạch được 5.300 ha. Tác chiến trên lãnh thổ Syria còn có cả các công ty quân sự Nga (một số trong đó cũng đang có mặt ở Ukraine và Libya). Cũng giống như ở Bắc Phi, họ làm nhiệm vụ bảo vệ các mỏ dầu và hạ tầng giao thông.
Hệ quả quân sự
Chiến dịch của Nga đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, nhờ các hành động của quân đội Nga, các lực lượng chính phủ Syria đã giành lại được gần 1.000 điểm dân cư, trong đó có các vị trí then chốt chiến lược như Palmyra và Aleppo. Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) nay chỉ còn kiểm soát 5% lãnh thổ Syria.
Chiến dịch Syria đã cho phép Nga thử nghiệm vũ khí trang bị của mình trong thực chiến. Trong chiến dịch này, họ đã sử dụng chẳng hạn hệ thống tên lửa đường đạn chiến thuật Iskander và hệ thống tên lửa chống hạm Bastion, hệ thống tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu nổi, các tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ máy bay ném bom chiến lược. Được thử thách còn có các hệ thống chỉ huy/điều khiển (các năng lực của Trung tâm Quốc gia Chỉ đạo quốc phòng Liên bang Nga đã được huy động) và tác chiến điện tử mới.
Chi phí cho cả chiến dịch ước là 1 tỷ USD (mỗi ngày, Nga chi cho chiến dịch 2,5-4 triệu USD). Tổng cộng, Nga đã thử nghiệm ở Syria gần 600 mẫu vũ khí trang bị. Qua đó, công nghiệp quốc phòng Nga đã có cơ hội thử nghiệm sản phẩm của mình trong điều kiện chiến đấu và bắt đầu cải tiến, hoàn thiện chúng, và hiển nhiên là sẽ hậu thuẫn cho việc tăng giá và số lượng các hợp đồng xuất khẩu vũ khí quốc tế sẽ được ký kết trong những năm tới.
Tầm quan trọng và triển vọng
Chiến dịch ở Syria có tầm quan trọng cả về quân sự lẫn chính trị đối với Moskva. Tác động trực tiếp của nó là chính quyền của Bashar al Assad được củng cố, ngoài ra, Nga đã củng cố vững chắc được vị thế một bên đàm phán về vấn đề Syria của mình. Chiến dịch cũng đã cho phép ngăn chặn mối đe dọa liên quan đến các hành động của IS ở xa biên giới Nga giống như học thuyết quân sự Nga đòi hỏi.
Chiến dịch Syria đã cho thấy rằng, năng lực của quân đội Nga (trong đó có SSO) trong tiến hành tác chiến ở bên ngoài biên giới Liên Xô trước đây đã tăng lên. Nga đã lấy lại được các căn cứ Tartus và Hmeimim và bảo đảm triển vọng hoạt động trong tương lai của chúng. Mức độ tin tưởng của xã hội Nga đối với quân đội đã tăng từ 64% vào năm 2015 lên đến 69% vào năm 2017, điều này một phần là nhờ kết quả của chiến dịch quy mô đưa tin về các thắng lợi quân sự ở Syria trên báo chí.
Tiến trình chiến dịch đã cho thấy rằng, người Nga đã đạt được hiệu ứng tối đa bằng chi phí tương đối nhỏ (không huy động lục quân). Điều đó đã cho thấy, đã diễn ra những thay đổi nào trong chiến lược tiến hành chiến tranh hiện đại của Nga (ban đầu đã có sự lo ngại là các hành động của quân đội Nga sẽ có thể sánh với chiến dịch ở Afghanistan, nơi mà quân đội Liên Xô đã mất gần 10 năm mà không đạt được các kết quả thực tế, đồng thời gánh chịu những tổn thất nặng nề).
Giới chức Nga nói rằng, họ sẽ chỉ chấm dứt chiến dịch khi nào ban lãnh đạo Syria kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ đất nước. Có thể trông đợi là các lực lượng Nga sẽ ở lại đó trong bất kỳ tình huống nào để làm người bảo trợ cho hoạt động của chế độ Assad do quân đội Syria không đủ mạnh. Cũng có thể dự đoán là Nga sẽ tiếp tục sự hợp tác quân sự và chính trị với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả trong tiến trình đàm phán Astana.
Ngoài ra, Moskva có lẽ sẽ mong muốn hoạt động ở Syria dưới sự bảo trợ của LHQ, ví dụ như tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình. Nga sẽ cố gắng đạt được sự thỏa thuận trong lĩnh vực này với các nước châu Âu, trước hết là với tất cả các thành viên của Nhóm quốc tế ủng hộ Syria. Đồng thời, chủ đề phương pháp giải quyết cuộc xung đột Syria sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong đối địch chính trị và quân sự tương lai với Mỹ.