Chính phủ Nepal cho biết họ đã quyết định cấm ứng dụng TikTok do nền tảng này từ chối hạn chế các nội dung gây thù hận, làm ảnh hưởng đến sự "hòa hợp xã hội".
TikTok có hơn 1 tỉ người dùng trên toàn cầu, do đó, lệnh cấm ở một quốc gia chỉ có 30 triệu người khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến ứng dụng này, nhưng đó là một dấu hiệu đáng ngại khác đối với TikTok khi ngày một nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm người dân sử dụng.
TikTok nằm trong số hàng chục ứng dụng của Trung Quốc mà Ấn Độ đã cấm vào năm 2020, sau cuộc xung đột quân sự nhỏ tại vùng biên giới giữa hai quốc gia. Ứng dụng này cũng phải chịu sự giám sát và hạn chế ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, châu Âu và Canada vì lo ngại rằng dữ liệu nhạy cảm của người dùng đang được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù Nepal nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng quyết định cấm TikTok không phải do Nepal muốn ngả theo phe nào, mà theo lý giải của quan chức trong nước là do các nội dung độc hại trên TikTok đã gây ra sự căm ghét giữa các tôn giáo, bạo lực, lạm dụng tình dục, nên buộc Nepal phải ra lệnh cấm.
Bà Rekha Sharma, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin của Nepal, cho biết: “Sự hòa hợp xã hội, cấu trúc gia đình và quan hệ gia đình của chúng ta đang bị xáo trộn bởi mạng xã hội, bởi TikTok”.
Bà Sharma cho biết: “Quyết định cấm TikTok sẽ có hiệu lực ngay lập tức”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu