Khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh
Trong Báo cáo “Tình hình kinh tế - tài chính tháng 11/2017 và 11 tháng năm 2017”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã đưa ra các nhận xét tích cực về thị trường chứng khoán.
Cụ thể, đối với thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index vượt mốc 900 điểm, tăng 41% kể từ đầu năm 2017 và xếp thứ 3 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017.
Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 11/2017 tăng lên xấp xỉ 66% GDP. Nguyên nhân được NFSC đưa ra là do tác động động tâm lý tích cực từ Hội nghị cấp cao APEC, việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, cùng với việc niêm yết các cổ phiếu vốn hóa lớn đã thu hút mạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và trong nước vào thị trường cổ phiếu.
Ở chiều hướng ngược lại, kênh huy động vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong tháng 11/2017 ở mức thấp. Lũy kế từ đầu tháng 11 đến ngày 22/11/2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 2.285 tỷ đồng TPCP, chỉ bằng một nửa so với giá trị phát hành cùng thời kỳ trong tháng 10/2017.
Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 25% thấp hơn nhiều so với mức 61% của tháng 10. Các đợt đấu thầu TPCP trong tháng 11 kém thành công do lãi suất ở vùng đáy nên chưa hấp dẫn được nhà đầu tư. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/11/2017, KBNN đã phát hành được 157 nghìn 347 tỷ đồng hoàn thành 86% kế hoạch phát hành năm 2017 (183.300 tỷ đồng).
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên Thị trường chứng khoán trong tháng 11 ước đạt 343 triệu USD (trong đó: mua ròng 405 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 62 triệu USD).
Lũy kế 11 tháng năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại ước đạt 1.770 triệu USD (750 triệu USD trái phiếu, 1.020 triệu USD cổ phiếu), tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh do tăng mua ròng mạnh các cổ phiếu lớn.
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 59% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%.
Dựa trên các số liệu trên, NFSC nhận định khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và đẩy mạnh niêm yết các doanh nghiệp lớn để tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh thị trường vốn đang diễn biến thuận lợi.
Thu từ thoái vốn, cổ phần hóa đến hết tháng 11/2017 mới đạt 37,84% kế hoạch
Tại buổi họp giao ban tháng 11/2017 của Ban Chỉ đạo, diễn ra vào chiều 30/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá năm 2017, Chính phủ, các bộ, địa phương đã tích cực, quyết liệt và cẩn trọng trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn Nhà nước tại DN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ nhanh chóng ban hành trong tháng 12/2017 nghị định sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 99/2012/NĐ-CP phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN để tạo ra hành lang pháp lý nhất quán cho công tác cổ phần hóa, sắp xếp và phát triển DN.
Để tháo gỡ khó khăn pháp lý khi các nghị quyết mới chưa được ban hành, Chính phủ đã chủ động ban hành Nghị quyết bán vốn Nhà nước theo phương thức chào bán cạnh tranh, điều chỉnh sổ sách kế toán cho các DN cổ phần hóa còn lại của năm 2017. Kết quả của việc này là việc bán vốn Nhà nước thành công tại Vinamilk và tiếp tới cơ chế này sẽ áp dụng cho Sabeco.
Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong 11 tháng năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hóa 21 DNNN, trong đó có 4 Tổng công ty là: Sông Đà, IDICO, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương; thu về 2.214,64 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo cho biết, nếu tính cả các DN thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì tính đến hết tháng 11 này, cả nước đã cổ phần hóa 43 DNNN. Dự kiến cả năm nay, cả nước sẽ hoàn thành cổ phần hóa 55 DNNN, bằng số DN cổ phần hóa năm 2016.
Về thoái vốn Nhà nước tại DN, lũy kế 11 tháng năm 2017, các đơn vị đã thoái được 5.209,4 tỷ đồng, thu về hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó có số thu hơn 20.000 tỷ đồng sau 2 lần thoái vốn tại Vinamilk.
Như vậy, nhiệm vụ thu từ thoái vốn, cổ phần hóa phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 là hơn 22.709 tỷ đồng, đạt 37,84% kế hoạch.
Dự kiến từ nay tới cuối năm Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO của các Tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương, từ thoái vốn Nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương, chưa kể nguồn thu từ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.
Được biết, ngày 18/12/2017, nếu thoái vốn thành công 53,59% vốn Nhà nước tại Sabeco, Bộ Công thương có thể thu về cho ngân sách Nhà nước ít nhất 109.000 tỷ đồng, hoàn thành vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm chào bán cạnh tranh là 320.000 đồng/cổ phiếu cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại Nhà nước sẽ khó lòng bán được hết trong đợt này do mức giá quá cao so với định giá thông thường; bình quân ngành trong khu vực và trên thế giới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần thúc ép các bộ, địa phương chậm bán vốn Nhà nước giao lại quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện để đẩy nhanh tiến độ bán vốn trong thời gian tới.
Hoạt động này phù hợp với bối cảnh thị trường vốn đang diễn biến thuận lợi trong thời điểm hiện tại và dự báo trong thời gian tới.