Biển Đông có thể “sôi sục” trở lại nhưng lần này người “khuấy động” nó lại có thể là một nhân vật không ai có thể ngờ tới - đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Những sự kiện cách xa hàng ngàn km ở Ukraine có thể châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền theo đó người ta có thể chứng kiến Trung Quốc trở thành kẻ độc chiếm Biển Đông nhờ vào sự giúp đỡ của Nga thông qua việc cung cấp vũ khí và công nghệ cho Trung Quốc. Đây là một trong những kịch bản trả đũa đáng sợ nhất mà Moscow có thể gây ra nếu phương Tây quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Nhưng trước khi chúng ta phân tích những chi tiết về việc làm thế nào Trung Quốc có thể trở thành “người chủ và là người chỉ huy” Biển Đông nhờ sự hậu thuẫn của Nga, chúng ta cần phải xem xét lại bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Căng thẳng đang leo thang trong những năm gần đây khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng một lập trường cứng rắn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.
Trung Quốc đang tìm cách thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực bằng việc đẩy mạnh các dự án bồi đắp, xây dựng ở các khu vực thuộc Biển Đông. Giới phân tích tin rằng, Trung Quốc đang xây những đảo lớn hơn để chứa các căn cứ, sân bay, cảng biến, hệ thống radar và thậm chí là cả những khẩu pháo tên lửa chống hạm. Động cơ đã rõ - Bắc Kinh chắc chắn muốn trở thành chủ nhân của Biển Đông, muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ.
Những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông có thể giúp nước này biến tất cả 9 hay 10 đoạn phi lý và gây bất bình thành sự thật chứ không chỉ là những chấm đen nhỏ ở trên bản đồ. Đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc mà thành sự thật thì đó thực sự là ác mộng đối với khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Trung Quốc đang tìm cách phát triển sức mạnh quân sự để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình. Trên thực tế, với chi tiêu quốc phòng tăng mạnh mẽ ở mức hai con số gần như liên tiếp trong hơn 2 thập kỷ, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Nước này không tiếc tay chi tiền cho những dự án phát triển vũ khí tối tân như chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, tên lửa chống hạm tối tân, tên lửa tầm xa tấn công từ biển và trên đất liền, tàu sân bay.... Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, rõ ràng Trung Quốc vẫn còn thua xa nước láng giềng Nhật Bản chứ chưa nói gì đến siêu cường số 1 thế giới – Mỹ. Vì thế, việc phát triển những vũ khí tinh vi, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật ở trình độ cao như Mỹ, Nhật không phải là điều dễ dàng với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào.
Nếu Bắc Kinh tìm được một đối tác đủ năng lực sẵn sàng giúp họ thì nước này có thể tạo ra bước nhảy mang tính đột phá cần thiết để có được trong tay những vũ khí tối tân mà họ thèm muốn với thời gian ngắn hơn nhiều năm so với việc Trung Quốc phải “tự bơi” một mình. Để trả đũa phương Tây trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga có thể cung cấp sự hậu thuẫn mà Trung Quốc đang vô cùng khát khao đó.
Hãy tưởng tượng kịch bản này: Phương Tây quyết định rằng đã đến lúc họ phải trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine.
Nga nổi giận quyết định phải trả đũa bằng những “độc chiêu” có hậu quả khôn lường ở những nơi không chỉ bó hẹp trong Châu Âu. Tổng thống Putin sẽ rút bản đồ toàn cầu ra và tìm một nơi mà ở đó sức mạnh Nga có thể “hạ” Mỹ một cách đau đớn. Đó là Biển Đông. Chiêu này sẽ khiến nỗ lực “chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng.
Trung Quốc đang vô cùng thèm muốn những chiếc Su-35 đỉnh cao của Nga. Moscow hiện vẫn còn chần chừ không muốn bán thứ vũ khí quý giá chứa đựng công nghệ tinh vi, tối tân này cho Trung Quốc. Tuy nhiên, hợp đồng đó có thể trở thành sự thực nếu phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine.
Có Su-35 trong tay, Trung Quốc không còn sợ gì những chiếc chiến đấu cơ thiện chiến nhất ở Châu Á, thậm chí là hai loại chiến đấu cơ hàng đầu của siêu cường Mỹ - F-22 và F-35 .
Ở trên biển, nhờ sự hợp tác với Nga, Trung Quốc có thể tìm cách nâng cao năng lực dưới nước bằng việc mua sắm những chiếc tàu ngầm mới. Được tiếp nhận công nghệ tàu ngầm mới có tầm quan trọng sống còn đối với Trung Quốc không chỉ cho khả năng triển khai các tàu ngầm có năng lực lớn hơn dưới biển mà còn bởi vì Bắc Kinh có thể tìm cách học hỏi công nghệ mới từ những chiếc tàu ngầm đó. Mặc dù chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào đề cập đến việc Nga sẽ giúp Trung Quốc trong vấn đề phát triển tàu ngầm nhưng điều đó không có nghĩa là một sự hợp tác như vậy không thể không xảy ra.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine rất dễ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho mối quan hệ hợp tác công nghệ quân sự giữa Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không bị ép đến quá mức, Nga sẽ không chọn còn đường giúp đỡ Trung Quốc về kỹ thuật quân sự bởi Nga đã từng có bài học đau thương khi bán vũ khí tối tân cho Trung Quốc. Cụ thể là hợp đồng bán chiến đấu cơ Su-27 của Nga cho Trung Quốc vào những năm 1990. Trung Quốc đã bất ngờ phá hợp đồng với Nga. Điều đáng nói hơn là, sau này, Trung Quốc được cho là đã bắt chước y hệt công nghệ từ chiến đấu cơ Su-27 để chế tạo những chiếc J-11 và bán cho các nước khác, gây tổn thất lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Moscow lo sợ kịch bản tương tự sẽ xảy ra đối với các vũ khí tinh vi mới của họ. Ngoài ra, bản thân Nga cũng có mối quan hệ rất tốt với nhiều nước ở Châu Á nên Moscow không hề muốn làm phật lòng những nước này bằng việc “tiếp tay” cho Trung Quốc. Hơn nữa, Nga cũng có những đề phòng nhất định đối với sự nổi lên của Trung Quốc. Vì thế kịch bản Biển Đông sẽ không dễ xảy ra. Tuy vậy, không thể nói trước được điều gì.
Trong khi cuộc tranh cãi ở thủ đô Washington vẫn đang nóng lên về cách thức bắt Nga phải trả giá thêm vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì Moscow thực ra có rất nhiều con đường để đáp trả nếu phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine. Thực vậy, Biển Đông chỉ là một trong nhiều khả năng có thể xảy ra. Nga có nhiều con đường khác để gây rắc rối cho phương Tây, ví dụ như trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran hoặc bằng cách kết thân với những nước đang có đối đầu với phương Tây như Triều Tiên, Venezuela và nhiều nước khác. Và tất nhiên, Nga có khả năng làm leo thang cuộc chiến ở Ukraine một cách nghiêm trọng bằng việc cung cấp cho quân ly khai vũ khí tối tân để chống lại Kiev và phương Tây.
Theo: VnMedia