Kể từ năm 2014, liên minh NATO đã đưa ra nhiều thay đổi về tư thế liên quân ở cánh phía đông nhằm ngăn chặn Nga. Về cơ bản, mục tiêu của liên minh là thay đổi hành vi của Nga, nhưng làm thế nào để đo lường được sự điều chỉnh chính sách ở Mátxcơva? RAND mới đây đã đưa ra một bản báo cáo mới cố gắng xây dựng một khung phân tích để đo lường sự thay đổi trong chính sách của Mátxcơva.
“Cho dù có lợi thế chung về mặt quân sự nhưng NATO vẫn gặp phải tình trạng mất cân bằng về vũ khí thông thường ở những khu vực giáp với Nga, chẳng hạn như vùng Baltics”, báo cáo nhận định.
“Để giải quyết tình trạng mất cân bằng cục bộ này, các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những đề xuất làm tăng chi phí và giảm khả năng thành công của các cuộc tấn công vào bất kỳ nước thành viên nào của NATO mà Nga có thể phát động”.
Mục tiêu là thay đổi hành vi của Nga theo cách có lợi cho liên minh, do đó NATO phải thật thận trọng, không khiêu khích Nga phản ứng thái quá. Như vậy, xác định được cách đẩy Nga đi xa tới đâu là điều vô cùng quan trọng với NATO.
RAND khẳng định: "Dù cho Mỹ và NATO thay đổi tư thế như thế nào thì mục tiêu của họ vẫn là tạo ra sự thay đổi trong hành vi của Nga”.
"Do đó, bản chất các phản ứng của Nga sẽ giúp xác định sự hữu ích và khôn ngoan của bất cứ hành động nào NATO quyết định thực hiện".
Có rất nhiều cách để Nga có thể phản ứng. Nga có thể không làm gì cả hoặc cũng có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự. Do đó việc phán đoán đúng phản ứng của điện Kremlin là vô cùng quan trọng.
“Phản ứng của Nga có thể rất đa dạng, có thể là sẽ chấp nhận các hành động của Mỹ và NATO, không sẵn sàng cân nhắc tấn công NATO. Hoặc cũng có thể tăng cường lực lượng của Nga ở khu vực lân cận – những lực lượng vốn để đối trọng với các động thái của Mỹ và NATO, hoặc cũng có thể ngay lập thức keo thang thành cuộc xung đột trực tiếp. Nga cũng có thể đáp trả các động thái quân sự của Mỹ và NATO bằng cách khai thác các điểm dễ tổn thương không phải trong lĩnh vực quân sự của Mỹ và các nước thành viên NATO", báo cáo của RAND dự báo.
Vào thời điểm này, NATO có khả năng răn đe ngăn chặn Nga tấn công ở miền đông. “Phân tích của chúng tôi cho thấy khả năng ngăn chặn của NATO trước một cuộc tấn công thông thường của Nga vào một nước thành viên NATO hiện tại là rất mạnh", báo cáo của RAND nhận định.
“Việc củng cố tư thế của Mỹ và NATO rất có khả năng sẽ làm giảm nguy cơ của một cuộc tấn công. Sức mạnh răn đe hiện tại của NATO bắt nguồn từ lợi thế nói chung về khả năng thông thường và các tín hiệu mạnh, được củng cố bởi các hành động và các tuyên bố rõ ràng kể từ năm 2014 mà NATO và đặc biệt là Mỹ sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự trước cuộc tấn công vào vùng Baltic hay các đồng minh của NATO, nơi mà NATO đang tích cực củng cố quân đội", RAND nhận định.
Do đó, rất có khả năng Nga sẽ coi rằng bất kỳ hành động hung hăng nào đủ để kích động Điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ dẫn đến cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với ít nhất một số nước thành viên chủ chốt của NATO.
Theo các tác giả của báo cáo, Nga không có ý định tấn công bất kỳ nước thành viên NATO nào trong ngắn hạn.
“Cho dù chúng ta đánh giá rằng cuộc tấn công của Nga vào NATO trong thời gian tới rất khó có thể xảy ra, tuy nhiên Nga vẫn có thể sẽ khám phá ra những địa điểm khác để thể hiện sự giận dữ trước các động thái củng cố tư thế quân sự của Mỹ và NATO", báo cáo lo ngại.
“Nga đã tuyên bố rằng Nga dự định điều chỉnh sức mạnh quân đội trong nước ở biên giới phía tây để đối phó với sự hiện diện quân sự lớn hơn của NATO. Trước đây, Nga đã từng sử dụng nhiều công cụ để đáp trả các hành động của Mỹ và NATO mà nước này coi là đe dọa đến mình. Những công cụ này bao gồm rút lui khỏi các hiệp định an ninh đa phương, đưa quân phục vụ các cuộc triển khai ngoài khu vực ở châu Mỹ, và đe dọa sẽ đưa tên lửa Iskander đến Kaliningrad”.
Tuy nhiên, NATO và Nga có thể sẽ dấn thân vào cuộc Chiến tranh lạnh mới trong tương lai xa. “Giới lãnh đạo Nga dường như đã kết luận rằng các mục tiêu lâu dài của Mỹ và NATO không phù hợp với nền an ninh của chế độ hiện tại ở Mátxcơva”, báo cáo cho hay.
“Lãnh đạo Nga lo ngại về việc NATO củng cố sức mạnh quân sự thông thường ở Đông Âu (bao gồm cả một phần lãnh thổ Liên Xô trước đây), các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, và việc chuyển dịch định hướng chiến lược của các nước mà Nga coi là nằm trong vùng ảnh hưởng của điện Kremlin".
Cốt lõi của vấn đề là trong khi Nga có thể ngăn chặn một cuộc tấn công thì điện Kremlin lại cho rằng NATO và Mỹ đang cố gắng thay đổi chế độ của Nga.
“Cho dù mối đe dọa trả đũa từ lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga có thể ngăn chặn một cuộc tấn công trực tiếp vào Nga, các mối lo an ninh khác của Nga, bao gồm cả mối đe dọa đối với sự ổn định của chế độ hiện nay, không được NATO và Mỹ coi là hợp lý”, báo cáo cho biết.
“Nhận thức này sẽ tiếp tục làm gia tăng nguy cơ xung đột ở châu Âu”, RAND khẳng định.