3 cuộc tập trận rầm rộ đã được khởi động ở Châu Âu với sự tham gia của hàng nghìn binh lính đến từ nhiều nước thành viên NATO và đồng minh. Điều đáng chú ý là cả ba cuộc tập trận này đều ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Estonia đang tổ chức một cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay. Được đặt tên là Siil-2015 (tạm dịch là Chướng ngại vật chặn quân đổ bộ), cuộc tập trận của Estonia có sự tham gia của tới 13.000 binh sĩ. Con số này bao gồm cả 7.000 quân dự bị cùng các thành viên của Liên minh Phòng thủ tình nguyện Estonia.
Cuộc diễn tập quân sự Siil-2015 dự kiến kéo dài cho đến ngày 15/5. Đáng chú ý, cuộc tập trận này còn có sự tham dự của các lực lượng đến từ Mỹ, Đức, Anh, Latvia, Lithuania, Bỉ, Ba Lan và Hà Lan. Quân đội Mỹ đang đóng ở Estonia như một phần của chiến dịch huấn luyện quân sự quy mô lớn mang tên Quyết tâm Đại Tây Dương sẽ đưa 4 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams đến tập trận với Estonia. Trong khi đó, Anh, Bỉ và Đức mang theo các đơn vị phòng không. Một loạt máy bay chiến đấu của NATO cũng tham gia diễn tập quân sự ở Estonia.
Cùng thời điểm diễn ra cuộc tập trận ở Estonia, quân đội Lithuania cũng đang tổ chức các cuộc diễn tập trong khuôn khổ đợt tập trận lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Đợt tập trận mang tên Zaibo Kirtis (nghĩa là Sấm chớp). Cuộc tập trận ở Lithuania có sự tham gia của 3.000 binh lính. Nội dung các bài diễn tập quân sự sẽ tập trung vào hoạt động phối hợp giữa quân đội và giới chức địa phương trong việc đối phó lại với cái gọi là các mối đe dọa lai bao gồm cả phương pháp chiến đấu quân sự và phi quân sự, Tư lệnh Lục quân Lithuania – Thiếu tướng Jonas Vytautas Zukas cho biết.
Trong một tuyên bố được đưa ra, Thiếu tướng Zukas cho hay: "cuộc tập trận sẽ dựa trên tình huống khi các lực lượng và nguồn lực của Bộ Nội vụ không đủ để vô hiệu hóa các tình hình nghiêm trọng khác nhau không liên quan đến việc đẩy lùi một cuộc tấn công của kẻ thù và quân đội cần phải tham gia”.
Cuộc tập trận Sấm chớp cũng sẽ thử thách khả năng huy động lực lượng của Lithuania cũng như thử thách an ninh mạng của nước này, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết.
NATO rầm rập tập trận chống tàu ngầm
Song song với hai cuộc tập trận ở Estonia và Lithuania, NATO hôm nay (4/5) đã khởi động một trong những cuộc tập trận chống tàu ngầm lớn nhất từ trước đến nay ở Biển Bắc. Và lần đầu tiên, NATO mời Thụy Điển tham gia cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận quy mô lớn của NATO mang tên Dynamic Mongoose 2015 được khai màn ở bờ biển phía tây của Na-uy, Chỉ huy Lực lượng Hải quân của liên minh NATO cho biết.
Cuộc tập trận sẽ kéo dài cho đến ngày 14/5 với sự tham gia của 20 tàu chiến, máy bay và tàu ngầm. Đây là đợt tập trận hải quân thứ ba loại này được tổ chức của NATO kể từ năm 2012 và luôn do Na-uy chủ trì.
Các cuộc tập trận trước đều nhằm huấn luyện nhiệm vụ cho cả tàu nổi và tàu ngầm trong việc tìm kiếm, phát hiện và phá hủy tàu ngầm của kẻ thù.
Cuộc tập trận năm nay khác với các cuộc diễn tập trước đây bởi nó có sự tham dự lần đầu tiên của Thụy Điển –một nước không phải là thành viên của NATO.
Chỉ huy chiến dịch chính của Lực lượng Vũ trang Na-uy trước đó cho biết, Na-uy sẽ phái tàu khu trục lớp Fridtjof Nansen đến tham dự cuộc tập trận Dynamic Mongoose 2015. Tàu khu trục này được thiết kế cho chiến tranh chống tàu ngầm.
Cuộc tập trận Dynamic Mongoose 2014 có sự tham gia của binh sĩ đến từ 8 quốc gia cùng 10 tàu chiến, 3 tàu ngầm, 3 máy bay tuần tra và cả trực thăng. Trong cuộc tập trận Dynamic Mongoose 2013, 7 quốc gia thành viên NATO đã cung cấp 4 tàu chiến, 11 máy bay và trực thăng cùng 4 tàu ngầm.
Cuộc tập trận Dynamic Mongoose năm nay thu hút sự tham gia của 10 nước, trong đó có cả Thụy Điển, và hơn 5.000 binh sĩ. Khu vực diễn tập chính là căn cứ hải quân Haakonsvern của Na-uy ở gần Bergen và sân bay nhỏ Sola ở căn cứ không quân của Na-uy tại Stavanger.
Việc NATO đang tăng cường tập trận và hiện diện quân sự ngày càng sát biên giới của Nga diễn ra trong bối cảnh cuộc đối đầu Đông-Tây tiếp tục căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Theo: VnMedia