Tờ Chinatimes Đài Loan ngày 31/8 cho hay tuần này Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ đến Biển Đông, tham gia cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển-2016" với Hải quân Trung Quốc. Theo hãng tin TASS Nga, cuộc tập trần này sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 11 - 19/9/2016.
Người phát ngôn Quân khu miền Đông, Hạm đội Thái Bình Dương Nga, Vladimir Matveyev cho hay vào đầu tháng 9, các tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn Admiral Tributs và Admiral Vinogradov, tàu đổ bộ cỡ lớn Peresvet, tàu kéo trên biển Alatau và tàu chở dầu Pechenga sẽ đến Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Tàu Admiral Tributs và tàu Admiral Vinogradov đều là tàu khu trục săn ngầm lớp Udaloy, lượng giãn nước tiêu chuẩn là 6.930 tấn, được chế tạo từ thời Liên Xô. Ngoài săn ngầm, chúng cũng có khả năng chống hạm, được trang bị tên lửa chống hạm siêu âm P-270 Moskit, loại tên lửa này Mỹ gọi là SS-N-22, còn NATO gọi là Sunburn.
Tàu Peresvet là tàu đổ bộ lớp Ropucha, thiết kế chuyên dùng cho đổ bộ đánh chiếm bờ biển, đồng thời có thể chở tới 10 xe tăng chiến đấu hoặc 12 xe chở quân bọc thép, cộng với 230 - 340 binh sĩ.
Tờ The Diplomat Nhật Bản cho rằng Nga cử tàu đổ bộ tham gia tập trận cho thấy sẽ có hoạt động tấn công đổ bộ mô phỏng.
Hơn nữa, nhìn vào hạm đội do Nga cử đi lần này hoàn toàn không có bất cứ tàu ngầm nào. Do Nga đang bàn giao 2 tàu tuần tra và 6 tàu ngầm cho Việt Nam, vì vậy Moscow hết sức thận trọng để giữ cân bằng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai nước đang tồn tại mẫu thuẫn trong vấn đề Biển Đông (Trung Quốc nhảy vào tranh chấp và áp đặt yêu sách bành trướng).
Có lẽ, đây cũng là nguyên nhân quy mô hạm đội Nga cử đi tương đối nhỏ, hơn nữa hoàn toàn không điều những tàu chiến mới nhất.
Mặc dù Chính phủ Nga hoàn toàn không chính thức xác nhận Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong cuộc tập trận lần này; nhưng, do Hạm đội Hải quân Nga sẽ đến thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, trụ sở Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, do đó, có thể xác định, Hạm đội Nam Hải sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc tập trận chung lần này.
Từ năm 2005 trở đi, Trung Quốc và Nga đã tổ chức 6 cuộc tập trận hải quân chung, năm 2012 do Bắc Kinh lần đầu tiên đóng vai trò chủ đạo cuộc diễn tập. Năm 2015, hai bên tăng cường giao lưu quân sự, không chỉ tổ chức tập trận tấn công đổ bộ và hải quân ở biển Nhật Bản, mà còn tổ chức tập trận có quy mô tương đối nhỏ ở Địa Trung Hải.
Trong khi đó, báo cáo của Lầu Năm Góc về hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2016 cho biết các cuộc tập trận hải quân năm 2015 của Trung Quốc và Nga bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 ở Địa Trung Hải, trọng điểm là bảo vệ tuyến đường hàng hải (sea lines of communications, SLOCs), đồng thời tấn công chủ nghĩa khủng bố.
Còn giai đoạn 2 là ở biển Nhật Bản, trọng điểm là diễn tập đổ bộ, phòng không liên hợp đồng bộ, đồng thời còn diễn tập chống tàu chiến mặt nước.
Tờ Diplomat cho rằng Trung Quốc và Nga hoàn toàn không có quan hệ liên minh quân sự chính thức, ý nghĩa chính trị của các cuộc tập trận chung giữa hai bên lớn hơn là thực chất, chủ yếu là thể hiện quan hệ đối tác an ninh phát triển nhanh chóng của hai nước.