Chủ tịch EC nhận định: “"Lực lượng này sẽ giúp chúng tôi phối hợp tốt hơn về chính sách đối ngoại và quốc phòng, và để đảm nhận trách nhiệm chung của Châu Âu trước cả thế giới".
Theo chính khách này, hình ảnh của EU đã giảm sút đáng kể, và về phương diện chính sách đối ngoại, dường như EU đã không đảm đương được trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc.
“Một lực lượng quân đội chung của EU cũng sẽ cho thế giới thấy rằng sẽ không bao giờ xảy ra một cuộc chiến giữa các quốc gia thành viên EU”, ông Juncker nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định, với lực lượng quân đội chung EU, khối này có thể "phản ứng nhanh nhạy hơn trước các mối đe dọa về hòa bình mà một nước thành viên hoặc một nước láng giềng phải đối mặt".
“Chúng ta không thiết lập một lực lượng quân đội chung châu Âu để sử dụng ngay lập tức. Nhưng một lực lượng quân đội chung giữa các nước châu Âu sẽ gửi đến cho Nga một thông điệp rằng chúng ta rất coi trọng việc bảo vệ các lợi ích của EU”, ông Juncker nói.
Đề xuất trên của ông Juncker nhận được sự ủng hộ của Đức. Hồi tháng trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã từng đề cập đến một lực lượng quân đội EU, gọi đó là mục tiêu của cả khối.
Trong bình luận của bà đối với đề xuất của ông Juncker, bà nói, “Một lực lượng quân đội châu Âu là tương lai của khối”.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức - ông Norbert Rottgen cũng cho rằng, một lực lượng quân đội chung là tầm nhìn, triển vọng của châu Âu khi thời cơ đến.
Ông nói: “Các quốc gia châu Âu đã rót những khoản tiền khổng lồ vào lĩnh vực quân sự, con số này lớn gấp nhiều lần so với Nga. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm bảo mật, tiềm lực quân sự của chúng ta vẫn không đạt yêu cầu".
Bởi vậy, theo ông Juncker, việc thành lập một lực lượng liên quân EU sẽ giúp việc chi tiêu ngân sách cho trang thiết bị quân sự trở nên hiệu quả hơn và 28 quốc gia thành viên trong khối sẽ trở nên thống nhất hơn.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Junker vấp phải sự phản đối của một số thành viên khác của châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh.
Hai quốc gia này tỏ ra thận trọng với việc trao một vai trò quân sự lớn hơn cho EU, vì điều này có thể làm suy yếu và khiến NATO bị "ra rìa". Ngoài ra, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn về mục đích của châu Âu khi muốn thành lập "quân đội chung" trong "quân đội chung" như vậy.
Được biết, dự kiến trong ngày 9/3, cựu Tổng Thư ký NATO Javier Solana sẽ công bố báo cáo mang tên "Thêm Thống nhất trong Quốc phòng châu Âu" tại Brussels, Bỉ, để kêu gọi một chiến lược an ninh châu Âu mới bao gồm năng lực quân sự để tham chiến bên ngoài lãnh thổ châu Âu.
Nga: Ý tưởng của EU là hoang tưởng
Ngay sau khi ý tưởng trên được đưa ra, phía Nga cũng lên tiếng phản pháo kịch liệt.
Nghị sỹ cấp cao của Nga – ông Leonid Slutsky cho rằng, EU đang hoang tưởng về Nga. Ông viết trên trang Twitter của mình rằng: "Phiên bản hoang tưởng của châu Âu đó là muốn thành lập một quân đội thống nhất để đối trọng với Nga, quốc gia không có ý định đi đến chiến tranh với bất cứ quốc gia nào".
Cùng quan điểm trên, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Franz Klintsevich cũng nhận định rằng, nếu đội quân chung của Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, đó có thể sẽ trở thành một động thái khiêu khích.
Ông Franz Klintsevich bình luận: "Liệu một đội quân như vậy có giúp chúng ta thực thi các chính sách đối ngoại và an ninh chung, thực hiện các trách nhiệm của châu Âu trên thế giới?”.
Ông Klintsevich cho rằng, trong kỷ nguyên hạt nhân hiện nay, những đội quân bổ sung không giúp đảm bảo an ninh, mà chỉ có thể "đóng vai trò khiêu khích". Ông cho biết, ông lấy làm tiếc vì việc đề xuất này nhận được sự ủng hộ.
Theo: VnMedia